Dow Jones hồi phục sau phiên giảm sâu, nhóm công nghệ vẫn chật vật với lợi suất cao
Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng gần 91 điểm, tức 0,26%, kết phiên ở 34.391 điểm. S&P 500 thêm 0,16% và đóng cửa ở 4.359 điểm. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite giảm 0,24% còn 14.512 điểm. Trước đó trong phiên 28/9, Nasdaq sụt tới 2,8%, ghi nhận ngày tồi tệ nhất kể từ tháng 3 năm nay.
Theo CNBC, lợi suất trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 10 năm có lúc giảm nhẹ xuống dưới ngưỡng 1,5% vào buổi sáng 29/9 nhưng đến buổi chiều đã bật lên 1,513%.
Cổ phiếu công nghệ - từng bị bán tháo mạnh nhất trong phiên trước đó (28/9) – đã nỗ lực hồi phục trong phiên 29/9 nhưng bất thành. Apple và Netflix tăng lần lượt 0,6% và 2,6% nhưng Amazon và Alphabet mất tương ứng 0,5% và 1,1%.
Nasdaq dẫn dắt thị trường khi mới mở cửa nhưng rồi tụt lại phía sau khi lợi suất trái phiếu đảo chiều đi lên. Các tập đoàn công nghệ là nhóm vay nợ nhiều để tài trợ tăng trưởng nên khi mặt bằng lãi suất tăng lên, cổ phiếu công nghệ sẽ chịu thiệt hại nặng nề nhất.
Trong khi đó, các cổ phiếu phòng thủ diễn biến tốt, nhóm tiện ích vượt trội so với thị trường chung. Cổ phiếu hãng chế tạo tàu bay Boeing tăng 3,1%, mạnh nhất trong Dow Jones. Nhóm năng lượng tiếp đà đi lên mặc dù giá khí tự nhiên điều chỉnh sâu.
Nhóm bán dẫn suy giảm sau khi nhà sản xuất chip Micron công bố mục tiêu doanh thu và lợi nhuận quý I/2022 thấp hơn kỳ vọng của giới phân tích, cổ phiếu giảm 2%. Các đại gia chip khác như Nvidia và AMD cũng đóng cửa trong sắc đỏ.
Hãng bán lẻ Dollar Tree vọt lên 16,4%, mạnh nhất S&P 500 sau khi công ty này thông báo tăng mua cổ phiếu quỹ và thử nghiệm nâng giá tại một số điểm bán.
Vấn đề với các nhà sản xuất chip và việc các chuỗi bán lẻ nâng giá diễn ra giữa nhiều lo ngại về chuỗi cung ứng, vốn đã bị gián đoạn nghiêm trọng vì COVID-19.
Phát biểu tại một sự kiện của Ngân hàng Trung ương Châu Âu ngày 29/9, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho biết "Những nút thắt và vấn đề chuỗi cung ứng vẫn chưa được cải thiện, làm tôi thấy rất bực bội. Tôi thấy mọi chuyện còn có vẻ xấu đi. Chúng tôi cho rằng tình hình có lẽ sẽ còn tiếp diễn trong năm sau và khiến cho lạm phát cao kéo dài hơn dự tính".
Nhà đầu tư cũng đang quan sát các cuộc thảo luận xoay quanh trần nợ công và chi tiêu chính phủ ở Washington. Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen đã cảnh báo Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi rằng Quốc hội Mỹ cần nâng trần nợ trước ngày 18/10, nếu không nền kinh tế sẽ phải gánh chịu những hậu quả thảm khốc.
Tỷ phú Jamie Dimon, Chủ tịch kiêm CEO ngân hàng lớn nhất nước Mỹ JPMorgan Chase, cũng cho biết nhà băng của ông đang chuẩn bị cho kịch bản nước Mỹ chạm trần nợ.
Lãnh đạo phe Đa số tại Thượng viện Chuck Schumer đang thúc đẩy bỏ phiếu một dự luật cấp ngân sách cho chính phủ hoạt động đến đầu tháng 12. Hạ viện thì đang chuẩn bị bỏ phiếu để nâng trần nợ liên bang.
Theo quy định hiện nay, dư nợ của chính quyền liên bang Mỹ không được phép vượt quá 28.400 tỷ USD. Tính đến cuối năm 2020, số nợ đã lên tới 26.900 tỷ USD và đến giữa năm nay đã tiến rất sát mốc 28.400 tỷ. Nếu trần nợ không được nâng lên, chính phủ Mỹ có nguy cơ vỡ nợ lần đầu tiên trong lịch sử.
CNBC dẫn lời ông Shawn Snyder, Giám đốc chiến lược đầu tư tại Citi U.S. Wealth Management nhận định: "Ngày hôm nay thị trường có vẻ ít biến động, với tôi điều đó không có nghĩa là tất cả đều bình ổn mà là mọi người đều đang lo lắng chờ đợi xem chuyện gì sẽ diễn ra ở Washington".
Từ đầu tháng 9 đến nay, Dow Jones và S&P 500 đã sụt lần lượt 2,7% và 3,6%. Nasdaq Composite mất 4,9%.