Chứng khoán Mỹ hồi phục khi Fed thông báo không nâng lãi suất, sắp giảm bơm tiền
Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 338,5 điểm, tương đương 1%, và đóng cửa ở 34.258 điểm, chấm dứt chuỗi đỏ lửa 4 phiên liên tiếp. Mặc dù vậy, chỉ số bluechip này không kết phiên ở mức đỉnh của ngày dù đã có lúc tăng tới 520 điểm.
S&P 500 cũng thêm gần 1%, đóng cửa ở 4.395,6 điểm. Riêng chỉ số phụ ngành năng lượng tăng 3,2%. Đây cũng phiên phiên tăng đầu tiên của S&P 500 sau 4 phiên đi xuống liên tục. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite tăng 1% lên 14.897 điểm.
Chiều 22/9, Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) của Fed kết thúc phiên họp thường kỳ kéo dài hai ngày và thông báo giữ nguyên mục tiêu lãi suất trong khoảng 0-0,25%.
Khi đại dịch COVID-19 lần đầu ập đến nước Mỹ vào tháng 3/2020, Fed đã mạnh tay hạ lãi suất từ 1,75% còn 1,25% rồi xuống tiếp 0,25% chỉ trong vòng hai tuần. Khoảng lãi suất gần 0 được Fed duy trì liên tục trong 18 tháng qua.
Một nửa số thành viên của FOMC (9/18 người) ủng hộ nâng lãi suất vào năm 2022, tăng so với 7 người ủng hộ hồi tháng 6 vừa qua.
Ngoài lãi suất thấp, Fed còn kích thích nền kinh tế trong đại dịch bằng chương trình mua trái phiếu, bơm ra thị trường khoảng 120 tỷ USD mỗi tháng. Hồi tháng 8 năm nay, Chủ tịch Jerome Powell cho rằng Fed có thể sớm cắt giảm chương trình bơm tiền này.
Theo kết quả cuộc họp được công bố chiều 22/9, các thành viên của ủy ban FOMC dự định sẽ sớm giảm bớt quy mô bơm tiền hàng tháng (tapering), tuy nhiên thời gian biểu cụ thể không được đưa ra.
"Nếu tình hình tiếp tục cải thiện như kỳ vọng, chúng tôi cho rằng sẽ sớm đến lúc phải điều chỉnh quy mô mua tài sản", thông cáo của FOMC sau cuộc họp cho biết. Những người tham gia khảo sát của CNBC cho rằng Fed sẽ thông báo tapering vào tháng 11 và bắt đầu thực hiện từ tháng 12 năm nay.
CNBC dẫn lời ông Peter Boockvar, Giám đốc đầu tư tại Bleakley Advisory Group nhận xét: "Thông báo về tapering có thể sẽ được đưa ra vào tháng 11, nhưng việc FOMC không thông báo luôn trong ngày hôm nay cho thấy đây là một ủy ban rất 'bồ câu' (ủng hộ chính sách tiền tệ nới lỏng - PV)".
Các chỉ số chứng khoán Mỹ tụt khỏi đỉnh của ngày sau khi Chủ tịch Jerome Powell cho biết các tiêu chí về việc làm và lạm phát của Fed đã hầu như đạt được hết. Thông tin này cho thấy Fed đã sẵn sàng để rút bớt các chính sách nới lỏng.
"Quan điểm của cá nhân tôi là yêu cầu về tiến triển đáng kể trên thị trường lao động đã trở thành hiện thực gần như hoàn toàn", ông Powell nói trong cuộc họp báo.
Các quan chức Fed cũng điều chỉnh dự báo kinh tế vĩ mô của Mỹ. Tăng trưởng GDP năm nay được kỳ vọng đạt 5,9%, giảm đáng kể so với con số 7% đưa ra hồi tháng 6. Tuy vậy, tăng trưởng năm 2022 được dự báo tăng từ 3,3% lên 3,8%, năm 2023 tăng từ 2,4% lên 2,5%.
Lạm phát lõi (core inflation) năm nay được dự báo là 3,7%, cao hơn mức 3% dự báo hồi tháng 6.
Ngoài những quan ngại về lãi suất và kinh tế Mỹ, nhà đầu tư còn lo lắng về cuộc khủng hoảng Evergrande đang diễn ra ở Trung Quốc. Tập đoàn bất động sản khổng lồ này đang gặp khó khăn về thanh khoản và đứng trước nguy cơ vỡ nợ.
Tổng nợ phải trả của Evergrande tính đến tháng 6 năm nay lên tới hơn 300 tỷ USD, lớn nhất trong ngành bất động sản thế giới. Giá cổ phiếu Evergrande giao dịch tại Hong Kong hiện đã giảm 90% so với tháng 7/2020 khi Trung Quốc siết chặt quản lý hoạt động đầu cơ nhà đất. Nhà đầu tư cho rằng tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ giảm tốc đáng kể nếu Trung Quốc để cho Evergrande phá sản hoặc để thị trường địa ốc hạ nhiệt quá nhanh.
Ngày 22/9, Evergrande xoa dịu nhà đầu tư bằng tuyên bố sẽ trả nợ đúng hạn khoản lãi trái phiếu bằng đồng nhân dân tệ vào ngày 23/9.
Các cổ phiếu liên quan tới hàng hóa trên thị trường chứng khoán Mỹ đồng loạt hồi phục trong phiên 22/9. Devon Energy bật tăng 6,8%, APA vọt lên 7,2%, Diamondback Energy, Hess và Marathon Oil cùng tăng trên 5%.
Từ đầu tháng 9 đến nay, S&P 500 đã giảm 2,8%, Dow Jones mất 3,1%. Hôm 21/9, các chỉ số nỗ lực hồi phục nhưng bất thành, đóng cửa trong sắc đỏ phiên thứ 4 liên tiếp.