Các hãng thiết bị điện tử toàn cầu chưa thoát bể khổ: Đã thiếu chip lại còn vớ phải hàng giả, kém chất lượng
Đã thiếu chip còn mua phải hàng nhái
Các nhà sản xuất thiết bị điện tử trên toàn thế giới đang phải gồng mình xoay xở trước cuộc khủng hoảng nguồn cung chip chưa từng có trong lịch sử.
Họ buộc phải chuyển sang các kênh cung ứng mới để đáp ứng nhu cầu, song không ít doanh nghiệp lại gặp khó khăn với chất bán dẫn nhái, kém chất lượng hoặc là hàng tái sử dụng.
Ông Junichi Fujioka, Giám đốc Điều hành của nhà sản xuất thiết bị điện tử Nhật Bản Jenesis, đã kinh qua thảm cảnh này, theo Nikkei Asia.
Do không thể mua được máy vi tính từ các nhà cung ứng vốn có, nhà máy của Jenesis ở miền nam Trung Quốc đã đặt hàng thông qua sàn thương mại điện tử Alibaba. Tuy nhiên, khi máy vi tính đến, người ta không thể mở máy lên.
Theo yêu cầu của Jenesis, một chuyên gia đã kiểm tra và phát hiện thông số của lô máy vi tính hoàn toàn khác với những gì công ty Nhật Bản này đặt hàng, mặc dù tên nhà sản xuất trên sản phẩm có vẻ là hàng chính hãng.
Jenesis, vốn đã thanh toán cho đơn hàng từ trước, đang cố gắng liên lạc với nhà cung ứng trong vô vọng.
Câu chuyện của Jenesis là một bài học cảnh giác dành cho các nhà sản xuất hàng điện tử bị dụ mua "chip phân phối", tức tồn kho chip được bán bởi các nguồn không chính thống, khác với hàng của nhà sản xuất hay nhà phân phối được ủy quyền. Các sản phẩm chip này không được nhà sản xuất bảo hành và thường không rõ chúng đã được lưu trữ ở đâu, như thế nào.
Một số còn được lấy từ các thiết bị điện tử đã bị vứt đi và được "mông má" thành chip mới, hoặc có thể là các sản phẩm không đạt tiêu chuẩn chất lượng và lẽ ra phải bị tiêu hủy, các chuyên gia cảnh báo. Cũng có một số trường hợp khi tên nhà sản xuất hoặc thông số trên bao bì bị làm giả.
Dịch vụ thẩm định chip ra đời
Do chip giả ngày càng trở nên phổ biến, một ngành nghề kinh doanh mới đã ra đời. Oki Engineering - một công ty con của Oki Electric Industry (Nhật Bản), đang cung cấp dịch vụ thẩm định chip để giúp các hãng thiết bị điện tử loại bỏ chip lỗi trước khi lắp ráp vào sản phẩm.
Văn phòng của Oki Engineering đang tiếp nhận một lượng lớn các linh kiện nghi là hàng giả. Gần 20 kỹ sư sẽ đưa chúng qua một loạt máy laser, kính hiển vi, tia X và những máy móc khác để kiểm tra.
Quy trình kiểm tra sẽ bao gồm làm tan chảy vỏ chip hoặc vỏ bọc bên ngoài của linh kiện, kiểm tra logo của nhà sản xuất cũng như xem xét những dấu vết còn sót lại trên chip và các đặc tính vật lý khác.
Chỉ cần thiếu một linh kiện cũng có thể gây cản trở quá trình sản xuất, các hãng thiết bị điện tử đang rất chật vật đảm bảo nguồn cung chất bán dẫn. Song, một khi chip giả được lắp vào thiết bị, không ai có thể quay ngược thời gian, Chủ tịch Masaaki Hashimoto của Oki Engineering nhấn mạnh.
"Rất nhiều nhà sản xuất máy móc điện tử mong muốn loại bỏ linh kiện lỗi từ trong trứng nước thông qua dịch vụ thẩm định", ông Hashimoto cho hay.
Oki Engineering bắt đầu cung cấp dịch vụ kiểm tra chip vào tháng 6 năm nay và tính đến tháng 8, công ty đã nhận được khoảng 150 yêu cầu từ khách hàng, chủ yếu là từ các cơ sở sản xuất máy móc công nghiệp và thiết bị y tế. Sau khi kiểm tra khoảng 70 trường hợp, các kỹ sư phát hiện tỷ lệ chip có vấn đề rơi vào khoảng 30%.
Một dấu hiệu đáng chú ý là trên vỏ ngoài của con chip. Thông thường, trên vỏ chip sẽ khắc một dấu tròn nhỏ để chỉ cách lắp chip. Oki Engineering cho biết, các sản phẩm giả thường sẽ khắc dấu tròn ở sai vị trí.
Hoặc một dấu hiệu khác là sự bất thường ở khung dẫn kết nối chip silicon với bảng mạch in. Cũng có thể nhà cung ứng chip giả sẽ in số mới vào phần trên của vỏ chip để ngụy tạo ngày sản xuất thực tế.
Trước khi chính thức ra mắt dịch vụ vào tháng 6, Oki Engineering đã thẩm định chip theo yêu cầu của một số khách hàng cá nhân. Xu hướng này bắt đầu tăng lên vào mùa thu năm ngoái, sau khi Bộ Thương mại Mỹ hạn chế xuất khẩu chip sử dụng công nghệ Mỹ cho Huawei Technologies.
Động thái của Washington buộc Huawei phải tích trữ càng nhiều chip càng tốt, từ đó gây khan hiếm nguồn cung và mở ra cánh cửa cho nhiều nhà cung ứng chip mới xuất hiện.
Ngoài thương chiến Mỹ - Trung, nhu cầu về chip còn bùng nổ do một số yếu tố khác như doanh số bán máy tính cá nhân và nhu cầu xe điện tăng cao cũng như do sự xuất hiện của công nghệ 5G.
Taiwan Semiconductor Manufacturing (TSMC), nhà sản xuất chất bán dẫn lớn nhất thế giới, dự báo rằng tình trạng thiếu hụt chip sẽ tiếp tục kéo dài cho đến khoảng năm 2023. Trong kịch bản này, các hãng thiết bị điện tử không còn cách nào khác ngoại trừ việc phải thật sự cảnh giác.