|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Bí quyết kinh tế của quốc gia hạnh phúc nhất thế giới

15:30 | 30/03/2025
Chia sẻ
Phần Lan giữ "ngôi vương" trên bảng xếp hạng những quốc gia hạnh phúc nhất suốt nhiều năm liền, khiến cả thế giới phải ngưỡng mộ.

Phần Lan là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới trong nhiều năm liền. (Ảnh: Getty Images). 

Phần Lan đã đứng đầu bảng xếp hạng những quốc gia hạnh phúc nhất trên thế giới của World Happiness Report (WHR) trong 8 năm liên tiếp. WHR đưa ra đánh giá dựa trên khảo sát về mức độ hài lòng của người dân tại các quốc gia và nhiều tiêu chí như GDP bình quân đầu người, mức độ tự do và sự hào phóng.

Điều không thể phủ nhận là nền kinh tế đóng vai trò quan trọng với mức độ hạnh phúc của người dân tại mỗi nước. Vậy nền kinh tế Phần Lan có gì đặc biệt so với những quốc gia khác?

Nền tảng kinh tế mạnh mẽ

Phần Lan sở hữu nền kinh tế phát triển với GDP bình quân đầu người đạt 56.017 USD/năm, xếp hạng 15 thế giới. Quốc gia châu Âu này có chỉ số Gini (một thước đo về bất bình đẳng) vào khoảng 27,7, một mức khá thấp. Điều đó cho thấy Phần Lan có sự phân phối thu nhập đồng đều, người dân được hưởng lợi ích kinh tế một cách tương đối công bằng, làm tăng mức độ hài lòng về cuộc sống.

Đồng thời, Phần Lan có thị trường nội địa nhỏ  - dân số vào khoảng 5,6 triệu người, thấp hơn cả Hà Nội - do đó thương mại đóng vai trò thiết yếu đối với nền kinh tế. Sự phát triển của nền kinh tế Phần Lan phụ thuộc nhiều vào thị trường quốc tế, bởi lĩnh vực xuất khẩu chiếm đến 42,8% GDP năm 2023, theo số liệu từ Statista.

 

Theo truyền thống, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Phần Lan là giấy và gỗ, bởi khoảng 3/4 diện tích nước này được bao phủ bởi rừng. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, máy móc hạng nặng và sản phẩm sản xuất chiếm tỷ trọng lớn nhất trong kim ngạch xuất khẩu của Phần Lan. 5 thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước này là Mỹ, Thụy Điển, Đức, Hà Lan và Trung Quốc.

Nhờ biết cách tận dụng các mối quan hệ thương mại mạnh mẽ, Phần Lan đã phát triển nhanh chóng trong thập niên 1980. Nền kinh tế cũng chuyển hướng từ tập trung vào công nghiệp sang thiên về dịch vụ và thông tin. Ngày nay, Phần Lan là quốc gia số hóa nhất châu Âu. Nokia, một trong những công ty “vang bóng một thời” trong làng công nghệ thế giới, sinh ra ở Phần Lan .

Mô hình kinh tế độc đáo kiểu Bắc Âu

Với thu nhập bình quân đầu người cao nhưng dân số nhỏ, GDP năm 2024 của Phần Lan vào khoảng 310 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với Mỹ là gần 24.000 tỷ USD.

Nhưng Phần Lan là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới năm 2025, trong khi Mỹ thậm chí không lọt nổi top 20. Sức mạnh kinh tế của một nước không phải yếu tố hàng đầu đem lại hạnh phúc cho người dân. Cơ cấu của nền kinh tế có thể còn quan trọng hơn.

Phần Lan, giống như 4 quốc gia Bắc Âu khác là Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch và Iceland, đều nỗ lực phát triển dựa theo một hình mẫu kinh tế chung có tên gọi là “mô hình Bắc Âu”. Mô hình này góp công lớn trong việc đem lại cho người Phần Lan mức sống cao và tỷ lệ bất bình đẳng thu nhập thấp.  

Đặc điểm chính của mô hình Bắc Âu là mạng lưới an sinh xã hội mạnh mẽ được tài trợ bằng các mức thuế cao. Sự “hào phóng” của chính phủ Phần Lan được thể hiện rõ nhất thông qua hệ thống y tế và giáo dục.

Tại Phần Lan, giáo dục là dịch vụ miễn phí dành cho học sinh, sinh viên ở mọi cấp. Các trường đại học công lập ở đây cũng miễn phí cho cả du học sinh từ các nền kinh tế châu Âu.

Du học sinh từ những quốc gia khác cũng được miễn học phí nếu theo học các khóa dạy bằng tiếng Phần Lan hoặc Thụy Điển. Đó là lý do quan trọng khiến Phần Lan là một trong những điểm đến ưa thích nhất của sinh viên quốc tế.

Về y tế, Phần Lan áp dụng hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn dân và chính phủ tài trợ phần lớn chi phí khám chữa bệnh cho công dân. Theo hệ thống y tế công, khám sức khỏe thai phụ, xét nghiệm, chụp X-quang và chăm sóc cấp cứu là hoàn toàn miễn phí. Các dịch vụ thu phí có mức giá tương đối phải chăng và tuân theo các quy định nghiêm ngặt về giá trần.

Ngoài ra, Phần Lan cũng cung cấp cho các gia đình trợ cấp nuôi con và cho cha mẹ hưởng nhiều ngày nghỉ phép sau khi sinh. Người dân có thể an tâm rằng những nhu cầu cơ bản luôn được chính phủ bảo đảm.

