Washington cáo buộc Nga đang 'ngụy tạo động cơ' để tấn công Ukraine
Nga đang ngụy tạo động cơ xâm lược Ukraine?
Hôm 14/1, Nhà Trắng cho biết chính phủ của Tổng thống Vladimir Putin đã bố trí các đặc nhiệm được đào tạo về tác chiến đô thị và sử dụng chất nổ, có thể thực hiện hành động phá hoại chống lại các lực lượng ủy nhiệm của chính Nga ở (hoặc gần) Ukraine.
Phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby cho hay: "Chúng tôi có bằng chứng chỉ ra rằng Nga đang tích cực hành động để tạo một cái cớ cho cuộc xâm lược Ukraine. Trên thực tế, chúng tôi biết họ đã sắp xếp trước một nhóm đặc nhiệm để ngụy tạo động cơ tấn công đóng nước láng giềng này".
Ông Kirby nhấn mạnh, thông tin mà chúng tôi có được rất đáng tin cậy. Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết, nếu cuộc xâm lược Ukraine của Nga thực sự diễn ra, thì "có thể bắt đầu từ giữa tháng 1 đến giữa tháng 2 năm nay".
Nga có thể triển khai kế hoạch nếu các cuộc đàm phán ngoại giao với Mỹ, NATO và một số quốc gia châu Âu quan trọng khác không giúp Moscow đạt được các mục tiêu mà nước này mong muốn, theo đánh giá do một quan chức Mỹ chia sẻ.
Trong các cuộc xâm lược từng xảy ra ở bán đảo Crimea của Ukraine và ở Gruzia, Nga cũng bị cáo buộc đã tăng cường các chiến dịch làm sai lệch thông tin và ngụy tạo động cơ để biện minh cho hành động can thiệp của mình.
Với hơn 100.000 quân Nga ở biên giới Ukraine, giới chức Mỹ đã bắt đầu cảnh báo trong những ngày gần đây rằng Moscow có thể đang cố gắng ngụy tạo bằng chứng để lấy đó làm cái cớ xâm lược nước láng giềng.
Nga đã nhiều lần phủ nhận ý định xâm lược Ukraine và các quan chức Mỹ cũng không cung cấp thêm chi tiết về thông tin tình báo đằng sau đánh giá mới nhất.
Hãng tin Tass dẫn lời phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh, truyền thông phương Tây nói việc Nga đang chuẩn bị xâm chiếm Ukraine là vô căn cứ.
Đánh giá của Nhà Trắng được công bố không lâu sau khi một cuộc tấn công mạng đánh sập một loạt website của chính phủ Ukraine vào ngày 14/1.
Theo ông Viktor Zhora, người phụ trách bảo vệ thông tin liên lạc của chính phủ Ukraine, khoảng 70 cơ quan đã bị tấn công, bao gồm Bộ Ngoại giao và Bộ Nông nghiệp.
"Song, không có dữ liệu quan trọng nào bị rò rỉ. Nội dung của các website không bị hư hại", ông Zhora cho hay. "Chúng tôi đang thu thập bằng chứng và phân tích dữ liệu để tìm hiểu toàn bộ cuộc tấn công này".
Bloomberg cho biết, Tổng thống Biden đã thông báo vắn tắt về cuộc tấn công mạng nhắm vào Ukraine, nhưng Washington không đổ lỗi ngay cho bất kỳ tổ chức hay quốc gia nào. Giới chức tại Washington nhận định các website bị ảnh hưởng dường như đã hoạt động trở lại.
Cơ quan an ninh của Ukraine thông tin, có "một số dấu hiệu" cho thấy Nga đứng sau vụ tấn công. Trong một tuyên bố, cơ quan này cho biết cuộc điều tra sẽ tiếp tục cho đến cuối tuần.
Các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) - khu vực mà Ukraine đang gắng sức làm sâu sắc hơn mối quan hệ, đã lên án vụ tấn công mạng. Trong đó, Ba Lan và Thụy Điển đều chỉ tay về phía Nga.
Ông Stanislaw Zaryn, phát ngôn viên của cơ quan mật vụ Ba Lan, bình luận: "Vụ tấn công mạng được Ukraine thông tin là một phần trong các hoạt động điển hình của cơ quan mật vụ Nga".
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Thụy Điển Ann Linde cũng nhắn nhủ châu Âu: "Chúng ta phải rất kiên quyết trong các thông điệp gửi tới Nga, rằng nếu Ukraine bị tấn công, chúng ta sẽ đáp trả mạnh mẽ".
Chưa rõ ý định của ông Putin khi ra đàm phán
Cũng theo phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby, nếu Nga tấn công Ukraine, gần 200 lính Vệ binh Quốc gia của Mỹ đang tập trận ở Ukraine có thể gặp nguy hiểm.
Song, bất chấp cảnh báo về kế hoạch của Moscow, ông Kirby nói chính quyền Tổng thống Biden tin tưởng các bên vẫn còn không gian ngoại giao để giải quyết cuộc khủng hoảng.
Tuy nhiên, các cuộc đàm phán tại châu Âu tuần này không thể vạch rõ ý định của Moscow. Hiện tại, các nước vẫn chưa ấn định thời điểm để tổ chức cuộc đàm phán tiếp theo.
Hôm 13/1, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan thừa nhận rằng Mỹ và châu Âu có thể không thống nhất hoàn toàn về các biện pháp trừng phạt tiềm tàng nếu ông Putin ra lệnh tấn công Ukraine.
Dù vậy, ông tin tưởng hai bên sẽ ban hành các lệnh trừng phạt có "hậu quả kinh tế nghiêm trọng" đối với Moscow trong trường hợp chiến tranh Nga - Ukraine xảy ra.