|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Điều gì sẽ xảy ra nếu chính phủ Mỹ đóng cửa giữa đại dịch?

15:00 | 29/09/2021
Chia sẻ
Quốc hội Mỹ chỉ còn một ngày để ngăn chặn chính phủ đóng cửa và hàng trăm nghìn nhân viên liên bang nghỉ không lương giữa lúc đất nước phải căng mình chiến đấu chống COVID-19.
Điều gì sẽ xảy ra nếu chính phủ Mỹ đóng cửa? - Ảnh 1.

Nhà Trắng. (Ảnh: AFP).

Chính phủ Mỹ sẽ ngừng hoạt động nếu Quốc hội không thông qua dự luật chi tiêu trước cuối năm tài khóa là ngày 30/9. Đến nửa đêm 29/9, tiền tài trợ cho hầu hết các cơ quan chính phủ sẽ hết hạn, dẫn đến nhiều hoạt động của chính phủ bị đình trệ.

Ông William Hoagland, thành viên tại Trung tâm Chính sách Lưỡng đảng cho biết bảo tàng và công viên quốc gia sẽ đóng cửa. Khoảng 1,2 triệu người trong tổng số 2,1 triệu nhân viên dân sự liên bang sẽ không thể làm việc. Khoảng 62% nhân viên tại Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC) sẽ phải nghỉ không lương.

Điều gì sẽ xảy ra trên thực tế?

Sáng ngày 30/9, một số nhân viên liên bang có thể đến cơ quan để kích hoạt kế hoạch đóng cửa, ví dụ như chọn ra những người vẫn được phép làm việc và thêm thông báo ngừng hoạt động vào hộp thư thoại của chính phủ.

Từ tuần trước, các cơ quan chính phủ đã lập sẵn lộ trình cho kịch bản chính phủ đóng cửa. Trong quá khứ, những kế hoạch này bao gồm ngừng giải quyết đơn xin mua súng và cấp hộ chiếu, tờ Reuters cho hay. 

Nhiều bộ phận của chính phủ sẽ vận hành theo chế độ tự động, bao gồm gửi séc lương hưu An sinh xã hội qua đường bưu điện và thanh toán viện phí cho người già. Cảnh sát, lính cứu hỏa vẫn làm nhiệm vụ. Binh sĩ Mỹ vẫn có thể tiếp tục chiến đấu, nhưng nhiều nhân viên dân sự trong Bộ Quốc phòng sẽ nghỉ không lương.

Rồi sẽ đến lúc ngay cả các dịch vụ thiết yếu cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ông Hoagland kết luận: "Đó là cơn ác mộng về quản trị".

Làm cách nào để Mỹ ngăn chính phủ đóng cửa?

Cách duy nhất là Quốc hội phải phê chuẩn dự luật ngăn chính phủ đóng cửa. Hôm 27/9, Hạ viện Mỹ đã gửi dự luật cấp ngân sách cho chính phủ hoạt động đến tháng 12/2021. Tuy nhiên, dự luật bị các nghị sĩ Đảng Cộng hòa phản đối vì nó bao gồm nội dung hoãn áp dụng trần nợ đến tháng 12/2022.

Đảng Dân chủ rất nóng lòng tạm hoãn hoặc nâng trần nợ để giúp tài trợ cho các chương trình nghị sự lớn của ông Biden. Tuy nhiên nhiều nghị sĩ Đảng Cộng hòa kịch liệt phải đối những nỗ lực này, lấy lý do lạm phát tăng cao.

Đảng Dân chủ còn có "phương án B" là xóa phần nâng trần nợ khỏi dự luật, đưa bản sửa đổi trở lại Hạ viện để bỏ phiếu và rồi lại gửi lên Thượng viện để được phê duyệt cấp tốc.

Bloomberg đưa tin ông Steny Hoyer, Lãnh đạo phe đa số tại Hạ viện cho biết "trong ngày hôm nay" các thành viên Đảng Dân chủ sẽ quyết định "đâu là chiến lược tốt nhất để dự luật cấp ngân sách cho chính phủ tiếp tục hoạt động được thông qua".

Đảng Cộng hòa muốn Đảng Dân chủ tự thông qua dự luật nâng trần nợ riêng biệt vì theo luật ngân sách Thượng viện, điều này sẽ đòi hỏi ấn định con số chính xác chính phủ Mỹ có thể vay. Do Mỹ đã tích lũy nợ qua nhiều thế hệ nên giới hạn mới sẽ phải rất lớn – 30.000 tỷ USD hoặc hơn, tờ CBS nhận định.

Đảng Cộng hòa muốn lợi dụng trần nợ để chạy các quảng cáo công kích đối thủ trong cuộc bầu cử Quốc hội năm 2022, bằng cách nói với cử tri rằng Đảng Dân chủ có xu hướng chi tiêu hoang phí.

Cách nào để ngăn chính phủ đóng cửa quá lâu?

Lần cuối cùng chính phủ Mỹ là giai đoạn 35 ngày từ 22/12/2018 đến 25/1/2019, khi đó một số kiểm soát viên không lưu đã phải nghỉ việc, dẫn đến các chuyến bay bị hoãn. Thế bế tắc chính trị về ngân sách chính phủ bị phá vỡ vì các nhà lập pháp lo ngại tình trạng hỗn loạn diễn ra ở sân bay.

Ông Hoagland cho rằng lần này, sự gián đoạn đối với các cơ quan y tế công trong đại dịch có thể hối thúc các nhà lập pháp và giúp chính phủ chỉ phải đóng cửa trong một thời gian ngắn.

Nhân viên chính phủ vẫn có thể đi làm nếu việc họ vắng mặt gây nguy hiểm cho tính mạng và tài sản, nhưng nhiều người sẽ bị nợ lương. Và những ai có vai trò ít quan trọng hơn sẽ buộc phải nghỉ không lương. Điều này chắc chắn sẽ dẫn đến việc cơ quan y tế hoạt động với hiệu quả thấp hơn trước.  

Ông Anthony Fauci, quan chức hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của Mỹ, nói với tờ Washington Post rằng đại dịch là "thời điểm tồi tệ nhất" để đóng cửa vì chính phủ đang cần phải nỗ lực hết mình vì sức khỏe cộng đồng.

Giang