|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chính phủ toàn cầu đối mặt thách thức lớn khi giá lương thực tăng cao nhất trong gần 50 năm

20:08 | 15/09/2021
Chia sẻ
Từ phát gạo miễn phí cho đến sử dụng biện pháp thương mại, các chính phủ đang tìm cách để kiềm chế giá lương thực hoặc triệt tiêu tác động của giá cả.
Chính phủ toàn cầu đối mặt thách thức lớn khi giá lương thực tăng cao nhất trong gần 50 năm - Ảnh 1.

Một người biểu tình giơ bánh mì do chính phủ trợ cấp trong cuộc biểu tình ở Beirut, Lebanon, vào ngày 2/3. (Ảnh: Bloomberg).

Dù là bánh mỳ hay gạo, các chính phủ trên toàn thế giới đều biết rằng giá thực phẩm tăng cao có thể đi kèm với hậu quả chính trị. Vấn đề nan giải là liệu họ có thể ngăn chặn hậu quả này hay không.

Giá thực phẩm toàn cầu trong tháng 8 tăng 33% so với cùng kỳ năm ngoái, dầu thực vật, ngũ cốc và thịt trên đà đi lên, theo dữ liệu từ Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO).

Hầu như không có khả năng tình hình sẽ được cải thiện khi mà thời tiết khắc nghiệt, chi phí vận chuyển và phân bón tăng cao, tắc nghẽn vận chuyển và thiếu lao động khiến vấn đề càng thêm phức tạp.

Dự trữ ngoại tệ cạn dần đang cản trở khả năng nhập khẩu lương thực của một số quốc gia. Từ Mỹ cho tới Ấn Độ, các chính trị gia đang cấp thêm viện trợ, lệnh cho người bán giảm giá và điều chỉnh các quy tắc thương mại để giảm thiểu tác động đến người tiêu dùng.

Chính phủ toàn cầu đối mặt thách thức lớn khi giá lương thực tăng cao nhất trong gần 50 năm - Ảnh 2.

Vấn đề giá lương thực càng trầm trọng tại các nền kinh tế đang phát triển và các quốc gia đang trong khủng hoảng. Tại Lebanon, nhóm chiến binh Hezbollah đã tăng cường kiểm soát đất nước bằng cách phân phối thực phẩm.

Ngay cả nước giàu như Mỹ cũng đang tìm cách đáp ứng khả năng chi trả thực phẩm, vấn đề ngày càng trở nên cấp bách trong đại dịch COVID-19.

Ông Cullen Hendrix, thành viên cấp cao tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson cho biết: "Các chính phủ có thể can thiệp và cam kết hỗ trợ giá tiêu dùng thấp trong một thời gian. Nhưng họ không thể làm thế mãi".

Chính phủ toàn cầu đối mặt thách thức lớn khi giá lương thực tăng cao nhất trong gần 50 năm - Ảnh 3.

Theo Bloomberg, lạm phát giá lương thực đã thúc đẩy hơn 20 cuộc bạo động tại châu Á, Trung Đông và châu Phi, góp phần dẫn đến phong trào Mùa xuân Arab 10 năm trước. Sự bất mãn đang gia tăng trở lại tại một số nơi.

Bất ổn ở Nam Phi gây ra bởi vụ bắt giữ cựu Tổng thống Jacob Zuma vào tháng 7 đã chuyển sang vấn đề thực phẩm khi người dân cướp phá các cửa hàng tạp hóa và nhà hàng. Tình trạng thiếu hụt thực phẩm ở Cuba đã dẫn đến các cuộc biểu tình lớn nhất trong nhiều thập kỷ.

Theo dữ liệu của FAO, sau khi điều chỉnh cho lạm phát và tính theo cơ sở năm, chi phí thực phẩm hiện nay đang cao hơn hầu hết mọi thời điểm trong 60 năm qua.

