'Thung lũng chết' của Nga và lời hứa khó thành của ông Putin
Tháng 10/2021, Tổng thống Vladimir Putin cam kết Nga sẽ thành nước trung hòa carbon vào năm 2060. Đây là một lời hứa đầy tham vọng đối với đất nước phát thải khí nhà kính lớn thứ 4 trên thế giới và kinh tế phụ thuộc nặng nề vào nhiên liệu hóa thạch như Nga.
Ít ai ngạc nhiên về thông báo này bằng các cư dân của Kiselyovsk, thị trấn dân địa phương gọi là "Thung lũng chết" vì có các mỏ than lộ thiên thải khí độc và bụi than, khiến không khí cay xè và trẻ em sinh bệnh.
Đối với nhiều người, Kiselyovsk - nằm giữa khu vực khai thác than Kuzbass của Nga, là biểu tượng cho sự gắn bó sâu sắc và ngày càng bền chặt của nước này với than. Than cung cấp nhiên liệu cho kinh tế Nga và là mặt hàng xuất khẩu giá trị, thu về khoảng 12 tỷ USD vào năm 2020.
Các áp phích ở Kiselyovsk khoe khoang "Than sạch – Kuzbass xanh", nhưng cảnh quan nơi này bị phủ đầy tro đen. Lá cây có màu xám xỉn và và sương mù che khuất mặt trời hầu hết mọi người.
Các vụ nổ dữ dội từ hố vang dội trên địa hình ảm đạm làm vỡ cửa kính, rạn nứt tường và dịch chuyển các căn nhà khỏi nền móng.
"Như thể một trận động đất vừa đi qua vậy", bà mẹ 5 con Tatyana Kotelnikova chỉ vào những vết rạn trên cửa sổ và tường trong ngôi nhà xập xệ của mình, cách hố than lộ thiên chưa tới 100m. "Tôi thường xuyên bị phủ trên bụi than. Luôn có một lớp bụi dày đóng trên gờ cửa sổ. Tôi không thở được. Tôi bị chảy máu cam liên tục".
Ba đứa con nhỏ nhất của bác Kotelnikova, tuổi từ 3 đến 12, thường xuyên bị ốm và đau đầu.
Các thách thức đối với kế hoạch giảm thiểu sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga phản ánh bài toán mà nhiều nước đối mặt, đặc biệt là Trung Quốc: Giữ cho nền kinh tế hoạt động suôn sẻ khi chuyển tiếp sang nguồn năng lượng sạch hơn.
Kế hoạch dự thảo của chính phủ Nga bao gồm kịch bản nhắm đến giảm thiểu phát thải carbon ròng từ 1,6 tỷ tấn năm 2019 xuống 630 triệu tấn vào năm 2050, tờ Wall Street Journal cho biết.
Chưa rõ Nga sẽ làm thế nòa để đạt được mục tiêu trên. Doanh thu dầu khí đóng góp đến 20% GDP Nga, các sản phẩm năng lượng và nhiên liệu chiếm đa số mặt hàng xuất khẩu của nước này.
Trong khi đó, Nga lại đang lên kế hoạch tăng sản lượng than cho đến năm 2035. Kể từ 2017, sản lượng than đã vượt 400 triệu tấn mỗi năm, một nửa bán ra nước ngoài. Ông Putin đã lệnh cho các bộ trưởng tăng cường xuất khẩu than sang châu Á ít nhất 30% vào năm 2024.
Dẫu cho Nga đặt mục tiêu giảm phát thải carbon, chính phủ vẫn muốn kinh tế tăng trưởng hàng năm từ 3% trở lên. Nhưng Bộ trưởng Bộ Phát triển kinh tế Nga Maxim Reshetnikov gần đây đã thừa nhận rằng "đảm bảo tăng trưởng kinh tế trong cuộc chuyển đổi năng lượng toàn cầu" là cả một thách thức.
Sự mâu thuẫn này được minh họa rõ ràng tại 5 vùng khai thác than của Nga, nơi sinh sống của khoảng 11 triệu người. Một phần đáng kể trong số họ sống dựa vào than để kiếm sống.
Thị trấn Kiselyovsk, nơi hoàn toàn phụ thuộc vào khai thác than, từng có ít nhất 8 mỏ than ngầm cho đến khi chúng bị đóng cửa gần hết vào thập niên 1990 khi Liên Xô tan rã. Nhưng 9 mỏ than lộ thiên nhanh chóng mọc lên vào đầu những năm 2000, len lỏi vào khu dân cư của của thị trấn với 90.000 dân.
Các nhà hoạt động môi trường địa phương giải thích rằng các mỏ lộ thiên vận hành rẻ hơn và thích hợp để khai thác than Kiselyovsk, rất gần với bề mặt Trái đất.
Bà Kotelnikova cho biết trước khi một hố than mọc ra trước cửa nhà năm 2011, quả mọng, táo và cà rốt sinh trưởng tốt trong sân nhà bà. Bây giờ chúng đã ngừng lớn hoặc bị bao phủ bởi muội than.
Bà Alla Garkavaya, một cư dân khác ở Kiselyovsk nói: "Tôi phải rửa rau củ của mình ba đến 5 lần". Khu vườn của bà nằm ngay gần với một hố than lộ thiên.
Người phụ nữ 74 tuổi này hồi tưởng khi bà và chồng chuyển tới Kiselyovsk năm 1967. Khi đó thị trấn được cung cấp năng lượng bằng khí đốt được sản xuất từ than khai thác dưới lòng đất trong quy trình được gọi là khí hóa than.
Bà Garkavaya kể rằng cuộc sống ở Kiselyovsk từng rất tốt đẹp. Chồng bà có thu nhập tốt khi làm kỹ sư tại doanh nghiệp khí hóa than chính của nhà nước trong thị trấn. Không khí trong lành và thậm chí khu dân cư của bà còn có thư viện và hiệu thuốc, thứ được coi là xa xỉ ở một số thị trấn thời Liên Xô. Nhưng kể từ khi các hố than lộ thiên xuất hiện, mọi thứ từ sưởi ấm cho đến nấu ăn đều phụ thuộc vào than.
Trong vài thập kỷ, chính phủ hứa sẽ di dời tất cả những người sống gần các hố lộ thiên đến các khu vực an toàn hơn trong thị trấn. Quan chức địa phương nói rằng hai tòa chung cư được dựng lên trong hai thập kỷ qua. Nhưng các nhà hoạt động địa phương cho biết chưa đầy 100 gia đình được chuyển đi.
Những người bị bỏ lại đã phàn nàn với các chủ mỏ và chính phủ về tình trạng ô nhiễm và mong muốn được chuyển đi, đồng thời viết thư trực tiếp cho Tổng thống Putin nhưng không được hồi đáp.
Ông Vladimir Lobaryov, một luật sư có bà sống ở Kiselyovsk nói rằng các mỏ than đã tìm lỗ hổng để tránh phải phải di dời hay đền bù cho cư dân lân cận. Ví dụ, họ dùng các bản đồ cũ thể hiện người dân sống ở những khu vực không cần phải dời đi.
Ông Leonid Melnikov, 38 tuổi, chỉ trích gay gắt hoạt động khai thác than và buồn phiền rằng ba đứa con chưa bao giờ được ngắm tuyết trắng.