Đạm Phú Mỹ chia cổ tức và thưởng cổ phiếu gần 89%
Ngày 17/4 tới đây, Tổng công ty Phân bón và hóa chất Dầu khí (Đạm Phú Mỹ - Mã: DPM) dự kiến sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên.
Theo tài liệu công bố, Đạm Phú Mỹ đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất 12.876 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 320 tỷ đồng.
Báo cáo tài chính năm 2024 hợp nhất vừa được kiểm toán cho thấy doanh thu thuần doanh nghiệp đạt 13.496 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 538 tỷ đồng, vượt 6% mục tiêu doanh thu và hơn 2% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.
Như vậy, kế hoạch lợi nhuận năm 2025 đang thấp hơn 41% so với kết quả năm ngoái. Thông thường, Đạm Phú Mỹ sẽ đặt kế hoạch kinh doanh thấp vào đầu năm và điều chỉnh tùy vào tình hình kinh doanh vào cuối năm.

Nguồn: Báo cáo tài chính.
Năm nay, tổng nhu cầu vốn đầu tư của doanh nghiệp là 1.040 tỷ đồng (hoàn toàn là vốn tự có), trong đó 640 tỷ là mua sắm tài sản, trang thiết bị và còn lại là đầu tư xây dựng cơ bản. Năm 2025 cũng là năm bảo dưỡng tổng thể Nhà máy Đạm Phú Mỹ.
Về kế hoạch phân phối lợi nhuận, đối với năm 2024, công ty dự kiến chia cổ tức bằng tiền mặt 15% (1.500 đồng/cp), từ nguồn lợi nhuận thực hiện 2024 và nguồn lợi nhuận chưa phân phối năm 2023 chuyển sang. Đối với năm 2025, tỷ lệ dự kiến là 12%/vốn điều lệ.
Ngoài ra, HĐQT cũng sẽ trình cổ đông phương án phát hành 288,6 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu, tương đương 73,7% số cổ phiếu đang lưu hành. Như vậy, cứ 1.000 cổ phiếu đang sở hữu, cổ đông sẽ nhận về thêm 737 cổ phiếu mới.
Nguồn vốn lấy từ nguồn Quỹ đầu tư phát triển tại thời điểm 31/12/2024 căn cứ theo Báo cáo tài chính riêng năm 2024 được kiểm toán. Sau phát hành, vốn điều lệ của Đạm Phú Mỹ tăng lên thành 6.800 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2025.
Kế hoạch phát hành thưởng để tăng vốn điều lệ trước đó đã được Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) chấp thuận từ giữa tháng 2, mục đích là để đảm bảo tình hình chênh lệch giữa vốn chủ sở hữu và vốn điều lệ.
Việc vốn điều lệ thấp là một vấn đề khiến các doanh nghiệp nói chung gặp khó trong khâu đấu thầu (đặc biệt là đấu thầu quốc tế) và vay vốn ngân hàng, từ đó hạn chế nhiều cơ hội phát triển.