Nguồn tài trợ cho các chương trình xã hội rộng rãi là thuế. Một lao động độc thân ở Phần Lan chịu thuế suất ròng trung bình vào khoảng 31,6% trong năm 2023, cao hơn đáng kể mức bình quân của các nước thuộc nhóm OECD là 24,9%. Nói cách khác, thu nhập thực tế của một người lao động độc thân tại Phần Lan, sau thuế và phúc lợi, trung bình bằng 68,4% tổng lương của họ.

 

Ngoài ra, thuế VAT ở Phần Lan cũng thuộc nhóm cao nhất trong Liên minh châu Âu - mức tiêu chuẩn là 25,5%. Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nhiên liệu lỏng, ô tô, rượu và thuốc lá cũng cao.

Thuế là nguồn doanh thu quan trọng để chính phủ chi trả các chương trình phúc lợi xã hội và đầu tư công. Tuy nhiên, thuế suất cao đánh vào doanh nghiệp có nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế, bởi khi đó doanh nghiệp có ít tiền hơn để tái đầu tư và sức hấp dẫn của quốc gia với nhà đầu tư nước ngoài cũng suy giảm.

Hiểu rõ những mối nguy này, Phần Lan đã giảm đáng kể thuế thu nhập doanh nghiệp trong những năm qua. Thuế doanh nghiệp trung bình tại Phần Lan giai đoạn 1981 - 2025 là 32,1%, mốc đỉnh điểm là 61,8% trong năm 1982 và mức thấp nhất là 20% kể từ năm 2014 đến nay.

Yếu tố địa lý và lịch sử

Xét về mặt thương mại, Phần Lan có vị trí khá thuận lợi. Nền tảng Britannica ví Phần Lan như biên giới biểu tượng phía bắc giữa Đông Âu và Tây Âu. Phía đông của Phần Lan là một vùng đất hoang vu và nước Nga, phía Tây là Vịnh Bothnia và Thụy Điển. Nhờ vậy, Phần Lan là trung tâm thương mại tự nhiên giữa hai khu vực.

Tuy nhiên trong lịch sử, việc nằm giữa hai quốc gia có lực lượng quân sự hùng mạnh là điều không may với người Phần Lan. Họ chịu sự cai trị của Thụy Điển trong khoảng 700 năm và Nga trong hơn 100 năm. Mãi tận năm 1917 Phần Lan mới giành được độc lập.

Nỗ lực duy trì bản sắc dân tộc suốt nhiều thế kỷ dường như đã trui rèn tính cộng đồng và hợp tác của người Phần Lan, dẫn đến việc họ chấp nhận đóng thuế cao để đảm bảo lợi ích chung của xã hội, cũng tức là chấp nhận mô hình kinh tế Bắc Âu.  

Thiên nhiên cũng ban tặng cho Phần Lan nguồn tài nguyên quan trọng là gỗ - được khai thác từ những cánh rừng rậm rạp. Phần Lan nằm trong top 10 những quốc gia xuất khẩu gỗ xẻ và giấy lớn nhất thế giới. Kim ngạch xuất khẩu hai mặt hàng này năm 2023 tổng cộng vào khoảng hơn 21 tỷ USD.

Thách thức của Phần Lan

Mô hình phát triển của Phần Lan đã mang lại nhiều thành công cho nước này, cả về mặt xã hội - thể hiện qua sự hạnh phúc của người dân - và nền kinh tế. Một trong những lý do là mô hình này thúc đẩy sự phát triển của nguồn lao động có trình độ học vấn cao.

Ngoài ra, các chương trình phúc lợi hào phóng của chính phủ cộng với các chính sách thân thiện với doanh nghiệp giúp các công ty có thể dễ dàng sa thải nhân viên và chuyển đổi mô hình kinh doanh mà không gây bất ổn xã hội. Điều này thúc đẩy tinh thần kinh doanh của các cá nhân và tạo ra sự linh hoạt cho doanh nghiệp.

Nhưng cũng giống như nhiều quốc gia phát triển khác, Phần Lan đối mặt với xu hướng dân số già hóa và sụt giảm. Tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên ở Phần Lan hiện nay tương đương 30% dân số, còn tỷ suất sinh là 1,74 con/phụ nữ - thấp hơn nhiều ngưỡng cần thiết để duy trì dân số ổn định.

 

Với Phần Lan, xu hướng nhân khẩu học trên cực kỳ đáng ngại. Người lớn tuổi đông thì cần nhiều trợ cấp của chính phủ, trong khi đó dân số giảm đồng nghĩa với số người nộp thuế ít đi, có nguy cơ dẫn đến tình trạng thu không đủ chi.

Để giải quyết vấn đề này, từ năm 2020 Phần Lan đã lập kế hoạch quốc gia về lão hóa đến năm 2030.  Nội dung chính của kế hoạch là tạo điều kiện để người lao động có thể làm việc lâu hơn, bao gồm những biện pháp như gia tăng tính linh hoạt của công việc và cấm phân biệt tuổi tác tại nơi làm việc.

Trong quá khứ, mô hình kinh tế Bắc Âu đã nhiều lần vượt qua thử thách tốt hơn dự đoán của những người hoài nghi. Trong tương lai, Phần Lan có thể sẽ tiếp tục vượt qua được các thách thức nhân khẩu học để tiếp tục duy trì chính sách an sinh xã hội hào phóng cho người dân.

Giang

CEO REE Corp: Không cổ phần hóa các mảng, sẽ đầu tư loạt ngành mới điện rác và LNG, TOD, DC
Để đạt mục tiêu tăng trưởng thường niên 15%/năm, CEO Mai Thanh cho rằng công ty cần mở rộng công suất các ngành điện nước, đồng thời đầu tư các ngành mới như bất động sản TOD, trung tâm dữ liệu, điện khí hóa lỏng (LNG)...