|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Số F0 theo ngày gần bằng TP HCM, tỉnh năng động nhất nhì cả nước nguy cơ tụt lại trên đường đua tăng trưởng

07:30 | 19/08/2021
Chia sẻ
Bình Dương - "thủ phủ" công nghiệp năng động nhất nhì cả nước đang đứng trước nguy cơ dịch lan rộng. Tỉnh đến nay tỉnh ghi nhận hơn 52.000 ca mắc COVID-19, chiếm 1/3 số ca của TP HCM trong khi quy mô dân số chỉ bằng 1/5.

Nằm ở vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ, Bình Dương có sự phát triển nhanh chóng 5 năm qua, vươn lên trở thành một trong những tỉnh có thu nhập cao hàng đầu cả nước. 

GRDP của Bình Dương tăng trung bình 9,35% trong giai đoạn 2015-2020, thu nhập bình quân đầu người vượt 155 triệu đồng/năm.

Hiện tại, tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu kinh tế (GRDP) của Bình Dương chiếm 66,53%, trong khi dịch vụ và nông nghiệp chiếm khoảng 25%. Với chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng trung bình 9,64%/năm, Bình Dương vươn lên lọt top các tỉnh có tỷ trọng công nghiệp cao nhất cả nước.

Trong 5 năm tới, Bình Dương phấn đấu GRDP tăng bình quân 8,5-8,7%/năm. Cơ cấu kinh tế với tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ chiếm trên 90%. GRDP bình quân đầu người đạt 210-215 triệu đồng vào năm 2025. Tỉnh cũng kỳ vọng thu hút 9 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài.

Bình Dương nguy cơ siêu quá tải, tỉnh năng động nhất nhì cả nước liệu có trụ vững trước COVID-19? - Ảnh 1.

Bình Dương là một trong những tỉnh có tỷ trọng công nghiệp cao nhất cả nước. (Ảnh: Báo Đầu tư).

Tham vọng của Bình Dương hoàn toàn có cơ sở và mục tiêu nói trên cũng không phải quá xa vời nếu xét đến tiềm lực phát triển, đặc biệt là những thành tựu 5 năm qua về hạ tầng, thu hút vốn đầu tư nước ngoài. 

Tuy nhiên, làn sóng dịch mới với biến chủng Delta đang làm đảo lộn mọi kế hoạch. "Thủ phủ" công nghiệp năng động nhất nhì cả nước đang đứng trước nguy cơ dịch lan rộng, với số ca nhiễm mới những ngày gần đây gần bằng số ca ở TP HCM dù quy mô dân số chỉ bằng 1/5.

Tỷ lệ F0 đang tăng cao

Tỉnh phát hiện ca nhiễm đầu tiên hôm 31/5. Chưa đầy một tháng sau đó, số ca mới trong ngày vượt mốc 1.000. Từ đầu tháng 8 đến nay, Bình Dương thường xuyên ghi nhận số ca tăng cao trong khoảng 2.000 – 3.000 ca. Đáng chú ý hôm 17/8, địa phương này thông báo có thêm 3.332 bệnh nhân, gần bằng với số ca trong ngày của TP HCM.

Nhìn vào biểu đồ so sánh số ca mắc COVID-19 theo ngày trong một tháng gần đây ở TP HCM và Bình Dương, dễ dàng nhận thấy số ca ở Bình Dương đang có xu hướng tăng nhanh.

Báo cáo mới nhất của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Bình Dương cho biết tỷ lệ F0 đang tăng cao ở thành phố Thuận An, thị xã Tân Uyên và một số khu vực khác.

Đặc biệt là “vùng đỏ” thành phố Thuận An - vùng sản xuất công nghiệp tập trung nhiều nhà máy và công nhân lao động được cho là tâm dịch trên địa bàn tỉnh.

Bình Dương - Ảnh 1.

Bình Dương - Ảnh 2.

