|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Tương lai năng lượng châu Âu sau khi Nga 'đóng van' khí đốt

19:38 | 16/11/2024
Chia sẻ
Ngày 15/11, Nga thông báo với Áo về việc nước này sẽ dừng cung cấp khí đốt qua Ukraine, đánh dấu bước tiến gần hơn tới việc chấm dứt hoàn toàn nguồn cung khí đốt từ Moskva sang châu Âu.
 

Một đường ống khí đốt tại châu Âu. (Ảnh: AP).

Hệ thống đường ống dẫn khí đốt lâu đời nhất của Nga đến châu Âu đi qua Ukraine, được xây dựng từ thời Liên Xô, dự kiến sẽ ngừng hoạt động vào cuối năm nay.

Ukraine tuyên bố không gia hạn thỏa thuận trung chuyển với Gazprom – tập đoàn dầu khí quốc doanh Nga – nhằm cắt nguồn thu nhập mà nước này cho rằng Nga đang sử dụng để tài trợ cho cuộc xung đột tại Ukraine.

Việc Nga dừng cung cấp khí đốt cho Áo, quốc gia nhận phần lớn khí đốt qua Ukraine, đồng nghĩa rằng Nga giờ chỉ cung cấp lượng khí đốt đáng kể cho Hungary và Slovakia, trong đó Hungary tiếp nhận khí đốt qua đường ống chạy chủ yếu qua Thổ Nhĩ Kỳ. Trước khi xung đột tại Ukraine bùng nổ vào năm 2022, Nga đáp ứng tới 40% nhu cầu khí đốt của Liên minh châu Âu (EU).

Thủ tướng Áo Karl Nehammer cho biết thông báo từ Gazprom đã được dự đoán từ lâu và nước này đã chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống này. Ông Nehammer khẳng định: “Không hộ gia đình nào sẽ phải chịu lạnh trong mùa Đông này. Các kho chứa khí đốt đã đầy đủ”.

Ngoại trưởng Ukraine, Andrii Sybiha, viết trên nền tảng X rằng: “Kỷ nguyên châu Âu phụ thuộc vào khí đốt Nga đã kết thúc”, đồng thời kêu gọi cắt đứt hoàn toàn nguồn lợi nhuận từ năng lượng của Nga.

Tập đoàn năng lượng lớn nhất Áo, OMV, cho biết họ đã chuẩn bị cho khả năng Nga dừng cung cấp khí đốt và có thể nhập khẩu khí đốt qua Đức, Italy, và Hà Lan để phục vụ khách hàng.

Nguồn cung từ Nga cho Áo bị ngừng sau một tranh chấp hợp đồng giữa Gazprom và OMV. Trong thông báo trên nền tảng giao dịch khí đốt Trung Âu, OMV cho biết Gazprom sẽ dừng cung cấp khí đốt từ ngày 16/11/2024.

Trong khi đó, giá khí đốt toàn cầu vẫn trên đà tăng mạnh sau khi nguồn cung từ Nga giảm dần. Tuy nhiên, nhiều quốc gia châu Âu đã tìm được nguồn cung thay thế, bao gồm khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ.

Minh Trang (Theo Reuters)