|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Những nguy cơ với kinh tế thế giới ba tháng cuối năm: Giá dầu lên 100 USD, Mỹ rơi vào khủng hoảng nợ, ...

17:56 | 04/10/2021
Chia sẻ
Nền kinh tế toàn cầu đang bước vào quý cuối cùng của năm 2021 với một loạt trở ngại đe dọa cản bước cuộc phục hồi kinh tế.
Giá dầu lên 100 USD/thùng và Mỹ rơi vào khủng hoảng tài chính: Loạt viễn cảnh tăm tối của kinh tế thế giới ba tháng cuối năm - Ảnh 1.

Các container chất đống tại cảng biển. (Ảnh: Bloomberg).

Chủng virus Delta tiếp tục làm khiến trường học và công sở phải đóng cửa. Các nhà lập pháp Mỹ cãi vã liên miên về trần nợ và kế hoạch chi tiêu. Trung Quốc hứng chịu khủng hoảng năng lượng và theo đuổi chiến dịch siết chặt quản lý doanh nghiệp. Thị trường nín thở quan sát tình hình bấp bênh của Evergrande.

Chi phí nhiên liệu và thực phẩm trên toàn thế giới đang tăng cao. Cộng với đó, sự tắc nghẽn của cảng biển và căng thẳng chuỗi cung ứng khiến áp lực giá cả càng trầm trọng. Tình trạng thiếu lao động tiếp tục đeo bám một số doanh nghiệp.

Tuy cuộc phục hồi kinh tế có vẻ chưa bị đứt gãy nhưng những mối nguy rình rập đang thổi bùng lên lo ngại về tăng trưởng chậm lại và lạm phát tăng tốc.

Ông Frederic Neumann, trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế châu Á tại HSBC đánh giá kinh tế toàn cầu sẽ không thể nhanh chóng hồi phục: "Sẽ phải mất đến vài năm để kinh tế phục hồi hoàn toàn, chứ không phải là vài quý". 

Các nhà kinh tế tại Barclays Bank cảnh báo về loạt rủi ro lớn có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế. Dưới đây là các rủi ro chính, theo tổng hợp của Bloomberg

Trung Quốc thiếu hụt năng lượng

Cú sốc năng lượng của Trung Quốc đã buộc các nhà sản xuất cắt giảm sản lượng và các nhà kinh tế hạ dự báo tăng trưởng của nền kinh tế thứ hai thế giới.

Bloomberg Economics dự kiến thiếu hụt năng lượng sẽ là đòn giáng nặng nề nhất lên tăng trưởng kể từ đại dịch. Các khu vực bị ảnh hưởng bởi hạn chế tiêu thụ điện đại diện cho 2/3 quy mô kinh tế Trung Quốc và bao gồm 5 tỉnh thành đứng đầu về GDP: Quảng Đông, Giang Tô, Sơn Đông, Chiết Giang và Hà Nam.

Giá dầu lên 100 USD/thùng và Mỹ rơi vào khủng hoảng tài chính: Loạt viễn cảnh tăm tối của kinh tế thế giới ba tháng cuối năm - Ảnh 2.

Cùng lúc đó, kinh tế Trung Quốc tiếp tục chịu ảnh hưởng từ khủng hoảng xoay quanh Evergrande và sự đi xuống của ngành bất động sản. Việc Chủ tịch Tập Cận Bình siết chặt kiểm soát khu vực kinh tế tư nhân càng khiến nhà đầu tư bất an.

Thực phẩm và năng lượng đắt đỏ 

Khủng hoảng năng lượng của Trung Quốc có nguy cơ khiến giá lương thực tăng vọt vì nhiều khả năng Trung Quốc sẽ gặp khó khăn trong mùa thu hoạch, từ ngô cho đến đậu nành và bông.

Trong năm qua, Bắc Kinh đã nhập khẩu lượng nông sản kỷ lục do tình trạng thiếu hụt trong nước, khiến giá cả và chi phí lương thực toàn cầu lên đến mức cao nhất trong gần nửa thế kỷ.

Chỉ số đo lường giá thực phẩm của Liên Hợp Quốc đã tăng 33% trong vòng 12 tháng qua. Cùng lúc đó, chỉ số giá khí tự nhiên, than và điện cũng đang lập kỷ lục.