Ông Alastair Smith, giảng viên cấp cao tại Đại học Warwick ở Anh cho biết hiện nay các gia đình khó trang trải cho thực phẩm hơn cả năm 2011, khi các cuộc biểu tình ở Trung Đông dẫn tới sự lật đổ các nhà lãnh đạo ở Tunisia, Libya và Ai Cập.

Ông nhấn mạnh: "Hiện nay giá lương thực, thực phẩm cao hơn hầu hết các giai đoạn được ghi chép trong lịch sử hiện đại".

Mỹ: Tăng cường trợ cấp

Đến cả các nước giàu cũng phải đau đầu khi đại dịch tấn công thu nhập của người dân. Tại Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, 8,6% người trả lời cho biết đôi khi họ không có đủ thực phẩm để ăn trong tuần trước khi khảo sát kết thúc vào ngày 30/8.

Tổng thống Joe Biden đang tăng cường hỗ trợ của chính phủ cho người thu nhập thấp và trung bình với mức tăng trợ cấp tem phiếu lớn nhất trong lịch sử.

Việc cho phép tem phiếu được dùng để mua cả hàng tạp hóa là một trong những biện pháp tạm thời để đối phó với đại dịch, ví dụ như giảm trừ thuế cho người nuôi con và mở rộng khả năng tiếp cận đến chương trình thực phẩm tại trường học. Nhưng những người chỉ trích nói rằng trợ cấp của chính phủ như hiện nay là không đủ.

Chính quyền Biden đã tỏ ra lo ngại về giá tiêu dùng tăng cao trong bối cảnh kinh tế phục hồi từ COVID-19. Chính phủ Mỹ đang nhắm vào các công ty đóng gói thịt lớn, tuyên bố hành vi "trục lợi trong đại dịch" đang chèn ép người tiêu dùng cũng như người chăn nuôi.

Nga: Nỗ lực chưa thành

Nhà xuất khẩu ngũ cốc hàng đầu thế giới cho thấy hạn chế của việc điều chỉnh các quy tắc thương mại để kiềm chế giá. Nga áp dụng thuế xuất khẩu lúa mì vào tháng 2, nhưng phải trả giá với việc đánh mất thị phần. Lúa mì của Nga không còn đủ sức cạnh tranh, khiến việc xuất khẩu sang Ai Cập - một trong những khách hàng lớn nhất của nước này - bị thiệt hại.

Trong nội địa, các biện pháp của chính phủ cũng chưa phát huy tác dụng. Lạm phát lương thực đang tiến đến gần mức cao nhất trong 5 năm. Giá lúa mì trong nước tháng 8 đã tăng vọt lên mức hiếm thấy vào thời điểm này trong năm do nông dân và thương nhân không muốn bán.

Ấn Độ: Giảm thuế

Là một trong những quốc gia có dân số thiếu ăn đông nhất, Ấn Độ đang cung cấp nhiều viện trợ hơn các nước khác. Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi đang phân phối 20,4 triệu tấn gạo và lúa mì miễn phí, chi 673 tỷ rupee (9 tỷ USD) trợ cấp ngũ cấp bổ sung để hỗ trợ hơn 800 triệu người.

Ấn Độ cũng đã thực thi các biện pháp thương mại để bảo vệ người tiêu dùng khỏi sự phi mã của giá cả toàn cầu. Chính phủ đã giảm thuế đối với dầu cọ, dầu đậu nành và hướng dương cũng như đậu lăng.

Ấn Độ không phải quốc gia duy nhất dùng thương mại để can thiệp vào thị trường lương thực. Syria đã thắt chặt nhập khẩu các mặt hàng từ pho mát đến hạt điều nhằm bảo vệ nguồn dự trữ ngoại tệ đang ngày càng suy giảm để mua lúa mì.

Argentina và Bolivia đã hạn chế xuất khẩu thịt bò để kiềm chế giá trong nước. Kazakhstan cấm xuất khẩu yến mạch, lúa mạch đen và bổ sung hạn ngạch đối với lúa mì làm thức ăn gia súc.

Giang

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.