Chứng khoán Mỹ bước vào tuần mới đầy hỗn loạn
Chứng khoán Mỹ có những biến động lớn trong tuần vừa qua. Đầu tiên, lo ngại về rủi ro lây nhiễm từ Evergrande khiến thị trường lao dốc trong phiên đầu tuần.
Chứng khoán Mỹ lấy lại mất mát trong ngày 23/9, với chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones bật tăng hơn 500 điểm. Tính chung cả tuần qua, cả ba chỉ số chính Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq đều đi lên.
Ông Sam Stovall, Giám đốc đầu tư của CFRA nhận định: "Tôi nghĩ rằng tình trạng hỗn loạn của thị trường vẫn chưa đến hồi kết. Giống như mọi năm, tháng 9 đang khiến nhà đầu tư điên đầu".
Cả ba chỉ số chính cũng đều đang cao hơn mức đầu quý III, CNBC cho biết.
Các chuyên gia cho rằng diễn biến của thị trường trong tuần tới có thể là tiến triển quan trọng nhất, sau sự biến động dữ dội của cổ phiếu và sự gia tăng nhanh chóng của lợi suất trái phiếu Kho bạc vào cuối tuần. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm đã tăng vọt lên 1,46% vào ngày 24/9 sau khi dao động quanh mức 1,31% hai hôm trước.
Ông Stovall nói: "Các chỉ báo kỹ thuật đang chỉ ra sự phân phối. Chúng ta đang chứng kiến sự luân chuyển của giá, độ rộng thị trường và tâm lý". Ông chỉ ra rằng độ rộng thị trường cần được cải thiện, và nhiều cổ phiếu đang được giao dịch với mức giá dưới đường trung bình động 200 ngày (MA200).
Tháng 10 "địa chấn"
Ông Stovall nói thêm: "Tôi nghĩ tháng 10 sẽ diễn ra đúng như bản chất của nó, tức là rất nhiều biến động. Mức độ biến động của tháng 10 cao hơn 36% mức trung bình của 11 tháng còn lại. Biến động cao hơn và chứng khoán có nhiều đợt thoái lui, điều chỉnh hoặc thị trường gấu hơn, chúng có thể xảy ra vào đầu hoặc cuối tháng. Tháng 10 là một tháng địa chấn".
Công ty quản lý tài sản Wellington Shields cảnh báo rằng việc giá của rất nhiều cổ phiếu rơi xuống dưới đường MA200 là điều tiêu cực với thị trường chứng khoán Mỹ. Chỉ 59% cổ phiếu trên Sàn giao dịch chứng khoán New York vẫn ở trên đường MA200 hoặc trong xu hướng tăng.
Lưu ý của Wellington viết: "Điều này cho thấy tuy hầu hết cổ phiếu có thể đang tăng giá, chỉ hơn một nửa là đang tiến lên đủ để nằm trong xu hướng tăng. Với thị trường chỉ còn cách vài % là lên đỉnh lịch sử mới, tín hiệu này thực sự đáng ngại".
Sự kiện cần theo dõi
Tuần này có một số báo cáo kinh tế quan trọng gồm hàng tiêu dùng lâu bền vào ngày 27/9 và chỉ số sản xuất ISM vào ngày 1/10. Cũng trong ngày đầu tháng 10, thị trường sẽ đón nhận dữ liệu chi tiêu tiêu dùng cá nhân – được Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) dùng để theo dõi chỉ số lạm phát.
Fed tiếp tục là tâm điểm lớn trong những ngày tới. Một loạt quan chức Fed bao gồm Chủ tịch Jerome Powell sẽ điều trần trước Quốc hội về đại dịch và phản ứng chính sách. Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen sẽ điều trần cùng ông Powell trong hai ngày 28 và 30/9.
Chủ tịch Powell cũng sẽ tham dự hội thảo của Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) với các nhà lãnh đạo ngân hàng trung ương khác vào ngày 29/9.
Nhà đầu tư cũng cần theo dõi chặt chẽ thông tin từ Quốc hội. Các nhà lập pháp sẽ cố gắng thông qua kế hoạch ngân sách kịp thời để ngăn chặn chính phủ Mỹ đóng cửa vào ngày 1/10. Dự kiến cuộc tranh luận sẽ bao gồm cả trần nợ công, nhưng giới chuyên gia không cho rằng vấn đề này sẽ được giải quyết nhanh chóng. Họ cho rằng vấn đề trần nợ công có thể đeo bám thị trường suốt vài tuần.
Quan chức Fed nhiều khả năng sẽ không cung cấp thông tin mới nhưng có thể tinh chỉnh thông điệp của mình sau khi Fed báo hiệu sẽ sớm cắt giảm chương trình mua 120 tỷ USD trái phiếu mỗi tháng vào tuần trước. Fed cũng đã tiết lộ dự báo lãi suất mới, trong đó một nửa quan chức của ngân hàng trung ương dự kiến sẽ tăng lãi suất vào năm sau.
Ông Marc Chandler, Giám đốc đầu tư của Bannockburn Global Forex nhận xét: "Tôi cho rằng những gì Fed đã đạt được cho đến nay là giảm bớt biện pháp hỗ trợ mà không khiến thị trường nổi giận".
"Tôi nghĩ rất nhiều nhà đầu tư có cảm giác rằng họ đang ở trong tình thế nguy hiểm như trượt tuyết trên lớp băng mỏng, bất kỳ vết nứt nào cũng có thể lan rộng ra. Nhà đầu tư cực kỳ nhạy cảm và lo lắng vì biết rằng định giá đang quá cao. Điều này có nghĩa chúng ta nên chuẩn bị cho những đợt biến động tăng vọt".
Ông Chandler nói rằng thị trường sẽ cần hấp thụ những động thái gần đây, đặc biệt là sự gia tăng của lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ.
"Chúng ta cần chờ đợi thị trường tìm ra điểm cân bằng mới. Chúng ta nên mong đợi loại thị trường nào? Xu hướng? Hay nên cố gắng tìm một phạm vi? Tôi cho rằng chúng ta cần tìm kiếm phạm vi dao động của thị trường. Chúng ta cần vượt qua một số rào cản". Ông Chandler nói thêm rằng một trong những rào cản là báo cáo việc làm tháng 9 công bố vào ngày 8/10.
Dự kiến Fed sẽ cắt giảm chương trình mua trái phiếu hàng tháng trừ khi dữ liệu việc làm yếu một cách đáng kinh ngạc. "Đó là khả năng duy nhất ngáng đường Fed giảm mua trái phiếu", ông Chandler nhận xét.
Nhà đầu tư cũng đang theo dõi sát sao đường MA50 của chỉ số S&P 500. Tuần vừa qua đánh dấu lần đầu tiên trong năm 2021 mà S&P 500 rơi xuống dưới đường MA50.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/