|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Nợ công Mỹ vượt 34.000 tỷ USD: Nguyên nhân và những hệ quả

20:39 | 03/01/2024
Chia sẻ
Bộ Tài chính Mỹ ngày 2/1 cho biết tổng nợ công của Mỹ đã lần đầu tiên vượt mức 34.000 tỷ USD. Mức cao kỷ lục này báo hiệu những thách thức về cả chính trị và kinh tế trong việc cải thiện thể trạng tài chính công của Mỹ trong những năm tới.

(Ảnh minh hoạ: Getty Images).

Bộ Tài chính Mỹ ngày 2/1 cho biết tổng nợ công của Mỹ đã lần đầu tiên vượt mức 34.000 tỷ USD. Mức cao kỷ lục này báo hiệu những thách thức về cả chính trị và kinh tế trong việc cải thiện thể trạng tài chính công của Mỹ trong những năm tới.

Tháng 6/2023, các nghị sỹ Cộng hòa và Nhà Trắng đã nhất trí tạm thời nâng trần nợ công của Mỹ, qua đó tránh được nguy cơ vỡ nợ. Thỏa thuận này sẽ có hiệu lực đến tháng 1/2025.

Vậy đâu là nguyên nhân và những hệ quả khi nợ công Mỹ vượt 34.000 tỷ USD?

Nợ công Mỹ đã leo lên mức 34.000 tỷ USD như thế nào?

Nợ công của Mỹ đã vượt mức 34.000 tỷ USD sớm hơn nhiều năm so với dự báo được đưa ra trước đại dịch COVID-19. Tháng 1/2020, Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ đưa ra dự báo rằng nợ công của nước này sẽ vượt 34.000 tỷ USD trong năm tài chính 2029.

Nhưng nợ công đã tăng nhanh hơn dự đoán vì đại dịch COVID-19 kéo dài nhiều năm từ năm 2020 đã khiến phần lớn kinh tế Mỹ bị tê liệt.

Chính phủ Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump và Tổng thống đương nhiệm Joe Biden đã phải tăng cường vay nợ để bình ổn nền kinh tế và hỗ trợ đà phục hồi. Nhưng sự phục hồi của nền kinh tế lại kéo theo một đợt leo thang của lạm phát. Tình hình này đã đẩy lãi suất lên cao và khiến chi phí trả lãi và gốc các khoản vay của chính phủ gia tăng.

Tác động tới nền kinh tế

Tình hình nợ công hiện nay sẽ không tác động nhiều đến nền kinh tế ở thời điểm hiện tại, vì giới đầu tư vẫn sẵn sàng cho chính phủ liên bang vay tiền. Việc vay nợ này sẽ giúp chính phủ Mỹ tiếp tục tài trợ kinh phí cho nhiều chương trình mà không cần phải tăng thuế.

Nhưng lộ trình nợ công trong vài chục năm tới có thể đe dọa an ninh quốc gia và nhiều chương trình lớn của chính phủ, như chính sách an sinh xã hội và chương trình bảo hiểm y tế quốc gia Medicare.

Đây là những hạng mục được cho là sẽ khiến chính phủ Mỹ tiêu tốn nhiều nhất trong vài chục năm tới. Sự bất thường trong hoạt động của chính phủ, như một lần nâng trần nợ công nữa, nếu có, có thể sẽ là một nguy cơ tài chính nếu giới đầy tư lo ngại về ý định trả nợ của các nghị sỹ.

Những trái chủ nước ngoài của Mỹ, như Trung Quốc, Nhật Bản, Han Quốc và các nước châu Âu, đã giảm lượng trái phiếu chính phủ Mỹ mà họ đang nắm giữ. Một phân tích của Peterson Foundation chỉ ra rằng tỷ lệ nắm giữ trái phiếu Mỹ của khối ngoại đạt đỉnh 49% trong năm 2011, nhưng đã giảm xuống còn 30% vào cuối năm 2022.

Giám đốc điều hành của Peterson Foundation, Michael Peterson, cho biết sắp tới, nợ công của Mỹ sẽ tiếp tục tăng mạnh, vì Bộ Tài chính nước này ước tính đến cuối tháng Ba sẽ vay thêm gần 1.000 tỷ USD. Theo ông, đây là một dấu hiệu đáng báo động.

Tác động với người dân Mỹ

Mức nợ công nói trên tương đương khoảng 100.000 USD/người tại Mỹ. Nghe có vẻ nhiều, nhưng con số này cho đến nay chưa đe dọa đà tăng trưởng kinh tế của Mỹ.

Thay vào đó, nguy cơ nợ công có thể xảy đến trong dài hạn nếu mức nợ trên tiếp tục tăng không kiểm soát. Ông Sung Won Sohn, một giáo sư kinh tế của đại học Loyola Marymount University, nhận định nợ gia tăng có thể gây áp lực lên lạm phát và khiến lãi suất vẫn duy trì đà đi lên. Điều này càng làm tăng chi phí trả nợ của chính phủ.

Và khi thách thức về nợ cứ lớn dần lên theo thời gian, chính phủ sẽ đứng trước những lựa chọn khó khăn hơn, khi chi phí của các chương trình an sinh xã hội, Medicare và Medicaid ngày càng vượt xa doanh thu thuế.

Lập trường của hai đảng

Cả các nghị sỹ Dân chủ và Cộng hòa đều kêu gọi giảm nợ, nhưng họ bất đồng về cách thức phù hợp để thực hiện việc này.

Chính quyền của Tổng thống Biden đang chủ trương tăng thuế đối với người giàu và các doanh nghiệp để giảm thâm hụt ngân sách. Ông Biden còn nâng ngân sách cho Sở Thuế vụ Mỹ (IRS) để cơ quan này có thể thu các khoản thuế chưa đóng và giảm nợ hàng tỷ USD trong 10 năm.

Trong khi đó, các nghị sỹ Cộng hòa kêu gọi giảm mạnh các chương trình phi quân sự, bãi bỏ tín dụng thuế năng lượng sạch và hoạt động chi đã được thông qua trong Đạo luật giảm lạm phát. Song, các nghị sỹ Cộng hòa cũng muốn giảm ngân sách cho IRS và giảm thuế hơn nữa, mà cả hai việc này đều có thể sẽ khiến nợ gia tăng.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Khánh Ly