|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Tại sao chưa tổng thống Mỹ nào đúc đồng xu 1.000 tỷ USD để lách trần nợ công?

11:55 | 01/10/2021
Chia sẻ
Các cuộc thảo luận về đồng xu 1.000 tỷ USD một lần nữa lại nóng lên ở nước Mỹ khi Quốc hội rơi vào thế bế tắc về trần nợ.
In đồng xu 1.000 tỷ USD: Giải pháp hấp dẫn để ông Biden cứu kinh tế Mỹ - Ảnh 1.

(Hình minh họa: Getty Images).

Ý tưởng về đồng xu trị giá hàng nghìn tỷ USD lần đầu được bàn luận trong năm 2011. Vào thời điểm đó, Quốc hội Mỹ cũng sa đà vào các cuộc tranh cãi gay gắt tưởng như không dứt về trần nợ như bây giờ.

Vị luật sư tinh mắt tên Carlos Mucha đã phát hiện ra một điều luật lạ lùng cho phép chính phủ Mỹ đúc đồng tiền bằng platinum với bất kỳ mệnh giá nào. Như vậy ít nhất thì theo lý thuyết, tổng thống Mỹ có thể lệnh cho Bộ Tài chính đúc một đồng xu 1.000 tỷ USD để gửi vào Cục dự trữ liên bang (Fed) và dùng để thanh toán một phần lớn các khoản nợ của Washington.

Tại sao lại là một đồng xu 1.000 tỷ USD mà không phải là 1.000 tỷ đồng xu với mệnh giá 1 USD mỗi đồng? Đơn giản là vì chi phí sản xuất tiền xu rất cao, nếu làm nhiều đồng tiền với mệnh giá nhỏ thì chính phủ Mỹ sẽ lỗ chứ không có lợi.

Việc đúc đồng xu 1.000 tỷ USD sẽ qua mặt được các nhà lập pháp vốn đang trong tình trạng không ai chịu nhường ai. Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen đã cảnh báo rằng chính phủ sẽ cạn tiền vào sau ngày 18/10 nếu trần nợ không được nâng.

Nếu Quốc hội không chịu hành động, Tổng thống Biden sẽ đối mặt với lựa chọn là thực hiện hành động có vẻ vô lý để cứu nền kinh tế hay giảm bớt kế hoạch chi tiêu đáng kể hòng thuyết phục Đảng Cộng hòa hợp tác.

Theo tờ Quartz thì trên thực tế, ông Biden vẫn còn vài phương thức khác như tuyên bố trần nợ là vi hiến hay tạo ra một loại chứng khoán nợ mới. Nhưng đồng xu 1.000 tỷ USD được cho là giải pháp nhẹ nhàng nhất và rõ ràng là được yêu thích nhất trên Twitter. 

Những người ủng hộ đang sử dụng hashtag "MTFC" (viết tắt của "đúc đồng xu đó luôn đi") để kêu gọi ông Biden tránh một cuộc khủng hoảng và những tranh cãi chính trị xung quanh trần nợ.

"Thủ thuật" kế toán?

Dù nghe có vẻ xa vời, nhưng thực tế ý tưởng đồng xu 1.000 tỷ USD đã thu hút nhiều sự chú ý trong năm 2013 đến mức Bộ Tài chính đã phải dứt khoát loại trừ phương án này.

Cựu tổng thống Barack Obama bóng gió về những cuộc trò chuyện nội bộ về đồng xu trong một chương trình podcast tháng 1/2017, khi ông sắp mãn nhiệm: "Chúng tôi đã nhắc đến đủ mọi ý tưởng kỳ quặc khi thảo luận về trần nợ công năm 2013".

Nhưng giải pháp này không hề được các nhà kinh tế học chính thống đón nhận. Phe chỉ trích bao gồm ông Paul Krugman, người đoạt giải Nobel Kinh tế năm 2008. Hồi tháng 3/2020, ông viết rằng ý tưởng dùng đồng xu để giải quyết vấn đề trần nợ là "thủ thuật kế toán" và "sẽ chẳng lừa được ai cả".

Ông Laurence Kotlikoff, Giáo sư kinh tế tại Đại học Boston nhạo báng rằng: "Đây là kiểu suy nghĩ của đất nước thế giới thứ ba. Bản chất của vấn đề này là in tiền để trả nợ của chính phủ. Và khi bạn in đến số tiền nhất định, bạn sẽ tạo ra lạm phát".

Các nhà hoạch định chính sách hiện đang phải vật lộn với áp lực giá cả sau khi chi tiêu tài khóa mạnh tay trong thời kỳ đại dịch. Điều đó đánh dấu sự chấm dứt giai đoạn lạm phát thấp kéo dài trong hầu hết hai thập kỷ qua, tờ AFP cho biết.

Các thành viên Đảng Cộng hòa trong Quốc hội phản đối nâng trần nợ với lý do rằng những đề xuất đầu tư cơ sở hạ tầng khổng lồ của Tổng thống Joe Biden là vô trách nhiệm về mặt tài khóa.

Hiện tại vẫn chưa có giải pháp rõ ràng để giải quyết bất đồng giữa Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ, làm dấy lên khả năng Mỹ có thể vỡ nợ lần đầu tiên trong lịch sử.

Tại sao chưa tổng thống Mỹ nào đúc đồng xu 1.000 tỷ USD để lách trần nợ công? - Ảnh 3.

Đồng xu 1.000.000 tỷ USD

Hôm 28/9, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi kể rằng Hạ nghị sĩ Jerry Nadler than thở ông "muốn có đồng xu 1 triệu tỷ USD mà không cần chờ Quốc hội phê chuẩn".

Ông L. Randall Wray, Giáo sư kinh tế tại Đại học Bard lập luận rằng đồng xu đặc biệt cũng chẳng gì kỳ lạ hơn những chương trình tài chính đặc biệt mà Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) triển khai trong đại dịch, bao gồm việc mua hàng trăm tỷ USD trái phiếu chính phủ và trái phiếu tư nhân.

"Đồng xu là một cách lách luật. Đại khái nó thể hiện rằng bản thân trần nợ là một ý tưởng ngu ngốc", ông Wray nói.

Giáo sư Wray và những chuyên gia khác chỉ ra rằng lượng thanh khoản khổng lồ mà Fed tung ra trong khủng hoảng 2008 đã không khiến lạm phát tăng đột biến.

Đối với ông Matthew Gertz, Giám đốc nghiên cứu của Media Matters for America, câu hỏi không phải là liệu đồng 1.000 tỷ USD có phải quá lớn không, mà là liệu rằng nó đã đủ lớn chưa.

"Đồng 1.000 tỷ USD không ngầu chút nào", ông Gertz viết trên Twitter. "Bạn biết thế nào là ngầu không? Đồng xu 1.000.000 tỷ USD".


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Giang

Trước thềm Diễn đàn Đầu tư Việt Nam: Đầu tư thụ động trong bối cảnh vĩ mô không chắc chắn
Trong năm 2024, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn đang ở mức thấp. 4 ngân hàng quốc doanh có mức huy đông kỳ hạn 12 tháng đang ở mức 4,6%-5,0%. Trong khi đó thị trường trái phiếu, cũng như thị trường bất động sản đều chưa phục hồi, dẫn đến thiếu các kênh đầu tư tài chính hấp dẫn. Lượng tiền gửi trong ngân hàng đang ở mức cao nhất trong lịch sử đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng vào tháng 7/2024.