Nỗi lo Mỹ vỡ nợ bắt đầu dâng lên trong Phố Wall
Cảnh báo về khả năng Mỹ vỡ nợ đã được gióng lên khi những ông trùm Phố Wall và các nhà hoạch định chính sách lo ngại tranh cãi trong Quốc hội sẽ kéo dài đến tận phút chót.
CEO Jamie Dimon cho biết ngân hàng lớn nhất nước Mỹ JPMorgan đã bắt đầu lên kịch bản cho sự kiện "có thể sẽ rất thảm khốc". Ông John Williams, Chủ tịch Fed chi nhánh New York cảnh báo phản ứng tiêu cực của thị trường nếu các nhà lập pháp không tìm được giải pháp cho vấn đề trần nợ.
Ông Jon Adam, chuyên gia đầu tư cấp cao của BMO Global Asset Management cho biết: "Các nhà lập pháp có lịch trình rất bận rộn trong vài tuần tới và rủi ro đuôi trong ngắn hạn là rất lớn. Quan điểm của chúng tôi là cuối cùng thị trường sẽ bình tĩnh lại".
Thị trường chứng khoán Mỹ đang lộ ra một số dấu hiệu lo lắng trong bối cảnh Quốc hội đối mặt với hạn chót để tài trợ cho chính phủ và nâng hoặc đình chỉ giới hạn vay nợ 28.400 tỷ USD của đất nước. Hạn chót để ngăn chính phủ đóng cửa là 30/9. Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen đã thúc giục Quốc hội nâng trần nợ trước 18/10 để găn chặn "tổn hại nghiêm trọng" đối với nền kinh tế.
Ông Randy Frederick, Giám đốc mảng chứng khoán phái sinh tại Trung tâm Nghiên cứu Tài chính Schwab nhận định: "Chính phủ đóng cửa không phải vấn đề lớn, nhưng nếu các chính trị gia tiếp tục chơi đùa với trần nợ thì có thể gây ra rắc rối nghiêm trọng" và dẫn tới cuộc bán tháo lớn trên thị trường tài chính.
Một số chuyên gia cho rằng khả năng ngày càng cao rằng Quốc hội có thể không kịp hành động để ngăn chặn chính phủ đóng cửa hay vỡ nợ là yếu tố góp phần khiến chứng khoán Mỹ suy yếu trong những ngày gần đây. Trên thị trường ngoại tệ, một số chuyên gia tin rằng lo ngại về trần nợ có thể đã giúp đồng USD tăng giá.
Washington vẫn đang ở trong bế tắc. Hôm 29/9, Hạ viện đã thông qua dự luật để đình chỉ trần nợ nhưng các nghị sĩ Đảng Cộng hòa tại Thượng viện chắc chắn sẽ bác bỏ nó.
Tuy nhiên vì Mỹ đã từng tiến sát nút đến khả năng vỡ nợ trong quá khứ, vẫn có những nhà đầu tư thờ ơ về vấn đề này.
Bà Kathy Jones, Giám đốc đầu tư chứng khoán có thu nhập cố định tại Trung tâm Nghiên cứu Tài chính Schwab nói: "Khó mà biết được liệu thị trường có thực sự quan tâm tới trần nợ không. Nếu bạn là người lý trí thì có lẽ là không, vì bằng cách nào đó thì vấn đề sẽ được giải quyết. Mặt khác, đây cũng lại là rủi ro mà bạn không thể ngó lơ".
Một trong những dấu hiệu cho thấy Phố Wall chưa hoảng loạn là chỉ số S&P 500 nhích 0,16% phiên 29/9.
Tuy nhiên, những lo ngại liên quan tới trần nợ đã hiện ra trên thị trường trái phiếu Kho bạc. Ông Micahel Purves, CEO tại Tallbacken Capital Advisors viết lưu ý hồi đầu tuần rằng sự căng thẳng đang thể hiện trong giá của trái phiếu Kho bạc kỳ hạn ba tháng mà "đáng lẽ sẽ không bị ảnh hưởng bởi rủi ro vỡ nợ" nếu so với kỳ hạn một tháng. Tuy nhiên, lợi suất vẫn chưa biến động rõ rệt như năm 2011, 2013 và 2015.
Hiện tại, lợi suất trái phiếu Kho bạc kỳ hạn một tháng và ba tháng lần lượt là 0,07% và 0,04%. Hồi đầu năm, lợi suất của cả hai loại trái phiếu vào khoảng 0,08%.
Theo Reuters, các nhà quản lý danh mục thường tránh những trái phiếu có rủi ro vỡ nợ dù xác suất trễ hạn thanh toán một lần rất thấp. Điều này có thể dẫn tới lợi suất của một số trái phiếu kỳ hạn ngắn cao hơn kỳ hạn dài, hiện tượng bất thường vì đường cong lãi suất thường có xu hướng đi lên.
Các nhà phân tích tại BMO nói rằng "do sự chú ý của nhà đầu tư vẫn gắn vào Washington", sự biến dạng ở phần đầu đường cong lãi suất "nhiều khả năng sẽ không biến mất cho đến khi Quốc hội đạt được thỏa thuận".
Các nhà phân tích của TD Ameritrade chỉ ra dấu hiệu lo ngại khác là sự gia tăng đột biến của các hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng Mỹ.
Các cuộc khủng hoảng trong quá khứ từng làm rung chuyển thị trường - nhưng chỉ là tạm thời. Vụ vỡ nợ kỹ thuật và kế đến là hạ xếp hạng tín dụng của nước Mỹ vào năm 2011 đã đẩy chỉ số S&P xuống dưới gần 20% từ đỉnh cao nhất.
Ông Sam Stovall, Giám đốc đầu tư tại CFRA Research cho biết cuộc đàm phán dai dẳng về trần nợ năm 2013 cũng khiến S&P 500 giảm 5,8%. Nhưng các hạn chót tương tự vào năm 2016 hay 2018 không tạo ra nhiều tác động đến thị trường khi Phố Wall bắt đầu nhìn nhận nguy cơ về khủng hoảng là không có cơ sở.
Ông Peter Crane, Chủ tịch Crane Data thì nói rằng các thị trường nhạy cảm như thị trường tiền tệ không cho thấy mức độ hoảng loạn gia tăng: "Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa có thể đôi co đến tận phút cuối nhưng tất cả mọi người đều biết cả hai bên đều không dám để Mỹ vỡ nợ thật".