Ông Trump quay trở lại chưa chắc là điềm lành cho thị trường, vì sao?
Chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm ngoái đã kích hoạt đà tăng nóng trên mọi ngóc ngách của thị trường tài chính. Chứng khoán Mỹ thăng hoa, giá USD tăng vọt và bitcoin phi mã.
Tuy nhiên, sau hai tháng, chỉ số S&P 500 đã trả lại phần lớn mức tăng đạt được ngay sau cuộc bầu cử, trong khi đồng USD và bitcon tạm thời duy trì được các cột mốc cũ.
Thử thách thực sự đối với các tài sản rủi ro sẽ đến vào lúc ông Trump nhậm chức. Thuế quan là rủi ro lớn nhất. Nhiều chuyên gia lo ngại các đề xuất của ông Trump có thể dẫn đến những cuộc chiến thương mại kéo dài và khó lường hơn cả trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông.
Bên cạnh đó, Phố Wall cũng sợ rằng kế hoạch trục xuất lao động nhập cư có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế Mỹ.
Ông Andrew Hollenhorst, nhà kinh tế cấp cao của Citigroup, bình luận: “Dự báo thực chất chỉ là cách nói hoa mỹ của phỏng đoán, nhưng chúng ta vẫn phải đưa ra giả định về những chính sách của chính quyền ông Trump vì chúng sẽ ảnh hưởng đến triển vọng kinh tế”.
Dưới đây là những lĩnh vực và loại tài sản mà giới đầu tư đang theo dõi sát sao:
Chứng khoán
Ban đầu, chiến thắng của ông Trump đã thổi luồng sinh khí mới vào những cổ phiếu đang thua kém thị trường chung, ví dụ như các công ty vốn hóa nhỏ.
Lý luận của các nhà đầu tư là chính sách thương mại mang tính bảo hộ của ông Trump sẽ có lợi nhất cho những công ty tạo ra phần lớn doanh thu trong nước. Chỉ số Russell 2000 bật tăng 8% từ ngày 5/11 đến 25/11 nhưng mức tăng này gần như bị xóa sổ trong những tuần sau đó.
Ông Steve Sosnick, chiến lược gia trưởng tại Interactive Brokers, lý giải: “Nhiều công ty vốn hóa nhỏ chỉ có lãi cực kỳ thấp hoặc không sinh lời, phải dựa vào tài trợ nợ để tiếp tục hoạt động, do đó nguy cơ lãi suất gia tăng khiến những cổ phiếu này dễ bị tổn thương”.
Cổ phiếu ngân hàng và năng lượng cũng từng có khoảng thời gian huy hoàng sau ngày bầu cử tổng thống Mỹ nhưng theo sau đó lại là các chuỗi ngày sụt giảm do những lo ngại về thuế quan và triển vọng tăng trưởng kinh tế.
Các nhóm cổ phiếu duy trì được đà tăng thường thuộc về những lĩnh vực mà nhà đầu tư đã có kỳ vọng rõ ràng. Chẳng hạn, những cổ phiếu liên quan tới tiền mã hóa nhìn chung vẫn giữ được phong độ. Đặc biệt, Tesla chứng kiến giá cổ phiếu nhảy vọt 70% kể từ sau khi ông Trump thắng cử, dù ông nổi tiếng với lập trường hoài nghi về xe điện.
Lý lẽ của những người lạc quan là mối quan hệ thân thiết của CEO Elon Musk với ông Trump sẽ giúp ích cho công ty này trong nỗ lực xây dựng xe tự lái hoàn toàn.
Tiền tệ
Rủi ro lạm phát phát sinh từ thuế quan của ông Trump và tác động tới các quyết định lãi suất của Fed đang củng cố sức mạnh của đồng bạc xanh.
Thước đo của Bloomberg về sức mạnh của đồng USD đã đi lên 5% trong 10 tuần sau ngày bầu cử tổng thống Mỹ. Ở chiều ngược, đồng tiền của những quốc gia chịu rủi ro từ các chính sách kinh tế của ông Trump lại chịu cảnh mất giá, bao gồm euro và đôla Canada.
Các nhà phân tích của JPMorgan Chase dự đoán đồng euro có thể giảm về ngang giá với USD ngay trong quý I. Chiến lược gia Skylar Montgomery Koning của Barclays Capital FX thì dự đoán đôla Canada có nguy cơ rơi xuống mức đáy như thời đại dịch.
Đồng tiền của hầu hết các thị trường mới nổi cũng suy yếu sau chiến thắng của ông Trump. Chỉ số MSCI đo lường đồng tiền của các thị trường mới nổi đã sụt 2,2%.
Tương tự, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc rớt 3% kể từ ngày 5/11, cả trên thị trường nội địa và hải ngoại, vì rủi ro thuế quan và cách biệt ngày càng lớn giữa lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ và Trung Quốc.
Lợi suất trái phiếu
Việc Đảng Cộng hòa giành lại cả Nhà Trắng lẫn lưỡng viện Quốc hội được dự báo là sẽ khiến đường cong lợi suất ngày càng dốc lên, bởi các đề xuất chính sách của ông Trump nhiều khả năng sẽ làm gia tăng áp lực lên lạm phát và nợ trong dài hạn của Mỹ.
Và đó chính xác là những gì đang xảy ra. Chênh lệch giữa lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm và 2 năm đã nới rộng lên khoảng 34 điểm cơ bản (bps), gần mức cao nhất kể từ đầu năm 2022.
Ông Neil Sutherland, nhà quản lý danh mục tại Schroder Investment Management, bình luận: “Fed đã giảm lãi suất 100 bps mà lợi suất dài hạn vẫn đi lên, điều này nói cho chúng ta biết rất nhiều về những gì đang diễn ra trong thị trường”.
Tuy nhiên, lợi suất trái phiếu ngắn hạn cũng đang chịu áp lực bởi dữ liệu kinh tế bền bỉ của Mỹ và những yếu tố khó lường từ chính sách của ông Trump. Các nhà đầu tư trên thị trường hoán đổi giờ chỉ kỳ vọng Fed tung ra hai đợt giảm lãi suất 25 bps trong năm nay thay vì 6 đợt như trước kia.
Tuy nhiên, thị trường trái phiếu vẫn có thể mang đến bất ngờ. Ví dụ, số liệu công bố vào tuần trước cho thấy lạm phát lõi tháng 12 thấp hơn dự kiến và điều này đã đẩy lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ thuộc mọi kỳ hạn đi xuống.
Tiền mã hóa
Ông Trump từng hồ nghi về tiền mã hóa và nhận xét bitcoin “giống như một trò lừa đảo”. Song, lập trường của ông đã thay đổi 180 độ và ngành tiền mã hóa hiện nay có sự ủng hộ mạnh mẽ từ chủ nhân tiếp theo của Nhà Trắng.
Nguồn tin của tờ Bloomberg cho biết ông Trump dự định ký sắc lệnh hành pháp để biến tiền mã hóa thành một trong những ưu tiên chính sách của Nhà Trắng và cho phép những nhân vật trong ngành có tiếng nói trong chính quyền của ông. Ông cũng được cho là sẽ nới lỏng quy định quản lý và thành lập kho dự trữ chiến lược bitcoin.
Do đó, lẽ tự nhiên là giá các loại tiền mã hóa đã nhảy vọt sau cuộc bầu cử. Giá bitcoin đạt kỷ lục cao nhất mọi thời đại vào giữa tháng 12/2024 và giờ vẫn cao hơn 50% so với giá ngày 5/11.