Giữa khủng hoảng chip, COVID-19, giá cước vận tải biển leo thang, Việt Nam vẫn quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu
Ngày 7/9, Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Mỹ tại Hà Nội (AmCham), ông Adam Sitkoff trả lời phỏng vấn Bloomberg về những thách thức doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam đang phải đối mặt cũng như những thương hiệu toàn cầu vật lộn để gỡ rối chuỗi cung ứng.
Theo ông Adam Sitkoff, làn sóng dịch chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam để đa dạng chuỗi cung ứng vẫn đang diễn ra cho đến khi biến chủng Delta xuất hiện.
Mỹ có nhiều doanh nghiệp đa ngành nghề hoạt động tại Việt Nam tuy nhiên hiện phần lớn đã phải tạm thời đóng cửa, hoặc nếu không thì hoạt động cũng giảm đi đáng kể.
"Nếu mọi người muốn mua sắm cho các kỳ nghỉ lễ cuối năm thì có lẽ nên đặt hàng từ bây giờ. Bởi chắc chắn nguồn cung hàng hoá và nhiều thành phẩm khác sẽ thiếu hụt thời gian ngắn tới", ông nhận định.
Đại diện AmCham thừa nhận các doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam đang gặp khá nhiều khó khăn. Một số buộc phải sa thải lao động, nhiều nhà máy đình trệ sản xuất, còn các doanh nghiệp tiếp tục hoạt động thì đang phải chịu thêm chi phí rất cao và trong điều kiện rất khó khăn.
Ông nêu ví dụ nhiều nhà sản xuất Mỹ đã phải trả gấp 3 lần chi phí thông thường cho mỗi công nhân, để có được một nửa nhân sự làm việc.
"Như vậy, bạn có thể hình dung những khoản phí mà chuỗi cung ứng đang phải gánh chịu và đừng quên giá cước vận tải đã lên mức kỷ lục", ông Adam Sitkoff nói thêm.
Việt Nam đã vượt qua nhiều giai đoạn khó khăn để trở thành một trong những nền kinh tế có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới. Năm ngoái Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng nhanh nhất khu vực châu Á.
Giám đốc AmCham cho rằng ngay cả khi chuỗi cung ứng gặp khó và nhiều nhà máy phải đóng cửa, xét về khía cạnh kinh tế, Việt Nam vẫn đang làm rất tốt và đang ngày càng trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt tác động lớn đến tiêu dùng ở Mỹ.
"Chúng tôi kỳ vọng Việt Nam sẽ ngày càng thu hút nhiều doanh nghiệp hơn nữa. Tuy nhiên COVID-19 gây nhiều cản trở. Rất khó để nhà đầu tư đưa ra quyết định đầu tư qua các nền tảng online như Zoom. Việc chuyển dịch chuỗi cung ứng cũng không phải là điều đơn giản. Tôi làm việc với rất nhiều doanh nghiệp, và tôi chưa từng thấy ai cười tươi và thông báo rằng họ phải chuyển dịch chuỗi cung ứng của mình sang nơi khác cả".
Ông Adam Sitkoff cũng không tin rằng Trung Quốc sẽ mất đi vị thế công xưởng của thế giới. Dù vậy, những quốc gia như Việt Nam có thể hưởng lợi nhiều từ chuỗi cung ứng hay các khoản đầu tư đổ vào
"Đây là giai đoạn đầy thử thách. Tôi chưa bao giờ chứng kiến sự gián đoạn như vậy trong thương mại quốc tế. Tôi thấy rằng doanh nghiệp bắt đầu lựa chọn vận chuyển bằng đường hàng không, thay vì dùng container và vận chuyển bằng đường biển vì chi phí rẻ hơn và cũng tiết kiệm thời gian hơn. Đây là những điều chưa từng xảy ra trong quá khứ.
Như Việt Nam có 4 hãng hàng không thì nay đều không chở khách mà vận chuyển hàng hóa đi khắp thế giới. Việc này cũng đang xảy ra ở khắp mọi nơi. Hy vọng rằng những vấn đề này sẽ sớm được giải quyết".
Ông nêu ví dụ điển hình nhất chính là cuộc khủng hoảng chip đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu.
"Hãy thử tượng tượng nếu bạn đang cần sản xuất một chiếc quần jean thôi, nếu bạn không nhập được khóa kéo, điều gì sẽ xảy ra? Đứt gãy chuỗi cung ứng ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp".
"Những gì doanh nghiệp đang cố gắng làm chỉ là đảm bảo việc đóng cửa và các đứt gãy do COVID-19 sẽ gây ảnh hưởng ở mức tối thiểu đến hoạt động kinh doanh", ông Adam Sitkoff nói.