|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Giới trẻ Mỹ mua bán cổ phiếu theo chân các nghị sĩ, gọi Chủ tịch Hạ viện là 'nữ hoàng đầu tư'

17:05 | 22/09/2021
Chia sẻ
Nhiều nhà đầu tư Mỹ tin rằng các nhà lập pháp có thông tin mật nên sẽ đưa ra quyết định đầu tư khôn ngoan hơn người thường. Gần đây, quan chức Fed cũng bị nghi ngờ lợi dụng chức vụ để làm giàu cho cá nhân thông qua mua bán chứng khoán.
Chiến lược đầu tư mới của giới trẻ Mỹ: Bắt chước các thành viên Quốc hội - Ảnh 1.

Một cộng đồng các nhà đầu tư trẻ tuổi trên TikTok đang sử dụng những thông tin giao dịch công khai của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi làm nguồn cảm hứng để đầu tư cổ phiếu. (Ảnh: TikToK).

Các nhà đầu tư trẻ tuổi ở nước Mỹ đang chia sẻ chiến lược mới: Theo dõi hồ sơ tài chính được công bố bởi các thành viên đương nhiệm trong Quốc hội để chọn cổ phiếu.

Trong một cộng đồng của nhà đầu tư nhỏ lẻ trên Tik Tok, thông tin giao dịch chứng khoán liên quan tới Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi được xem như kho báu.

"Cảm ơn Nancy Pelosi, cá voi lớn nhất trên thị trường chứng khoán", người dùng với cái tên ceowatchlist viết. Người khác thì nói: "Tôi đã đi đến kết luận rằng Nancy Pelosi là một nữ thầy bói", ca ngợi bà là "nữ hoàng đầu tư".

Ông Chris Josephs, đồng sáng lập Iris - công ty chuyên đăng tải thông tin giao dịch của các cá nhân tuyên bố: "Nancy Pelosi biết mã nào sẽ tăng. Và bạn cũng sẽ biết nếu theo dõi danh mục của bà ấy".

Năm ngoái, ông Josephs để ý rằng các cổ phiếu do chồng bà Pelosi mua bán tăng giá tốt và bắt đầu theo dõi các giao dịch mà bà Pelosi công bố. Theo Đạo luật Chứng khoán Mỹ, các nhà lập pháp phải tiết lộ thông tin giao dịch của bản thân và vợ chồng trong vòng 45 ngày.

Ông Josephs nói với NPR: "Nếu bạn không thể đánh bại họ thì hãy làm giống họ. Tôi thường mua các cổ phiếu mà Pelosi chọn".

Người phát ngôn của bà Pelosi nói rằng bà không sở hữu bất kỳ cổ phiếu nào và mọi giao dịch là do chồng thực hiện. Tuy nhiên, ông Josephs vẫn coi giao dịch của các nhà lập pháp là "dòng tiền thông minh" đáng để làm theo và có kế hoạch theo dõi thật nhiều chính trị gia thuộc các đảng phái khác nhau.

Từ đầu năm đến nay, các thành viên Thượng viện và Hạ viện đã đăng tải hơn 4.000 bản tiết lộ giao dịch tài chính – với ít nhất 315 triệu cổ phiếu hoặc trái phiếu được mua bán. Số liệu này được thống kê bởi ông Tim Carambat.

Năm 2020, ông Carambat tạo ra và duy trì hai cơ sở dữ liệu về giao dịch tài chính của các nhà lập pháp là House Stock Watcher và Senate Stock Watcher. Ông cho biết hai cơ sở dữ liệu này được rất nhiều người theo dõi.

Ông Dinesh Hasija, Giáo sư trợ lý tại Đại học Augusta đang nghiên cứu liệu thị trường có biến động theo thông tin giao dịch của các thành viên quốc hội hay không. Cho đến nay, phân tích của ông chỉ ra câu trả lời là có.

Giáo sư Hasija giải thích: "Nhà đầu tư cho rằng các thượng nghị sĩ có thể có thông tin nội bộ".

Nghiên cứu của ông Hasija cho thấy sau khi thông tin được công khai, giá chứng khoán mà các nhà lập pháp mua thường bật tăng.

Mối quan tâm về giao dịch tài chính của các thành viên Quốc hội tăng mạnh khi đại dịch COVID-19 bắt đầu. Khi đó, nhiều bài báo đưa tin rằng các nhà lập pháp đã thoát hàng ngay trước khi thị trường chứng khoán Mỹ sụp đổ vào tháng 3/2020.

NPR viết rằng hồi tháng 2/2020, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện Richard Burr đã cảnh báo riêng cho một nhóm nhỏ về tác động khủng khiếp của đại dịch. Cũng trong tháng đó, ông bán 1,7 triệu cổ phiếu thuộc sở hữu cá nhân trong một ngày. Một nhóm thượng nghị sĩ thuộc cả Đảng Dân chủ lẫn Đảng Cộng hòa cũng bị nghi ngờ và bị điều tra.

Chiến lược giao dịch bắt chước các lựa chọn cổ phiếu của các nhà lập pháp và vợ chồng họ được xây dựng dựa trên mối nghi ngờ sâu sắc: Giới chính trị gia là thối nát và chắc hẳn họ tham gia vào giao dịch nội gián. Do đó, nếu thông tin được công khai thì nhà đầu tư cũng nên mua những mã mà chính trị gia mua.

Bỏ qua ngờ vực về chính trị gia một bên, những nghiên cứu gần đây cho thấy các nhà lập pháp không giỏi trong việc chọn cổ phiếu. Giáo sư Hasija cho biết: "Những nghiên cứu này phát hiện rằng trên thực tế, cổ phiếu mà các thượng nghị sĩ chọn thường tụt hậu so với thị trường chung".

Chủ tịch Fed trong vòng nghi vấn

Phân tích chuyên sâu của CNBC về các bản công bố thông tin tài chính của quan chức Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) phát hiện rằng có ba người nắm giữ các tài sản cùng loại mà Fed đã mua trong chiến dịch bơm tiền.

Chủ tịch Jerome Powell sở hữu trái phiếu đô thị. Ông Eric Rosengren, Chủ tịch Fed chi nhánh Boston đầu tư vào quỹ tín thác đầu tư bất động sản. Ông Rob Kaplan, Chủ tịch Fed chi nhánh Dallas nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp.

Các khoản đầu tư này dường như không vi phạm quy tắc của Fed, nhưng chúng làm dấy lên câu hỏi liên quan tới các chính sách về xung đột lợi ích của Fed và sự giám sát đối với quan chức ngân hàng trung ương.

Chủ tịch Powell đã đã phải ra lệnh xem xét lại các quy tắc đạo đức sau khi vấp phải làn sóng phản đối quan chức Fed sở hữu từng chứng khoán riêng lẻ.

Giang