Nga - Ukraine trên bờ vực chiến tranh, toàn cõi châu Âu sẽ thành 'con tin' của đại gia khí đốt Nga?
Nga - Ukraine trên bờ vực chiến tranh
Tờ Wall Street Journal đưa tin, từ đầu tháng 12, Nga đã bố trí hơn 100.000 binh sĩ ở biên giới với Ukraine. Tuần trước, binh lính đã bắt đầu di chuyển xe tăng, xe chiến đấu đường bộ, bệ phóng tên lửa cùng các thiết bị quân sự khác rời khỏi căn cứ ở vùng Viễn Đông tới Belarus để tập trận chung.
Tổng thống Nga Vladimir Putin được cho là đang đe dọa tấn công Ukraine để làm đòn bẩy trong quá trình đàm phán với NATO, hòng buộc liên minh quân sự này không bao giờ được đề nghị Ukraine hay Gruzia gia nhập tổ chức. Ngoài ra, Moscow còn đưa ra một loạt yêu cầu khác, bao gồm việc quân đội Mỹ và đồng minh phải rút khỏi Đông Âu.
Các vòng đàm phán mới nhất giữa Nga, Mỹ và NATO không tạo ra được bước đột phá nào. Washintgon và các đồng minh cũng đe dọa sẽ đáp trả nếu Nga tiến quân vào Ukraine, có thể là thông qua các biện pháp trừng phạt kinh tế hà khắc.
Căng thẳng leo thang vào ngày 14/1, khi các website của chính phủ Ukraine bị tấn công mạng. Chia sẻ với hãng tin AP, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ukraine Oleg Nikolenko cho biết còn quá sớm để xác định ai đứng sau vụ việc, nhưng "trong quá khứ, Nga từng nhiều lần tấn công mạng Ukraine".
Trong khi đó, Lầu Năm Góc khẳng định Nga là thủ phạm đứng sau vụ tấn công vào hệ thống mạng của chính phủ Ukraine và thực chất Điện Kremlin có động cơ đằng sau, theo Bloomberg.
Phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby cho hay: "Chúng tôi có bằng chứng chỉ ra rằng Nga đang tích cực hành động để tạo một cái cớ cho cuộc xâm lược Ukraine. Trên thực tế, chúng tôi biết họ đã sắp xếp trước một nhóm đặc nhiệm để ngụy tạo động cơ tấn công đóng nước láng giềng này".
Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết, nếu cuộc xâm lược Ukraine của Nga thực sự diễn ra, thì "có thể bắt đầu từ giữa tháng 1 đến giữa tháng 2 năm nay".
Trong các cuộc xâm lược từng xảy ra ở bán đảo Crimea của Ukraine và ở Gruzia, Nga cũng bị cáo buộc đã tăng cường các chiến dịch làm sai lệch thông tin và ngụy tạo động cơ để biện minh cho hành động can thiệp của mình.
Nhìn chung, căn nguyên xung đột giữa Nga và Ukraine đã hình thành từ khá lâu và tất cả dường như bắt nguồn từ việc Moscow không sẵn lòng chấp nhận Ukraine độc lập khỏi vòng tay của mình.
Nỗi lo sợ Nga tấn công vào Ukraine đã khiến các nhà phân tích và nhà đầu tư phải cân nhắc những ảnh hưởng tiềm tàng trên thị trường tài chính. Song, việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014 cũng chỉ khiến thị trường toàn cầu "rùng mình" trong một vài ngày, sau đó mọi việc đều sớm lắng xuống.
Tuy nhiên, giới đầu tư không khỏi lo lắng trước tác động của cuộc tấn công đối với thị trường hàng hóa, vì Ukraine là một mắt xích quan trọng để Nga cung ứng khí đốt cho châu Âu.
Ukraine chỉ tạm thoát
Hệ thống đường ống kết nối các mỏ dầu khí ở Siberia với châu Âu là tài sản kinh tế quan trọng của Ukraine, vì chúng giúp Kiev có lợi thế trong các cuộc đàm phán về nhập khẩu dầu khí từ Nga.
Song, cũng từ đây mà lĩnh vực năng lượng của Ukraine phải đối mặt với không ít thách thức. Đầu tiên là vai trò của Nga, đất nước cung ứng phần lớn lượng khí đốt cho Ukraine trong nhiều năm qua.
Có thể nói Nga là một rủi ro chính trị đối với Ukraine, không chỉ ở lĩnh vực năng lượng mà còn trên địa hạt chính trị, kinh tế và an ninh. Moscow thường xuyên sử dụng năng lượng như một công cụ địa chính trị chống lại Kiev.
Chẳng hạn, dưới thời cựu Tổng thống Ukraine Viktor Yushchenko - một nhà lãnh đạo thân phương Tây, Nga đã trừng phạt đất nước láng giềng bằng cách cắt nguồn cung khí đốt trong hai năm 2006 và 2009.
Rủi ro địa chính trị khiến ngành năng lượng Ukraine dễ rơi vào cảnh bấp bênh. Do đó, Kiev đã tìm cách tăng sản lượng nội địa cũng như tìm kiếm các nguồn cung ứng mới để giảm phụ thuộc vào khí đốt của Nga.
