Chủ tịch Fed: Nợ công của Mỹ không bền vững
Theo Bộ Tài chính Mỹ, nợ công của nước này hiện ở mức trên 34.000 tỷ USD. Theo ông Powell, về lâu dài, chính phủ sẽ đi trên một con đường không bền vững về tài chính. Điều này có nghĩa nợ tăng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế.
Ông cho rằng giờ là lúc cần giành ưu tiên cho sự bền vững về tài chính và việc thực hiện điều này càng sớm càng tốt.
Trong tuần trước, Fed đã giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp thứ tư liên tiếp. Trong khi cho rằng những rủi ro đối với các mục tiêu về việc làm và lạm phát đang cân bằng hơn, Fed cho biết sẽ không sớm hạ lãi suất.
Ông Powell đã nhắc lại quan điểm đó, cho rằng không thể hạ lãi suất tại cuộc họp sắp tới vào tháng 3/2024. Về những điều kiện cần cho việc hạ lãi suất, ông nói điều quan trọng nhất là cân nhắc rủi ro giữa việc hành động quá sớm và hành động quá muộn. Fed hiện áp dụng mức lãi suất cao nhất trong 23 năm là 5,25-5,5%. Ông Powell tin rằng lạm phát sẽ tiếp tục giảm trong nửa đầu năm nay và Fed sẽ đánh giá lại mục tiêu về lãi suất vào tháng 3.
Trước đó, theo một cuộc thăm dò các nhà kinh tế do Hiệp hội kinh tế thương mại quốc gia (NABE) thực hiện, nền kinh tế Mỹ sẽ tránh được suy thoái trong năm tới.
Khoảng 91% số người tham gia cuộc khảo sát mới nhất của NABE cho rằng xác suất Mỹ bước vào suy thoái trong 12 tháng tới là 50% hoặc ít hơn. Số liệu này khác xa so với quan điểm một năm trước trong bối cảnh phần lớn các nhà kinh tế dự đoán một cuộc suy thoái khi Fed tăng lãi suất để đối phó với lạm phát cao.
Tâm lý lạc quan của các nhà kinh tế được thể hiện trong khảo sát tương ứng với các số liệu kinh tế công bố gần đây, trong đó có thước đo niềm tin người tiêu dùng đã tăng lên mức cao nhất trong hai năm rưỡi. Ngoài ra, lạm phát đã giảm nhanh hơn dự kiến và thị trường lao động đang hạ nhiệt nhưng không giảm quá nhanh.
Các nhà hoạch định chính sách của Fed đã đánh tín hiệu rằng họ có khả năng sẽ cắt giảm lãi suất trong năm nay, nếu lạm phát tiếp tục giảm. Fed đã duy trì mức lãi suất trong phạm vi 5,25% -5,5% kể từ tháng 7/2023.
Các nhà kinh tế tham gia khảo sát của NABE dự đoán doanh thu và tỷ suất lợi nhuận của các doanh nghiệp sẽ tăng trong năm nay, đồng thời cho biết những vấn đề về chuỗi cung ứng và tình trạng thiếu lao động đang giảm bớt, đây có thể là thông tin tích cực cho triển vọng lạm phát.
Khoảng 63% số người được hỏi trong cuộc khảo sát mới nhất cho biết không có tình trạng thiếu nguyên liệu sản xuất. Tỷ lệ này tăng so với mức 46% của ba tháng trước đó và chỉ có hơn 50% số người được hỏi cho biết không thiếu lao động, tăng so với mức 38% trước đó. NABE cho biết cả hai vấn đề trên đều trong trạng thái tốt nhất kể từ khi đại dịch bùng phát.
Theo cuộc khảo sát với 57 thành viên NABE, được thực hiện từ ngày 28/12 đến ngày 9/1, lãi suất cao hơn, bất ổn địa chính trị gia tăng và chi phí cao hơn là những rủi ro lớn nhất đối với triển vọng kinh doanh trong năm mới.
Còn theo Bộ Thương mại Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) của nước này đã tăng trở lại trong tháng 12/2023, song mức lạm phát hàng năm vẫn được duy trì dưới 3% tháng thứ ba liên tiếp.
Chỉ số PCE, thước đo lạm phát ưa thích của Fed, đã tăng 0,2% trong tháng 12/2023, sau khi giảm 0,1% trong tháng 11. So với cùng kỳ năm ngoái, tính đến tháng 12/2023, chỉ số PCE đã tăng 2,6%, tương đương với mức tăng của tháng 11.
Loại trừ các thành phần năng lượng và thực phẩm dễ biến động, chỉ số PCE lõi đã tăng 0,2% trong tháng 12, sau khi tăng 0,1% trong tháng trước đó. So với cùng kỳ năm ngoái, PCE lõi của Mỹ đã tăng 2,9%, mức tăng thấp nhất kể từ tháng 3/2021, sau khi tăng 3,2% trong tháng 11.
Lạm phát chậm lại đang thúc đẩy sức mua của các hộ gia đình, giúp thúc đẩy chi tiêu của người tiêu dùng và nền kinh tế Mỹ. Chi tiêu tiêu dùng, chiếm hơn 66% hoạt động kinh tế của Mỹ, đã tăng 0,7% trong tháng 12/2023, sau khi tăng 0,4% trong tháng 11. Sau khi điều chỉnh theo lạm phát, chi tiêu tiêu dùng tổng thể tăng 0,5% trong tháng 12, tương đương với mức tăng của tháng 11.
Các nhà sản xuất Mỹ dự kiến giảm tốc độ đầu tư sau năm 2023 đầy sôi động. Đầu tư vốn của các nhà sản xuất Mỹ có thể sẽ giảm tốc trong năm 2024 sau một năm đầu tư mạnh mẽ cho các nhà máy do chi phí đi vay vẫn tăng cao và những lo ngại về nhu cầu đã làm dịu đi mong muốn nâng cấp hoạt động của các nhà máy.
Theo báo cáo mới nhất của Chính phủ Mỹ, đầu tư cho các các cơ sở sản xuất năm 2023 đã tăng gần 63%, mức tăng hàng năm lớn nhất kể từ năm 1951. Nguyên nhân là do các công ty tận dụng các ưu đãi của liên bang và bù đắp chi tiêu trả chậm trong thời kỳ đại dịch khi chuỗi cung ứng thiếu ổn định. Các nhà sản xuất đã tập trung nâng cấp công nghệ để nâng cao năng suất như tự động hóa, phát triển và ứng dụng AI.
Đạo luật CHIPS và Khoa học cũng thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư cho các cơ sở sản xuất, đặc biệt trong lĩnh vực bán dẫn với mức tăng đầu tư cho các nhà máy sản xuất chíp bán dẫn tăng 122% kể từ cuối năm 2022. Việc các nhà đầu tư quan tâm đến AI và vũ trụ ảo (metaverse) khiến tiêu thụ các sản phẩm bán dẫn dự kiến cũng sẽ tăng mạnh