|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Mặc chứng khoán thăng hoa nhờ ông Trump hoãn thuế, các CEO vẫn sợ Mỹ suy thoái

14:06 | 10/04/2025
Chia sẻ
Quyết định hoãn thuế quan đối ứng trong 90 ngày của ông Trump giúp chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh mẽ trong phiên 9/4. Song, sự hỗn loạn từ chính sách thương mại của Nhà Trắng vẫn thúc đẩy các doanh nghiệp Mỹ chuẩn bị cho kịch bản suy thoái.

Ông Jamie Dimon, CEO JPMorgan - ngân hàng lớn nhất nước Mỹ tính theo tổng tài sản. (Ảnh: CNBC). 

Tương lai không chắc chắn

CEO của các doanh nghiệp từ Delta Air Lines cho đến Walmart đang cảnh báo về tâm lý bi quan bao trùm nền kinh tế, gây áp lực lên nhu cầu và khiến tương lai trở nên cực kỳ khó đoán.

Ông Jamie Dimon, CEO ngân hàng lớn nhất nước Mỹ JPMorgan, dự kiến số vụ vỡ nợ ở Mỹ sẽ gia tăng trong lúc nền kinh tế suy yếu. Các nhà sản xuất ô tô vội tung ra chương trình chiết khấu hoặc cam kết giữ giá ổn định nhằm thu hút các khách hàng lo lắng về thuế quan.

Ông Ed Bastian, CEO hãng hàng không Delta, chia sẻ với CNBC: “Chúng tôi đang hành động như thể Mỹ đang tiến tới suy thoái.

Dù bạn là nhà quản lý doanh nghiệp đang cân nhắc kế hoạch đầu tư hay một người tham gia thị trường đang tìm cách phân bổ vốn, hoặc thậm chí là một người tiêu dùng đắn đo mua hàng, tôi nghĩ mọi quyết định đều đang bị hoãn lại vì sự khó lường xoay quanh chính sách của Nhà Trắng”.

Các chính sách liên tục thay đổi của Tổng thống Donald Trump đã gây ra tâm lý hoảng loạn trên thị trường chứng khoán và trong khắp các phòng họp của doanh nghiệp.

Đầu ngày 9/4, ông Trump đã chính thức áp dụng mức thuế quan đối ứng cao hơn với gần 60 đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ. Tuy nhiên, chỉ 13 giờ sau đó, ông Trump lại đổi ý và tạm ngưng kế hoạch. Riêng Trung Quốc bị áp mức thuế 125%.

Chứng khoán Mỹ thăng hoa sau thông báo tạm hoãn thuế quan, chỉ số S&P 500 ghi nhận mức tăng điểm một ngày lớn nhất kể từ năm 2020. Trước đó, chỉ số này đã cận kề thị trường gấu.

Sau quyết định mới nhất của Nhà Trắng, các phóng viên đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Scott Bessent rằng liệu công chúng có nên tin tưởng lệnh tạm hoãn sẽ được duy trì, giúp giảm bớt nỗi lo về sự bất ổn hay không.

Ông đáp: “Sự chắc chắn duy nhất mà chúng tôi có thể hứa hẹn là Mỹ sẽ đàm phán với thiện chí và chúng tôi tin các đồng minh cũng sẽ làm vậy”.

Đề phòng bất trắc

Sau khi thuế quan được tạm hoãn, các nhà kinh tế của Goldman Sachs đã rút lại dự báo Mỹ suy thoái. Song, với doanh nhân Mike Roach, nhà đồng sáng lập công ty may mặc Paloma Clothing có trụ sở tại bang Oregon, suy thoái đã bắt đầu.

Doanh số của Paloma đã giảm 11% so với một năm trước, công ty phải chạy ba chương trình giảm giá cùng lúc. Ông đang nghĩ đến việc cắt giảm hoạt động tuyển dụng vào mùa hè.

Ông nhận xét: “Việc ông Trump hoãn thuế quan là điều rất tốt cho ngày hôm nay, thị trường sẽ đi lên. Nhưng thực tế là môi trường kinh doanh vẫn rất khó đoán”.

Trong cuộc phỏng vấn với Fox Business trước khi Nhà Trắng hoãn áp thuế, ông trùm ngành tài chính Dimon nhận xét “nhiều khả năng” Mỹ sẽ rơi vào suy thoái vì sự hỗn loạn trong lĩnh vực thương mại. 

CEO JPMorgan nhận xét: “Nếu Nhà Trắng giải quyết các vấn đề thuế quan và thương mại này, đó là chuyện tốt. Nếu lãi suất tăng nhẹ, lạm phát vẫn dai dẳng và chênh lệch lợi suất giữa các loại trái phiếu nới rộng... thì các vấn đề tín dụng sẽ phát sinh nhiều hơn hẳn những gì mọi người đã chứng kiến trong thời gian dài”.

Walmart, nhà bán lẻ lớn nhất thế giới, đang chuẩn bị cho kịch bản nền kinh tế sa sút bằng cách sử dụng quy mô khổng lồ của mình để duy trì giá cả thấp và tìm kiếm các cách mở rộng thị phần trong bối cảnh người tiêu dùng bắt đầu cắt giảm chi tiêu.

CFO John David Rainey của Walmart phát biểu hôm 9/4: “Sự bất an và suy yếu trong niềm tin người tiêu dùng đã khiến doanh số bán hàng của chúng tôi biến động nhẹ mỗi ngày”.

Trong thời gian qua, giới đầu tư đã bán tháo trái phiếu của các công ty bán lẻ vì nhận định đây là nhóm những doanh nghiệp dễ bị tổn thương nhất khi nền kinh tế giảm tốc.

Vào cuối tuần trước, lượng trái phiếu doanh nghệp Mỹ bị xếp hạng "gặp khó khăn tài chính" đã tăng hơn 32% kể từ cuối tháng 2, theo công cụ theo dõi của Bloomberg.

Người tiêu dùng bi quan

Thuế quan khiến người Mỹ bi quan hơn về triển vọng tương lai, người tiêu dùng dự kiến giá cả sẽ đi lên và doanh số bán lẻ tháng 2 của Mỹ tăng thấp hơn dự kiến.

Tạm thời, một số nhà bán lẻ đang nhận được cú hích trong bối cảnh người tiêu dùng tích trữ hàng hóa hoặc thực hiện các khoản mua sắm lớn do lo ngại giá cả sẽ tăng vì thuế quan. Các đại lý ô tô cho biết khách hàng đã đổ xô đến showroom.

Cô Julia Kaplan, một dược sĩ 31 tuổi ở New York, nhận xét: “Giá cả thời buổi này không thể đoán trước được”. Cô đã cố gắng “lưu tâm hơn” khi mua sắm thực phẩm, quần áo và những vật dụng khác cho gia đình.

Nhân viên của Apple cho biết các cửa hàng của họ chật cứng khách vào cuối tuần trước. Hầu hết iPhone được sản xuất tại Trung Quốc, mà nước này lại bị Mỹ áp thuế quan 125%. 

Giang