Nhà đầu tư chứng khoán chớ nên mừng vội, hãy cẩn trọng 'cú nảy con mèo chết'

Bảng quảng cáo Nasdaq trên đường phố New York. (Ảnh: Getty Images).
Lịch sử đen tối
Trong phiên 9/4, Nasdaq Composite đã tăng vọt 12%. Đây là phiên giao dịch tốt thứ hai trong lịch sử của chỉ số thiên về công nghệ này và là mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 1/2001, thời điểm thị trường đang rung chuyển vì khủng hoảng dot-com.
Trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vào tháng 10/2008, Nasdaq Composite đã ghi nhận hai trong 5 phiên giao dịch tốt nhất từ trước đến nay, CNBC thông tin thêm.
Hai phiên giao dịch tốt nhất còn lại diễn ra khi bong bóng công nghệ đang vỡ. Phiên giao dịch tốt thứ 6 của Nasdaq Composite kể từ năm 1971 là ngày 13/3/2020, khi đại dịch COVID-19 đang tấn công nước Mỹ.
Tính chung, trong 25 phiên giao dịch tốt nhất của Nasdaq Composite (bao gồm phiên 9/4), 22 cột mốc diễn ra khi bong bóng dot-com đang đổ vỡ, khủng hoảng tài chính toàn cầu leo thang và đại dịch COVID-19 hoành hành.
Một phiên khác diễn ra vào ngày 21/10/1987, hai ngày sau Thứ hai Đen tối. Phiên còn lại vào tháng 11/2022.
Các chuyên gia gọi những phiên giao dịch như vậy là “cú nảy con mèo chết”, mô tả hiện tượng giá cổ phiếu phục hồi tạm thời sau một đợt lao dốc, trước khi tiếp tục đà giảm. Đây là phản ứng quen thuộc trong thời điểm tồi tệ nhất của Phố Wall.
Do đó, CNBC khuyên các nhà đầu tư nên chuẩn bị cho nhiều biến động hơn.
Tháng tồi tệ nhất trong lịch sử của Nasdaq Composite là 10/1987, khi chỉ số này lao dốc 27%. Tháng thứ hai là 11/2000 với mức giảm 23%. Vào tháng 3/2020, Nasdaq Composite tụt 10%. Dù phục hồi mạnh mẽ trong phiên vừa qua, chỉ số này vẫn đang giảm 1% trong tháng 4/2025.
Tổng thống Donald Trump kích hoạt đợt phục hồi hôm 9/4 khi ông hạ thuế quan với gần 60 đối tác thương mại của Mỹ xuống còn 10% trong 90 ngày để tạo điều kiện cho các nước đàm phán.
Bài đăng trên mạng xã hội của ông Trump làm dấy lên sự lạc quan rằng thuế quan trên thực tế sẽ không nặng nề như kế hoạch ban đầu và ngay lập tức kích thích thị trường nhảy vọt.
Trước đó, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp và nhà tài trợ giàu có của ông Trump, bao gồm "thiên tài đầu cơ" Bill Ackman, đồng sáng lập Ken Langone của Home Depot và nhà đầu tư tỷ phú Leon Cooperman, đã chỉ trích gay gắt thuế quan.
Đến đầu ngày 9/4, CEO Jamie Dimon của gã khổng lồ ngân hàng JPMorgan Chase cảnh báo thuế quan có khả năng dẫn đến suy thoái. Vài ngày trước, CEO Larry Fink của BlackRock cẩn trọng: “Hầu hết các CEO mà tôi trò chuyện đều nói rằng có lẽ chúng ta đang ở trong thời kỳ suy thoái”.
CEO Elon Musk của hãng xe điện Tesla, người giàu nhất thế giới và là một trong những người thân cận nhất với ông Trump tại Nhà Trắng, hồi đầu tuần này đã lên tiếng chỉ trích ông Peter Navarro, cố vấn thương mại của vị tổng thống. Musk gọi ông Navarro là “kẻ ngốc”.
