Chứng khoán Mỹ cắm đầu giảm khi lợi suất lên cao, chính phủ sắp cạn tiền
Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite mất 2,83% và đóng cửa ở 14.547 điểm, ghi nhận phiên giảm sâu nhất kể từ tháng 3 trở lại đây.
S&P 500 giảm hơn 2% còn 4.353 điểm. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones sụt 569 điểm, tương đương 1,63%, đóng cửa ở 34.300 điểm.
Theo CNBC, lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tiếp tục tăng nhanh trong phiên 28/9, có lúc chạm 1,567%, khi nhà đầu tư lo ngại Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sắp giảm chương trình bơm tiền để hạn chế lạm phát.
Trong cuộc họp chính sách ngày 21-22/9, Fed đã thông báo sẽ "sớm" giảm hoạt động mua trái phiếu 120 tỷ USD trái phiếu hiện nay. Hồi tháng 8, lợi suất 10 năm có lúc chỉ thấp 1,13% nhưng rồi đã đi lên mạnh mẽ sau tín hiệu từ Fed tuần trước.
Bà Kathy Jones, Giám đốc chiến lược trái phiếu tại Schwab Center for Financial Research nhận xét: "Thị trường đang nhận ra thực tế là lợi suất đang quá thấp so với các yếu tố cơ bản. Giờ đây Fed đang thay đổi và thế là tất cả mọi người đều chuyển dịch vị thế cùng lúc, giống như mọi người vẫn thường làm".
Các tập đoàn công nghệ là nhóm vay nợ nhiều để tài trợ tăng trưởng nên khi mặt bằng lãi suất tăng lên, cổ phiếu công nghệ sẽ chịu thiệt hại đầu tiên và nặng nề nhất.
Facebook, Microsoft và Alphabet cùng giảm hơn 3%, Amazon mất hơn 2%. Cổ phiếu hãng sản xuất chip Nvidia tụt 4,5%.
Thế bế tắc về vấn đề ngân sách tại quốc hội cũng tác động tiêu cực tới tâm lý thị trường. Hôm 27/9, phe Cộng hòa ở Thượng viện đã phản đối một dự luật mà Hạ viện đã thông qua với nội dung cấp ngân sách cho chính phủ hoạt động đến tháng 12/2021 và tạm dừng áp dụng trần nợ công cho đến tháng 12/2022.
Quốc hội phải thông qua một dự luật chi tiêu trước ngày thứ Sáu tuần này (1/10) để chính phủ Mỹ hoạt động liên tục, nếu không, nhiều cơ quan liên bang sẽ phải tạm đóng cửa cho đến khi được cấp ngân sách mới.
Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen đã gửi thư tới quốc hội vào ngày 28/9, cảnh báo rằng các nghị sĩ cần đồng ý nâng trần nợ công trước ngày 18/10 để chính phủ không vỡ nợ. Kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng của Tổng thống Joe Biden cũng đang đối mặt với tương lai bất định.
"Những gì đang diễn ra ở Washington chắc chắn không giúp ích cho thị trường. Chúng ta có quá nhiều điều không chắc chắn liên quan tới chính sách thuế cũng như trần nợ công", CNBC dẫn lời ông Jeff Buchbinder, chuyên gia cổ phiếu tại LPL Financial, nhận xét.
Trong khi cổ phiếu công nghệ kéo tụt thị trường chung thì những nhóm ngành phụ thuộc vào quá trình tái mở cửa nền kinh tế lại tỏ ra vượt trội, cổ phiếu các đại gia dầu khí Chevron và Exxon Mobil tăng nhẹ.
Lo ngại về đứt gãy chuỗi cung ứng và lạm phát tăng cao cũng có thể là nhân tố làm thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm.
Phát biểu trước Ủy ban Ngân hàng của Thượng viện, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho rằng tình trạng lạm phát cao có thể kéo dài hơn dự tính ban đầu do những vấn đề về chuỗi cung ứng và áp lực tái mở cửa.
Tính từ đầu tháng 9 đến nay, Nasdaq đã sụt 4,7%, S&P 500 và Dow Jones giảm lần lượt 3,8% và 3%.