|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Nợ công toàn cầu vượt ngưỡng 92.000 tỷ USD vào năm 2022

06:50 | 13/07/2023
Chia sẻ
Báo cáo của LHQ nêu rõ nợ công đã trở thành gánh nặng đáng kể cho các nước đang phát triển do thiếu tiếp cận tài chính, lãi suất tăng, đồng nội tệ mất giá và tăng trưởng kinh tế chậm chạp.

Ảnh minh họa (Nguồn: AFP/TTXVN)

Nợ công toàn cầu đã tăng lên mức cao kỷ lục 92.000 tỷ USD vào năm 2022 khi các chính phủ phải vay tiền nhiều hơn để ứng phó với các cuộc khủng hoảng như đại dịch COVID-19, gánh nặng đặc biệt cao với các nước đang phát triển.

Theo báo cáo nợ công toàn cầu được Liên hợp quốc công bố ngày 12/7, nợ công trong nước và nợ nước ngoài trên toàn thế giới đã tăng hơn 5 lần trong 2 thập kỷ qua, vượt tốc độ tăng trưởng kinh tế khi Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) chỉ tăng 3 lần tính từ 2002.

Báo cáo được công bố trước thềm Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và các thống đốc ngân hàng trung ương Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) trong các ngày 14-18/7.

Các khoản nợ của các nước đang phát triển chiếm 30% nợ công toàn cầu. Trong đó, 70% là các khoản nợ của Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil. 59 quốc gia đang phát triển có thể chứng kiến tỷ lệ nợ công/GDP trên 60%- ngưỡng thể hiện mức nợ công cao.

Báo cáo của Liên hợp quốc nêu rõ nợ công đã trở thành gánh nặng đáng kể cho các nước đang phát triển do thiếu tiếp cận tài chính, lãi suất tăng, đồng nội tệ mất giá và tăng trưởng kinh tế chậm chạp.

Hơn nữa, cầu trúc tài chính quốc tế khiến việc tiếp cận tài chính của các nước đang phát triển vừa không phù hợp vừa đắt đỏ, dẫn chứng các khoản thanh toán lãi suất nợ công ròng đã vượt 10% doanh thu của 50 nền kinh tế mới nổi toàn cầu.

Tại châu Phi, khoản thanh toán lãi suất cao hơn chi phí cho giáo dục hoặc y tế, với 3,3 tỷ người sống tại các nước chi nhiều cho việc trả lãi nợ công cho đầu tư vào giáo dục hoặc y tế. Báo cáo cho rằng các nước đang đứng trước lựa chọn khó khăn giữa trả nợ công hoặc phục vụ người dân.

Liên hợp quốc kêu gọi các chủ nợ quốc tế nới rộng các điều kiện tài chính, với các biện pháp như tăng tiếp cận tài chính cho các nước đang chịu áp lực nợ công.

Lê Ánh

Vì sao Mỹ chật vật với lạm phát hơn châu Âu?
Lạm phát có thể đã giảm mạnh từ các mức cao nhất hàng chục năm qua ở cả hai bờ Đại Tây Dương, nhưng tiến triển ở Mỹ đã chững lại, khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hiện được dự đoán sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất chậm hơn nhiều so với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).