Châu Á sẽ chịu áp lực khi giá khí đốt tại châu Âu tăng vọt?
Một mùa đông khắc nghiệt và sự sụt giảm lượng khí đốt tự nhiên từ Nga đã đẩy giá nhiên liệu lên cao tại châu Âu, và sự gia tăng này có khả năng sẽ ảnh hưởng đến thị trường châu Á trong thời gian tới, theo Nikkei Asia.
Thông thường, giá khí đốt tại châu Á cao hơn châu Âu, nhưng năm nay mô hình này đã đảo ngược do nguồn cung thắt chặt và nhu cầu gia tăng. Hợp đồng tương lai khí đốt tự nhiên Dutch TTF, một chỉ số chuẩn của châu Âu, đã đạt mức cao nhất trong hai năm vào đầu tuần này và tăng khoảng 20% so với cuối năm 2024.
Nhu cầu sưởi ấm gia tăng khi châu Âu trải qua một mùa đông lạnh hơn so với hai năm trước. Các quốc gia phụ thuộc đáng kể vào năng lượng tái tạo, như Đức, cũng chịu ảnh hưởng từ tình trạng thiếu ánh sáng mặt trời và gió kể từ năm ngoái. Hiện tượng này còn được biết đến với cái tên "điểm chết tối”.
Trong khi đó, nguồn cung khí đốt giảm mạnh. Lượng khí đốt nhập khẩu qua đường ống vào 27 quốc gia châu Âu trong tháng 1 đã chạm mức thấp nhất trong 16 tháng, giảm 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân một phần là do Nga đã ngừng cung cấp khí đốt qua Ukraine.
Theo tổ chức Gas Infrastructure Europe, tính đến thứ Hai, Liên minh châu Âu (EU) chỉ còn 48% dung lượng dự trữ khí đốt. Đây là mức giảm đáng kể so với tháng 11 năm ngoái, khi các kho dự trữ gần như đầy.
Hợp đồng tương lai khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), chỉ số chuẩn cho thị trường châu Á, hiện dao động ở mức hơn 16 USD/MMBtu. Trên cùng một cơ sở so sánh, giá khí đốt tại châu Âu hiện đắt hơn gần 1 USD so với LNG của châu Á.
Giá khí đốt tại châu Âu từng tăng vọt vào năm 2022, khi nguồn cung từ Nga giảm mạnh sau cuộc xung đột với Ukraine leo thang. Tuy nhiên, mức chênh lệch giá thông thường giữa châu Á và châu Âu đã trở lại vào năm 2023, nhưng hiện tại tình hình đang đảo ngược một lần nữa.
Giá khí đốt cao tại châu Âu có khả năng sẽ lan sang châu Á với một độ trễ nhất định. Khoảng cách giá ngày càng lớn giữa hai thị trường đang thúc đẩy các động thái bán lại LNG từ châu Á sang châu Âu. Theo Go Katayama, nhà phân tích chính tại Kpler, đã có 9 tàu chở LNG bị chuyển hướng từ châu Á sang châu Âu trong tháng 1. Ông cho biết: "Trong ba năm qua, con số này chỉ dao động từ một đến ba trong cùng kỳ, vì vậy năm nay là một ngoại lệ đáng chú ý."
Sau khi Trung Quốc áp thuế bổ sung 15% đối với LNG của Mỹ vào đầu tuần này, các nhà nhập khẩu Trung Quốc được kỳ vọng sẽ bán lại LNG thay vì nhập khẩu.
Ngay cả khi thời tiết dần chuyển sang mùa xuân thì giá cũng khó lòng giảm. Ông Yutaka Shirakawa, một nhà phân tích khí đốt tại Cơ quan Năng lượng Quốc tế, dự đoán mức dự trữ khí đốt của châu Âu sẽ dưới 40% vào cuối tháng 3, khi mùa cao điểm tiêu thụ kết thúc.
Dự trữ ban đầu cho mùa đông tiếp theo có thể thấp hơn khoảng 20 điểm phần trăm so với hai năm qua - khi mức dự trữ vượt 50%. Để đáp ứng mục tiêu dự trữ 90% vào tháng 11, khu vực này sẽ cần thu hút LNG từ châu Á với giá cao ngay cả sau mùa xuân.
Hãng tin Bloomberg tuần trước đưa tin rằng một số quốc gia EU đang thảo luận về việc nới lỏng mục tiêu dự trữ khí đốt mùa đông do giá tăng cao. Tuy nhiên, ông Shirakawa cảnh báo rằng việc hạ thấp mục tiêu "có thể làm gia tăng nguy cơ nguồn cung thắt chặt và giá cao vào mùa đông khi nhu cầu tăng vọt."