Lớp băng vĩnh cửu tan chảy đe dọa kéo nền kinh tế dầu mỏ của Nga đổ sập
Nghiên cứu của chính phủ và các nhà khoa học cho thấy biến đổi khí hậu đang làm tan chảy tầng đất đóng băng vĩnh cửu (permafrost) của Nga. Mức độ nghiêm trọng của hiện tượng này là vô cùng lớn, do tầng lớp này là nền móng của 2/3 nước Nga, bao gồm phần lớn cơ sở hạ tầng dầu mỏ và khí đốt.
Kể từ năm 1976, nhiệt độ trung bình của Nga đã tăng với tốc độ nhanh hơn thế giới 2,5 lần.
Các mỏ và nhà máy đang bị rò rỉ và rạn nứt do ăn mòn ngày càng tăng, phần lớn bắt nguồn từ băng tan trên mặt đất. Trong ngành đường ống, thanh giằng và các bộ phận khác được neo cố định vào lớp băng vĩnh cửu thường xuyên bị ăn mòn và bẻ cong khi lớp đất bên dưới thay đổi, theo các nhà nghiên cứu.
Doanh nghiệp đang đổ hàng triệu USD để gia cố các tòa nhà, theo dõi nhiệt độ đất và lắp đặt hệ thống làm mát công nghệ cao.
Ông Vladimir Romanovsky, Giáo sư Địa vật lý tại Đại học Alaska Fairbanks cho biết: "Cách đây không lâu, mọi người tưởng rằng băng tan chảy sẽ chỉ tác động lên cơ sở hạ tầng vào cuối thế kỷ 21. Giờ chúng ta nhận ra chúng ta không có nhiều thời gian. Dầu mỏ, khí đốt, làng mạc – tất cả đều bị đe dọa".
Các quan chức kinh tế và nhà khoa học Nga ước tính băng vĩnh cửu tan chảy có thể ảnh hưởng đến hơn 1/5 cơ sở hạ tầng đất nước. Vào tháng 5, một bộ trưởng ước tính nền kinh tế sẽ thiệt hại hơn 68 tỷ USD vào năm 2050. Chính phủ cho biết có tới 40% các tòa nhà và cơ sở hạ tầng ở các khu vực đất đóng băng vĩnh cửu đã bị hư hại.
Các tòa nhà và thiết bị cũ kỹ xây dựng từ thời Chiến tranh Lạnh khiến vấn đề càng thêm rắc rối. Trong bài phát biểu toàn quốc hồi tháng 6, Tổng thống Putin tuyên bố: "Chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng". Tháng trước, ông ra lệnh thành lập hệ thống giám sát tầng lớp đóng băng vĩnh cửu quốc gia để phân tích dữ liệu từ 140 trạm.
Thách thức kinh doanh
Một số doanh nghiệp lớn nhất thế giới của Nga đã tiến hành điều chỉnh để đối phó với băng tan.
Alrosa, một trong những nhà sản xuất kim cương lớn nhất nước, có 82% trữ lượng ở các khu vực đóng băng vĩnh cửu, theo Morgan Stanley. Công ty cho biết đã bổ sung các "cột đóng băng" vào mỏ. Những cây cột này kết nối với trạm làm lạnh trên mặt đất và bắn chất tải lạnh xuống sâu hàng chục mét dưới mặt đất để làm cứng đất.
Đối với doanh nghiệp dầu khí, băng tan không những cản trở hoạt động khai thác tài nguyên mà còn cả quá trình vận chuyển, Wall Street Journal cho biết.
Khoảng 90% sản lượng khí đốt của công ty năng lượng khổng lồ PAO Gazprom nằm ở các tỉnh bị bao phủ bởi lớp băng vĩnh cửu, theo Morgan Stanley.
Tại mỏ khí Bovanenkovskoye - cơ sở rộng lớn ở miền Bắc nước Nga mà Gazprom hy vọng sẽ tồn tại trong một thế kỷ nữa – công ty đã lắp đặt 1.000 thiết bị làm mát hơi-lỏng. Hệ thống ống ngầm này luân chuyển hợp chất làm lạnh và đảm bảo mặt đất luôn đóng băng.
Các nhà nghiên cứu tại Morgan Stanley cho biết tầng đất đóng băng vĩnh cửu tan chảy và các cơ sở hạ tầng liên quan có thể gây hại cho xếp hạng tín dụng của Nga. Ngành dầu khí đóng góp tới 20% GDP của Nga, các sản phẩm năng lượng và nhiên liệu là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước này.
"Tòa nhà rung chuyển"
Tác động của băng vĩnh cửu tan chảy đặc biệt rõ rệt ở Yakutia, khu vực đông bắc Nga với diện tích gấp 5 lần nước Pháp. Yakutsk, thủ phủ của Yakutia, là thành phố có người ở thường xuyên lạnh nhất trên thế giới, nhiệt độ xuống dưới -40 độ C trong ít nhất ba tháng mỗi năm.
Khai thác hàng hóa là một phần quan trọng trong nền kinh tế Yakutia. Đường ống Power of Siberia trị giá 55 tỷ USD, dự án chiến lược quan trọng cung cấp khí đốt tự nhiên của Nga cho Trung Quốc, phần lớn vận chuyển khí đốt được tìm thấy ở Yakutia.
Khi vết nứt đầu tiên xuất hiện trên trần căn hộ đã cũ của bà Larisa Tikhonova ở Yakutsk, bà không mấy bận tâm.
Không lâu sau, các vết nứt nhân lên, lan rộng thông qua các đường nứt mới hình thành trên căn bếp được xây từ những năm 1950. Sau đó, mùi hôi thối bốc lên từ nước đọng dưới tòa nhà 4 tầng này. Bà Tikhonova và hàng xóm gọi điện cho dịch vụ khẩn cấp và thậm chí còn khởi kiện chính quyền thành phố, nhưng không nhận được sự giúp đỡ nào. Bà đã chờ đợi suốt 11 năm.
Dân địa phương nói rằng họ đã quá quen với những tiếng rên rỉ hoặc những tiếng nổ bốp bất chợt khi các tòa nhà nghiêng ngả và tường nứt. Nhiều phần của các tòa nhà trong thành phố đã bị sập vào năm 2010, 2011, 2015 và năm ngoái.
Vào mùa hè năm 2020, một tòa nhà chung cư hai tầng ở phố Avtodorozhnaya được xác định là là không thể ở được sau khi một vết nứt rộng một mét xuất hiện trên mặt tiền trong khi cư dân vẫn ở bên trong.
Anh Eduard Kirillin là một trong những cư dân đó. Khi đang uống trà tại căn hộ của cha mẹ, anh nghe thấy tiếng nứt lớn. Lo sợ mái nhà sắp sụp đổ, anh Kirillin chạy ra ngoài đường cùng những người hàng xóm khác, rồi phát hiện thấy một bên của tòa nhà bị tách ra.
Anh Kirillin kể lại: "Tôi nhớ trước đó đã nhìn thấy đường ống nước bị rò rỉ bên dưới tòa nhà. Dưới đó luôn ẩm ướt. Và vào đêm trước khi vụ tai nạn xảy ra, dường như tòa nhà đang rung chuyển".