Khủng hoảng năng lượng khiến triển vọng kinh tế Trung Quốc càng chênh vênh
Khủng hoảng năng lượng trầm trọng tại Trung Quốc đã khiến hàng loạt nhà máy phải đóng cửa, bao gồm cả những cơ sở cung ứng cho Apple và Tesla. Một số cửa hàng tại vùng đông bắc phải thắp nến, trung tâm thương mại đóng cửa sớm trong bối cảnh gánh nặng kinh tế của thiếu hụt năng lượng chồng chất.
Kể từ tuần trước, việc bắt buộc cắt giảm điện năng tiêu thụ đã được áp dụng tại nhiều khu vực ở vùng đông bắc Trung Quốc. Cư dân tại các thành phố bao gồm Trường Xuân phản ánh rằng các đợt cắt điện diễn ra ngày càng sớm hơn và kéo dài lâu hơn, truyền thông địa phương đưa tin.
Hôm 27/9, tập đoàn lưới điện State Grid cam kết đảm bảo cung cấp điện cơ bản và tránh cắt điện
Giới phân tích cho biết khủng hoảng thiếu của tại Trung Quốc đã gây hại cho sản xuất công nghiệp ở một số khu vực và đè nặng lên triển vọng tăng trưởng kinh tế.
Tác động đối với các hộ gia đình xảy ra đúng lúc nhiệt độ vào ban đêm ở các thành phố cực bắc của Trung Quốc giảm xuống mức gần như đóng băng. Cơ quan Quản lý Năng lượng Quốc gia Trung Quốc (NEA) đã yêu cầu các công ty than và khí đốt tự nhiên đảm bảo cung cấp đủ năng lượng để giữ ấm cho các ngôi nhà trong mùa đông.
Tỉnh Liêu Ninh cho biết sản lượng điện đã giảm đáng kể kể từ tháng 7, và khoảng cách nguồn cung đã mở rộng đến "mức nghiêm trọng" vào tuần trước. Tỉnh đã phải mở rộng khu vực cắt điện từ khu công nghiệp đến cả khu dân cư.
Thành phố Hồ Lô Đảo yêu cầu cư dân không dùng các thiết bị điện tử tiêu tốn nhiều năng lượng như lò vi sóng trong thời gian cao điểm. Người dân sống tại thành phố Cáp Nhĩ Tân ở tỉnh Hắc Long Giang nói với Reuters rằng nhiều trung tâm mua sắm đang đóng cửa sớm hơn thời gian bình thường vào 4h chiều.
Thiếu hụt điện gây bất an cho thị trường chứng khoán Trung Quốc đúng lúc nền kinh tế thứ hai thế giới đang cho thấy dấu hiệu giảm tốc. Kinh tế Trung Quốc đang vật lộn với những hạn chế đối với lĩnh vực bất động sản và công nghệ cũng như lo ngại xung quanh tương lai của Evergrande.
Sản lượng hao hụt
Nguồn cung than khan hiếm và tiêu chuẩn khí thải ngày càng khắt khe đã gây ra tình trạng thiếu hụt năng lượng tại Trung Quốc.
Trung Quốc cam kết cắt giảm khoảng 3% cường độ năng lượng trong năm 2021 để đáp ứng các mục tiêu khí hậu. Các chính quyền tỉnh cũng đã tăng cường thực thi các biện pháp hạn chế khí thải trong những tháng gần đây sau khi chỉ 10 trong số 30 khu vực tại đại lục đạt được mục tiêu năng lượng trong nửa đầu năm.
Thiếu hụt năng lượng đã tác động đến nhà sản xuất tại các trung tâm công nghiệp quan trọng ở bờ biển phía đông và phía nam trong nhiều tuần nay. Một số nhà cung cấp quan trọng của Apple và Tesla đã ngưng sản xuất tại vài nhà máy.
Ít nhất 15 doanh nghiệp Trung Quốc đã viết trong báo cáo gửi lên cơ quan chứng khoán rằng việc sản xuất bị gián đoạn bởi hạn chế năng lượng. Hơn 30 công ty niêm yết ở Đài Loan có hoạt động tại Trung Quốc đại lục đã ngừng việc để tuân thủ giới hạn năng lượng.
Ngành thép, nhôm và xi măng cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi việc hạn chế sản lượng. Các nhà phân tích của Morgan Stanley viết trong lưu ý đầu tuần rằng khoảng 7% năng lực sản xuất nhôm đang bị kìm hãm và 29% sản lượng xi măng quốc gia bị ảnh hưởng. Giấy và thủy tinh là hai ngành tiếp theo có thể gặp gián đoạn.
Các nhà sản xuất hóa chất, thuốc nhuộm, đồ nội thất và bã đậu nành cũng đã bị ảnh hưởng.
GDP chịu đòn
Tình trạng thiếu điện đã khiến một số nhà phân tích hạ triển vọng tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc trong năm 2021.
Nomura lần lượt hạ dự báo tăng trưởng GDP quý III và IV từ 5,1% và 4,4% xuống còn 4,7% và 3%. Dự đoán cho cả năm giảm từ 8,2% xuống còn 7,7%.
Các nhà phân tích của Nomura viết: "Cú sốc về nguồn cung điện ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - đồng thời là nhà sản xuất lớn nhất - sẽ lan rộng và tác động đến thị trường toàn cầu". Lưu ý ngày 24/9 còn cảnh báo rằng nguồn cung hàng dệt may, đồ chơi và phụ tùng máy móc toàn cầu có thể chịu ảnh hưởng.
Morgan Stanley nhận định nếu việc cắt giảm sản lượng kéo dài, tăng trưởng kinh tế quý IV của Trung Quốc có thể giảm 1 điểm %.
Tuần trước, các nhà sản xuất than lớn ở Trung Quốc đã họp để tìm cách giải quyết tình trạng thiếu hụt và hạn chế tăng giá.