Đến khoảng năm 2013, tỷ trọng khí đốt của Nga trong tổng nguồn cung tại Ukraine đã bắt đầu đi xuống và đến năm 2016 thì Ukraine không còn trực tiếp mua khí đốt từ Nga. Tuy nhiên, vẫn phải lưu ý rằng lĩnh vực năng lượng nội địa của Ukraine vẫn bị cản trở bởi nạn tham nhũng và hoạt động kém hiệu quả.
Ở diễn biến khác, Ukraine đã tăng cường nhập khẩu khí đốt từ các nước châu Âu như Ba Lan, Hungary và Slovakia. Song, phần lớn khí đốt này lại có nguồn gốc từ Nga và vì vậy, việc đa dạng hóa nguồn cung của Ukraine không thực sự bền vững về lâu dài.
Dẫu vậy, Ukraine cũng đã đạt được bước tiến đáng kể trong việc tách mình ra khỏi thị trường khí đốt của Nga, trái ngược với tình cảnh có phần đáng ngại hơn của Liên minh châu Âu (EU).
Đó là còn chưa kể, EU đang tích cực theo đuổi các chính sách giảm phát thải khí nhà kính nhưng vẫn chưa phổ biến rộng rãi năng lượng tái tạo trong nguồn cung năng lượng chung. Do đó, các nước trong khối kinh tế chung vẫn còn phụ thuộc nặng nề vào khí đốt của Nga, mà việc cung ứng khí đốt lại đi qua Ukraine.
Châu Âu có thể ngã quỵ
Mức độ lệ thuộc của EU vào nguồn cung khí đốt của Nga đã thể hiện rõ rệt vào năm ngoái, khi dự trữ khí đốt của Nga chạm mức thấp kỷ lục. Nếu Moscow quyết định tấn công Ukraine, EU có thể lâm nguy, các chuyên gia về năng lượng cảnh báo.
Theo thông tin từ Ủy ban châu Âu (EC), khoảng 90% nguồn cung khí đốt của EU là hàng nhập khẩu và Nga là một trong các đối tác chính, bên cạnh Na Uy. Trong quá khứ, đa phần khí đốt từ Nga vào EU đều phải đi qua Ukraine.
Song, để gây áp lực đối với Kiev, Điện Kremlin đã tăng cường xây dựng các đường ống lớn dẫn khí đốt mới để thay thế cho "điểm trung chuyển" là Ukraine. Một trong các hệ thống đáng chú ý nhất chính là Nord Stream 2.
Đường ống Nord Stream 2 vốn bị Ukraine chỉ trích, Kiev cho rằng mình bị tổn thương vì thỏa thuận giữa EU và Nga. Nếu EU chọn Nord Stream 2, đường ống khí đốt của Ukraine sẽ bị bỏ qua và do đó họ sẽ mất một khoản phí vận chuyển khí đốt khá lớn.
Năm 2020, Cơ quan Điều hành Hệ thống Truyền tải Khí đốt của Ukraine cho biết khối lượng khí đốt mà Nga trung chuyển qua Ukraine đạt 55,8 tỷ mét khối, giảm so với mức 89,6 tỷ mét khối của năm 2019. Trong giai đoạn 2021 - 2024, lượng khí đốt do Nga trung chuyển qua Ukraine được dự đoán sẽ giảm xuống còn khoảng 40 tỷ mét khối/năm.
Ở diễn biến khác, kể từ cuối mùa hè năm ngoái, châu Âu đã rơi vào một cuộc khủng hoảng khí đốt nghiêm trọng vì cung không bắt kịp cầu, kéo theo giá của mặt hàng năng lượng này phi mã gần 800%.
Chính quyền ông Putin nhiều lần hàm ý rằng EU nên nhanh chóng phê duyệt đường ống Nord Stream 2 để Nga có thể bơm thêm khí đốt sang khối kinh tế chung. Hiện tại, Đức vẫn đang chần chừ chưa phê duyệt Nord Stream 2 do lo ngại rằng Nga sẽ sử dụng đường ống mới để thao túng EU.
Nói một cách nào đó, Nga có thể đang "một lúc nhắm bắn hai con chim" là Ukraine và EU. Khi căng thẳng giữa Moscow và Kiev chưa hạ nhiệt, thị trường năng lượng chắc chắn sẽ còn bị phủ bóng đen và giá khí đốt ở EU khó mà hạ nhiệt.
Chia sẻ với CNBC, chuyên gia năng lượng Dan Yergin từng bày tỏ: "Thị trường khí đốt sẽ bị siết rất chặt. Nguy cơ chiến tranh giữa Nga và Ukraine đang treo lơ lửng trên đầu chúng ta, đặc biệt là khi Nga cung ứng đến 35% khí đốt cho châu Âu".
Công ty nghiên cứu Capital Economics cảnh báo, nếu cuộc khủng hoảng giữa Moscow và Kiev tiếp tục leo thang, giá khí đốt ở châu Âu, vốn đã nhảy vọt lên mức cao hồi năm ngoái, có thể phi mã.
Ông William Jackson, kinh tế trưởng tại Capital Economics, lưu ý: "Một số quốc gia châu Âu phụ thuộc rất nhiều vào khí đốt của Nga, đặc biệt là ở khu vực Đông Âu, có thể phải cắt giảm tiêu thụ năng lượng".