|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Những điều cần biết về trần nợ công, nguy cơ Mỹ vỡ nợ và màn kịch chính trị ở Washington

11:28 | 01/10/2021
Chia sẻ
Nước Mỹ đứng trước nguy cơ vỡ nợ trong vài tuần nữa và cả hai đảng Dân chủ - Cộng hòa vẫn đang đấu đá nhau về việc nên hay không nên nâng trần nợ công.
Những điều cần biết về trần nợ công, nguy cơ Mỹ vỡ nợ và màn kịch chính trị ở Washington - Ảnh 1.

Ngày 28/9, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen (áo xanh) cảnh báo Thượng viện rằng nước Mỹ có nguy cơ vỡ nợ vào ngày 18/10 nếu trần nợ công không được nâng, kéo theo hậu quả kinh tế thảm khốc. (Ảnh: Reuters).

Các nghị sĩ Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa đang bất đồng sâu sắc về việc có nên nâng trần nợ liên bang của Mỹ hay không.

Phe Dân chủ thì cho rằng hai đảng cần phải thống nhất nâng giới hạn vay nợ vì cả hai đảng đều góp phần khiến cho khối nợ của nước Mỹ phình to trong những năm qua.

Phe Cộng hòa từng bỏ phiếu tạm gỡ bỏ trần nợ công vào tháng 8/2019 khi Tổng thống Donald Trump đang tại nhiệm, nhưng giờ đây lại khăng khăng từ chối vì đại diện Đảng Dân chủ là ông Joe Biden đang làm chủ Nhà Trắng và đòi thông qua các gói chi tiêu hàng nghìn tỷ USD.

Tối 30/9, Quốc hội và Tổng thống Biden đã thông qua dự luật chi tiêu tạm thời cho phép chính phủ hoạt động tới tháng 12, tránh việc một số cơ quan liên bang phải đóng cửa. Tuy nhiên, trần nợ lại là một vấn đề khác và chưa được giải quyết.

Tất cả những tranh cãi này đã làm dấy lên câu hỏi trần nợ công là gì, làm thế nào mà tình hình lại căng thẳng như hiện nay và tại sao nước Mỹ không chấm dứt giới hạn nợ luôn để không phải suốt ngày lo chuyện chạm trần?

Trần nợ công là gì?

Trần nợ là giới hạn số tiền mà chính phủ liên bang Mỹ được phép vay.

Theo New York Times, chính phủ Mỹ liên tục thâm hụt ngân sách – tức là chi nhiều hơn thu – nên cần phải vay mượn số tiền khổng lồ để trang trải cho các khoản chi tiêu như bảo hiểm y tế, lương hưu cho người già, lãi vay, lương công chức – binh sĩ, …

Khi tranh luận về trần nợ công, nhiều nghị sĩ nói đến việc chính phủ phải cắt giảm chi tiêu. Tuy nhiên, quyết định nâng trần nợ công không có nghĩa là chính phủ được triển khai các chương trình mới mà chỉ là có tiền để trả các nghĩa vụ tài chính đã phát sinh.

Khi chạm trần nợ, Mỹ sẽ không thể đi vay mới để trả các khoản vay cũ đến hạn, dẫn tới vỡ nợ.

Những điều cần biết về trần nợ công, nguy cơ Mỹ vỡ nợ và màn kịch chính trị ở Washington - Ảnh 2.

Trần tòa nhà quốc hội Mỹ Capitol. (Ảnh: Reuters).

Tại sao nước Mỹ có trần nợ công?

Theo hiến pháp, chỉ quốc hội Mỹ mới có quyền phê duyệt hoạt động vay nợ của chính phủ liên bang. Từ thế kỷ 18 trở về trước, mỗi lần chính phủ muốn vay mượn qua phát hành trái phiếu đều phải xin ý kiến của quốc hội, quy trình này rất tốn thời gian.

Từ năm 1917 trở đi, quốc hội bắt đầu áp dụng trần nợ công. Chính phủ được vay mượn một cách linh hoạt tùy theo nhu cầu, miễn là không vượt trần.

Nước Mỹ đã bao nhiêu lần điều chỉnh trần nợ công?

Theo thống kê của Nhà Trắng, từ năm 1940 đến nay, trần nợ công của nước Mỹ đã thay đổi hơn 100 lần. Có khi cứ vài ngày lại thay đổi một lần như vào tháng 10/1977 hoặc tháng 8/1978. Có khi một ngày thay đổi hai lần như hôm 30/9/1981.

Hầu hết các thay đổi này đều là điều chỉnh tăng nhưng cũng có một số lần giảm xuống do các nhà lập pháp tạm thời chưa thống nhất được một con số mới, trần nợ hiện hành hết hiệu lực và tự động quay lại mức thấp trước kia. Vài ngày sau, hai đảng Dân chủ - Cộng hòa đạt được thỏa thuận và trần nợ lại vọt lên.

Những điều cần biết về trần nợ công, nguy cơ Mỹ vỡ nợ và màn kịch chính trị ở Washington - Ảnh 3.

Trần nợ hiện nay là bao nhiêu và Mỹ đang vay bao nhiêu?

Ngày 2/8/2019 khi Donald Trump đang làm Tổng thống Mỹ, quốc hội Mỹ đã quyết định tạm dừng áp dụng trần nợ trong vòng hai năm. Đến ngày 31/7/2021, nợ công thực tế của Mỹ tăng lên bao nhiêu thì trần nợ của Mỹ cũng tăng thêm bấy nhiêu.

Cuối tháng 7 vừa qua, trần nợ tự động được áp dụng lại ở mức mới là 28.400 tỷ USD, tương đương với quy mô vay của chính quyền liên bang khi đó.