Công ty xe điện của Musk phải chịu ảnh hưởng nặng nề trong thời gian gần đây, giảm 22% trong 4 phiên giao dịch trước sau khi trải qua quý tồi tệ nhất kể từ năm 2022. Cổ phiếu Tesla nhảy vọt 23% trong phiên 9/4, đánh dấu kết quả tốt thứ hai trong lịch sử giao dịch.
Điểm khác biệt lớn giữa sự hỗn loạn của thị trường hiện tại và các cú sập năm 1987, 2000 - 2001, 2008 và 2020 là nhiều nhà đầu tư cho rằng lần này họ có thể dễ dàng tránh được rắc rối và giá cổ phiếu có khả năng đảo chiều dựa trên những gì Tổng thống Trump quyết định làm.

Cố gắng vô ích
Theo CNBC, cố gắng dự đoán động thái tiếp theo của ông Trump là việc làm vô ích.
Tối 6/4, chủ nhân Nhà Trắng nói với các phóng viên rằng ông không muốn đẩy thị trường đi xuống “nhưng đôi khi bạn phải uống thuốc để chữa bệnh”. Ông nhấn mạnh Mỹ cần phải khắc phục tình trạng thâm hụt thương mại với Trung Quốc và nếu không giải quyết được vấn đề đó, Washington sẽ không ký thoả thuận.
Nhà lãnh đạo 78 tuổi vẫn giữ lập trường cứng rắn với Trung Quốc, ít nhất là cho đến hiện tại. Hôm 9/4, trong khi tạm hoãn thuế đối ứng với gần 60 đối tác thương mại khác, ông quyết định nâng thuế quan với hàng hoá Trung Quốc lên 125%.
Trước tuyên bố mới nhất của ông Trump, nỗi lo về thiệt hại kinh tế đã lan sang thị trường trái phiếu, làm dấy lên lo lắng rằng lãi suất tăng cao hơn sẽ gây ra thêm nhiều vấn đề cho người tiêu dùng vào thời điểm tồi tệ nhất.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm - chuẩn mục cho nhiều loại chi phí đi vay như lãi vay mua nhà, thẻ tín dụng,... - đã tăng vọt từ mức 3,9% hồi tuần trước lên 4,51%. Hiện tại, lợi suất đang dao động quanh mức 4,38%.
Khi các công ty công nghệ vốn hoá lớn, hiện chiếm một phần đáng kể trong Nasdaq Composite và S&P 500, chuẩn bị báo cáo số liệu tài chính hàng quý vào cuối tháng này, ban lãnh đạo của họ sẽ phải chỉ ra một vài dữ kiện có thể gợi ý cho tình hình kinh doanh cuối năm 2025 và đầu năm 2026.
Nếu Nhà Trắng không cung cấp thêm những thông tin rõ ràng hơn, nhiều kế hoạch kinh doanh có thể bị trì hoãn vì các nhà lãnh đạo phải dành thời gian đánh giá tác động của các mức thuế quan hiện tại cũng như tương lai đến chi phí, doanh thu và chuỗi cung ứng.
Thông báo cuối ngày 9/4 của ông Trump giúp thị trường an lòng phần nào. Các nhà đầu tư như Bill Ackman ăn mừng. Trên nền tảng X, nhà sáng lập quỹ Pershing Square viết: “Tổng thống Trump làm việc quá xuất sắc. Nghệ thuật đàm phán, chuẩn như sách giáo khoa”.
Trong một lưu ý, nhà phân tích Dan Ives của Wedbesh gọi đó là “tin tức mà mọi người trên Phố Wall trông chờ” sau “ngày tận thế” mà Tổng thống Trump gây ra trước đó.
Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp vẫn đang mắc kẹt trong vòng xoáy chính sách của ông Trump, tất cả mọi bất ổn vẫn còn nguyên.