Giá dầu vượt 80 USD/thùng lần đầu tiên sau 3 năm và khí đốt tự nhiên lên đến mức cao nhất trong 7 năm. Ông Patrick Pouyanne, CEO TotalEnergies cho biết khủng hoảng khí đốt của châu Âu có thể kéo dài đến hết mùa đông.

Tình hình vẫn còn có thể xấu hơn nữa. Các nhà phân tích của Bank of America đang cảnh báo khách hàng rằng có khả năng giá dầu lên 100 USD/thùng, gây ra một cuộc khủng hoảng kinh tế.

Giá dầu lên 100 USD/thùng và Mỹ rơi vào khủng hoảng tài chính: Loạt viễn cảnh tăm tối của kinh tế thế giới ba tháng cuối năm - Ảnh 3.

Nguồn cung bị thắt chặt

Biến chủng Delta của COVID-19 tiếp tục là mối lo lớn với thế giới. Điều này giải thích vì sao tình trạng tắc nghẽn đang xảy ra tại các cửa ngõ quan trọng của thương mại quốc tế, từ cảng biển ở Thượng Hải và Los Angeles cho đến các nhà kho ở Anh.

Các hãng bán lẻ tại Mỹ đang đặt hàng tất cả mọi thứ có thể để đảm bảo các kệ hàng được lấp đầy, đặc biệt là cho mùa mua sắm cuối năm. Trong khi đó, các nhà sản xuất đang gặp rắc rối trong việc thu mua những bộ phận quan trọng như chất bán dẫn, hóa chất và thủy tinh.

DP World, một trong những nhà vận hành cảng biển lớn nhất toàn cầu, dự đoán tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng sẽ kéo dài ít nhất hai năm nữa.

Rắc rối chính sách

Chính sách kinh tế của Mỹ từng được coi là đầu tàu của kinh tế thế giới nay lại có vẻ là một mối nguy khôn lường. Tuy Tổng thống Biden đã ngăn được nguy cơ chính phủ đóng cửa giữa đại dịch, các cuộc tranh cãi nảy lửa về gói chi tiêu 3.500 tỷ USD và trần nợ không có dấu hiệu sẽ hạ nhiệt.

Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cảnh báo nếu Quốc hội không đình chỉ hoặc nâng giới hạn nợ, chính phủ sẽ cạn tiền vào khoảng ngày 18/10 và Mỹ sẽ rơi vào cảnh suy thoái và khủng hoảng tài chính.

Giá dầu lên 100 USD/thùng và Mỹ rơi vào khủng hoảng tài chính: Loạt viễn cảnh tăm tối của kinh tế thế giới ba tháng cuối năm - Ảnh 4.

Chính sách tiền tệ

Ông Biden và bà Yellen cũng phải quyết định liệu có trao cho Chủ tịch Cục dự trữ liên bang (Fed) Jerome Powell nhiệm kỳ thứ hai hay không. Quyết định này rất có thể sẽ khiến thị trường chao đảo.

Đối với ông Powell và các quan chức ngân hàng trung ương ở những nước khác, sự kết hợp giữa tăng trưởng chậm lại và lạm phát dai dẳng là thách thức lớn.

Theo dữ liệu công bố tuần trước, lạm phát tại khu vực đồng euro đã leo lên mức cao nhất trong vòng 13 năm, lạm phát của Mỹ thì lên đến mức chưa từng thấy kể từ năm 1991.

Ông Powell và bà Christine Lagarde, Chủ tịch ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) vẫn duy trì nhận định rằng lạm phát sẽ dịu bớt. Nhưng các nhà kinh tế đang ngờ rằng suy nghĩ này là quá tích cực.

Lạm phát khiến các kế hoạch cắt giảm mua trái phiếu hay tăng lãi suất trở thành đề xuất rủi ro. Na Uy vừa trở thành quốc gia phát triển đầu tiên tăng chi phí đi vay và Fed đang báo hiệu sẽ giảm tốc chương trình mua trái phiếu sớm nhất vào tháng 11.

Bà licia Garcia Herrero, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á Thái Bình Dương tại Natixis cảnh báo: "Các ngân hàng trung ương đang chơi với lửa khi muốn cắt bớt hỗ trợ tiền tệ nhằm giảm áp lực lạm phát mà không chắc rằng thế giới đang ở trong giai đoạn nào của chu kỳ kinh tế".

Giang