Vì vậy về mặt kỹ thuật, nước Mỹ đã chạm trần nợ từ ngày 31/7. Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen đã sử dụng "các biện pháp đặc biệt" để tránh vỡ nợ. Các biện pháp này là những công cụ kế toán tài khóa nhằm hạn chế đầu tư chính phủ, dành tiền để trả các khoản nợ đến hạn.

Không ai biết chính xác ngày nào Bộ Tài chính Mỹ sẽ cạn tiền vì doanh thu thuế và chi tiêu công thường biến động từ ngày này qua ngày khác.

Trung tâm Chính sách Lưỡng đảng (BPC) ước tính ngân khố Mỹ sẽ trống rỗng trong khoảng từ 15/10 đến 4/11. Bộ trưởng Janet Yellen thì cảnh báo Quốc hội phải nâng trần nợ trước ngày 18/10, nếu không, hậu quả sẽ rất thảm khốc.

Những điều cần biết về trần nợ công, nguy cơ Mỹ vỡ nợ và màn kịch chính trị ở Washington - Ảnh 4.

Khối nợ công 28.400 tỷ USD hiện nay tương đương khoảng 135% GDP của Mỹ. Văn phòng Quản lý và Ngân sách thuộc Nhà Trắng ước tính khối nợ cuối năm 2021 có thể lên tới 30.226 tỷ USD, tương đương 137,2% GDP.

Các quốc gia khác có trần nợ kiểu Mỹ không?

Đa phần là không, New York Times cho hay. Đan Mạch cũng có trần nợ nhưng nó cao đến nỗi chính phủ hầu như không phải lo nghĩ nhiều.

Theo Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (PIIE), lần gần đây nhất Đan Mạch nâng trần nợ công là vào năm 2010, từ 950 tỷ Krone lên 2.000 tỷ Krone (tương đương từ 170 tỷ USD lên 357 tỷ USD. Cho đến nay, Đan Mạch vẫn chưa chạm mức trần mới này.

Ở Ba Lan, nợ công không được vượt quá 60% GDP.

Tại Việt Nam, tháng 7 vừa qua Quốc hội đã phê chuẩn Nghị quyết về Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công. Theo đó, trong giai đoạn 2021-2025, nợ công không vượt quá 60% GDP, thấp hơn so với giới hạn 65% của giai đoạn 5 năm trước (2016-2020). Nợ Chính phủ không quá 50% GDP, giảm từ mức 54% trước đó.

Tại sao nâng trần nợ công tại Mỹ lại khó đến vậy?

Trong nhiều năm, nâng trần nợ công chỉ là công việc thường kỳ hàng năm. Tuy nhiên khi môi trường chính trị trở nên phân cực hơn, các phe phái ngày càng ưa thích áp dụng chiến thuật "bên miệng hố chiến tranh", tức là đẩy vấn đề vào hoàn cảnh hiểm nghèo để buộc bên kia nhượng bộ.

Trong 4 năm nhiệm kỳ Tổng thống của ông Trump, Đảng Dân chủ trong quốc hội đã cùng với Đảng Cộng hòa phê chuẩn việc tạm dừng áp dụng trần nợ công ba lần vào tháng 9/2017, tháng 2/2018 và tháng 8/2019.

Tuy nhiên hiện nay, khi đại diện Joe Biden của Đảng Dân chủ làm Tổng thống, Đảng Cộng hòa lại gây khó khăn. Các chính trị gia luôn muốn dùng trần nợ công làm quân bài mặc cả trên bàn đàm phán, đảng này muốn đảng kia đồng ý nâng trần nợ thì phải chấp thuận nhượng bộ trong một vấn đề khác.

Trong cuộc tranh luận về nợ công năm 2011, một số nhà quan sát cho rằng Tổng thống Obama có quyền đơn phương nâng trần nợ.

Cựu Tổng thống Bill Clinton khi đó cho biết nếu vẫn tại nhiệm, ông sẽ sử dụng Tu chính án thứ 14 và tự mình nâng trần nợ, tức là chỉ có tòa án tối cao mới có thể đảo ngược quyết định của ông.

Tổng thống Obama và các luật sư của ông khi đó không đồng tình với quan điểm của ông Clinton và chọn hướng xử lý khác. Sau khi rời nhiệm sở, ông Obama cho biết ông và các quan chức Bộ Tài chính đã xem xét một số phương án dự phòng "sáng tạo" như phát hành đồng tiền xu 1.000 tỷ USD để trả bớt nợ.

Trong một cuộc phỏng vấn năm 2017, ông Obama đã gọi ý tưởng đồng xu nghìn tỷ là "hơi điên điên".

Những điều cần biết về trần nợ công, nguy cơ Mỹ vỡ nợ và màn kịch chính trị ở Washington - Ảnh 5.

Tại sao không loại bỏ luôn trần nợ công cho xong?

Các nhà lập pháp thường không hứng thú gì với việc bỏ phiếu liên quan đến trần nợ. Nhưng nếu không nâng trần thì chính phủ Mỹ có thể sẽ vỡ nợ, kéo theo một thảm họa về kinh tế.

Một trong những lý do khiến Mỹ không bỏ trần nợ là vì không tìm được phương án thay thế. Mỹ có thể nâng trần nợ lên cao chót vót như kiểu Đan Mạch để không phải lo nghĩ gì nhiều trong vòng 10-15 năm. Một số người còn đề xuất Mỹ tự động tăng trần nợ tương ứng với mức tăng trong chi tiêu.

Nhìn chung, rủi ro vỡ nợ lớn hơn nhiều lợi ích về kiểm soát tài khóa mà trần nợ mang lại. Tuy nhiên, chỉ quốc hội mới có quyền vứt bỏ trần nợ và việc tìm được tiếng nói chung là không hề dễ dàng.

Đức Quyền - Song Ngọc