|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

iPhone, Tesla lo sốt vó khi Trung Quốc siết cung cấp điện sản xuất

17:42 | 27/09/2021
Chia sẻ
Theo Nikkei Asia, một số nhà cung cấp chính của Apple và Tesla đã tạm dừng sản xuất tại các cơ sở ở Trung Quốc để tuân thủ chính sách thắt chặt tiêu thụ năng lượng của Bắc Kinh.

Việc một số đối tác tạm ngừng sản xuất khiến chuỗi cung ứng bị gián đoạn trong thời kỳ cao điểm của nhiều sản phẩm công nghệ, có thể kể đến iPhone 13 vừa ra mắt của hãng Apple. 

Chi nhánh Eson Precision Engineering của Foxconn - nhà lắp ráp iPhone lớn nhất thế giới và cũng là nhà cung cấp các bộ phận cơ khí quan trọng cho Apple và Tesla cho biết họ đã tạm ngừng sản xuất từ 26/9 đến 1/10 tại các cơ sở ở thành phố Côn Sơn, Trung Quốc. Động thái này đến sau khi chủ trương ngừng cung cấp điện phục vụ công nghiệp của thành phố được đưa ra. 

"Công ty sẽ tận dụng hàng tồn kho của mình để duy trì hoạt động trong khi sản xuất tạm dừng", Eson cho biết trong một hồ sơ gửi lên sàn chứng khoán Đài Loan. 

"Chúng tôi dự kiến sắp xếp sản xuất vào cuối tuần hoặc trong những ngày lễ trong tháng tới để đáp ứng nhu cầu của khách hàng", chi nhánh này thông báo thêm.

Việc Trung Quốc thắt chặt tiêu thụ năng lượng xuất phát từ nhiều lý do. Bên cạnh việc giá than và khí đốt tự nhiên tăng cao, Bắc Kinh cũng đang cắt giảm lượng khí thải và sự gia tăng nhu cầu năng lượng, điều này gây ra tác động đến một loạt các ngành công nghiệp. 

Động thái mới của Bắc Kinh xảy ra đúng thời điểm thị trường tài chính toàn cầu đang bị rung chuyển bởi cuộc khủng hoảng nợ nhấn chìm đại gia bất động sản Trung Quốc China Evergrande Group. 

iPhone, Tesla lo sốt vó khi Trung Quốc siết cung cấp điện sản xuất - Ảnh 1.

Hoạt động sản xuất iPhone 13 đang bị ảnh hưởng bởi các chính sách mởi từ phía Bắc Kinh. (Ảnh: Nikkei Asia).

Unimicron Technology, một nhà cung cấp bảng mạch in chính của Apple cho biết các công ty con của họ tại các thành phố Tô Châu và Côn Sơn thuộc tỉnh Giang Tô, Trung Quốc cũng cần ngừng sản xuất từ trưa 26/9 cho đến cuối tháng 9. 

Công ty này cho biết họ sẽ tăng cường sản xuất tại các địa điểm sản xuất khác của mình để giảm thiểu tác động. Trong khi đó, nhà cung cấp linh kiện loa iPhone, Concraft Holding thông báo nhà máy tại Tô Châu cũng sẽ phải đóng cửa đến thứ Năm.

Nhà lắp ráp iPhone, Pegatron thông tin với tờ Nikkei Asia rằng các cơ sở của họ vẫn hoạt động bình thường vào thời điểm hiện tại, nhưng đã chuẩn bị sẵn máy phát điện nếu công ty nhận được thông báo từ chính quyền thành phố. Cho đến nay, các cơ sở sản xuất của Foxconn ở Longhua, Guanlan, Taiyuan và Zhengzhou (những khu phức hợp sản xuất iPhone lớn nhất thế giới) vẫn chưa bị ảnh hưởng bởi các quy định hạn chế cung cấp điện. 

Không may mắn như vậy, một số nhà cung cấp dịch vụ đóng gói và thử nghiệm chip cho Intel, Nvidia và Qualcomm cũng nhận được thông báo tạm dừng sản xuất tại các cơ sở của họ ở Giang Tô trong vài ngày. 

Bên cạnh đó, do một số tỉnh của Trung Quốc đưa ra chính sách cắt giảm điện, có thể gây ra tác động không nhỏ đối với chuỗi cung ứng linh kiện ô tô và chip công nghệ toàn cầu - lĩnh vực vốn đang chịu ảnh hưởng chưa từng có do đại dịch COVID-19 càn quét Việt Nam và Malaysia.

Chính sách này được Bắc Kinh đưa ra gần đây nhắm mục tiêu vào các tỉnh như Liêu Ninh, Cát Lâm và Hắc Long Giang - những nơi không giảm được tổng mức tiêu thụ năng lượng. Bên cạnh đó, Bắc Kinh đã cam kết sẽ đưa ra các hình phạt nghiêm khắc khi các địa phương này không đạt mục tiêu đề ra. 

Giang Tô, Chiết Giang và Quảng Đông là các tỉnh có nhiều nhà sản xuất công nghệ đặt trụ sở cũng nằm trong số những địa phương bị hạn chế cung cấp điện công nghiệp. Nhiều doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ cũng cảm thấy sức ép về năng lượng khi các chính quyền địa phương tìm cách thực hiện với chính sách mới của Bắc Kinh. 

"Chúng tôi cũng nhận được thông báo rằng điện sẽ bị cắt từ ngày 25 đến 28/9 hàng ngày từ 8 giờ sáng đến nửa đêm", một nhà cung cấp thiết bị điện tử có trụ sở tại Đông Quan nói với Nikkei Asia. 

"Chúng tôi chỉ có thể yêu cầu các công nhân trong dây chuyền sản xuất của mình làm ca đêm để gấp rút thực hiện đơn hàng", đại diện nhà cung cấp này cho biết thêm.

Chính sách mới của Bắc Kinh không chỉ tác động tới linh kiện điện tử. Các ngành công nghiệp truyền thống bao gồm sản xuất than và thép cũng như sản xuất hàng điện tử vốn chiếm một phần lớn tổng xuất khẩu của Trung Quốc vào năm 2020. 

Chưa kể, việc Trung Quốc thắt chặt cung cấp điện có thể gây gián đoạn chuỗi cung ứng sản phẩm công nghệ trong nhiều tháng tới - thời điểm bận rộn nhất trong năm của các nhà sản xuất, chạy đua để đáp ứng nhu cầu Giáng sinh.

Tuần trước, ông Tập Cận Bình đã nói với Đại hội đồng Liên Hợp Quốc rằng Trung Quốc sẽ không xây dựng bất kỳ nhà máy chạy bằng nhiên liệu than nào trong tương lai vì đất nước của ông đang hướng tới chuyển đổi sang năng lượng xanh. 

Thùy Trang