Tính toán từ số liệu mà ông Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế Bình Dương cung cấp tại buổi làm việc của Bộ Y tế với tỉnh chiều 17/8, có thể thấy các ca bệnh mới chủ yếu ghi nhận trong khu cách ly, phong tỏa, các ca cộng đồng chiếm tỷ lệ thấp (khoảng 15% kể từ đầu dịch thứ 4).

Các ca trong cộng đồng chiếm tỷ lệ thấp rõ ràng là điều đáng mừng bởi sẽ giúp giảm nguy cơ dịch lan nhanh. Tuy nhiên, xét trong bối cảnh dịch đang diễn biến phức tạp, mỗi ngày ghi nhận hàng nghìn ca nhiễm, việc ca nhiễm tăng dù trong khu phong tỏa hay khu cách ly đều có khả năng gây nguy cơ quá tải cho hệ thống y tế.

Năng lực y tế có đủ đáp ứng nhu cầu bệnh nhân?

Chia sẻ với báo chí hôm qua 18/8, ông Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế Bình Dương cho biết, các cơ sở đang điều trị cho khoảng 28.000 - 30.000 bệnh nhân COVID-19. Ông Chương thừa nhận, lúc này, Bình Dương đang đối diện với tình trạng siêu quá tải.

Bình Dương hiện có 21 khu điều trị bệnh nhân COVID-19, đáp ứng nhu cầu điều trị cho 17.240 bệnh nhân. Tỉnh liên tục đưa vào hoạt động, mở rộng các khu điều trị dã chiến, các bệnh viện dã chiến ở các huyện “vùng xanh”; huy động thêm 4 bệnh viện đa khoa tư nhân tham gia điều trị.

Bình Dương nguy cơ siêu quá tải, tỉnh năng động nhất nhì cả nước liệu có trụ vững trước COVID-19? - Ảnh 4.

Nhân viên y tế Bình Dương lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc COVID-19. (Ảnh: Đỗ Trường/ Thanh niên).

Với sự chi viện nhân lực y tế từ Bộ Y tế và các địa phương, Bình Dương nhiều khả năng có thể đưa số giường điều trị lên trên 30.000 giường, đủ sức đáp ứng nhu cầu điều trị người bệnh trong tỉnh. Tuy nhiên trong kịch bản xấu, số ca mới tăng nhanh trong thời gian ngắn, số bệnh nhân có thể vượt quá số giường điều trị, khi ấy Bình Dương sẽ phải đối mặt nhiều vấn đề. 

Về điều trị, tỉnh cũng đã phân 3 tầng điều trị bệnh nhân COVID-19. Tầng 1 có 11 cơ sở điều trị với khoảng 6.500 giường, điều trị bệnh nhân nhẹ hoặc không có triệu chứng. Tầng 2 có 10 cơ sở điều trị với 10.640 giường, điều trị bệnh nhân có triệu chứng trung bình, có bệnh nền.

Ngoài ra, Bình Dương xây dựng 2 cơ sở điều trị với 637 giường tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Trung tâm ICU Becamex để điều trị bệnh nhân nặng ở tầng 3. 

Giám đốc Sở Y tế Bình Dương cho biết với tổng số ca mắc COVID-19 tiếp tục tăng cao thì việc cần thiết lúc này là có thêm giường bệnh, đặc biệt là giường bệnh cho các F0 nhẹ, không triệu chứng cần sớm thu dung cách ly, điều trị ngay, hạn chế bệnh nhân trở nặng gây áp lực cho các tuyến trên.

Hiện Bộ Y tế vẫn tiếp tục hỗ trợ Bình Dương thuốc kháng đông và kháng viêm. Riêng thuốc điều trị Remdisivir, Bộ Y tế sẽ lo toàn bộ cho địa phương. Bộ cũng điều động các y bác sĩ vào hỗ trợ Bình Dương về điều trị.

Không chỉ hệ thống y tế quá tải, doanh nghiệp, người lao động cũng chồng chất khó khăn

Theo báo cáo tình hình kinh tế xã hội 7 tháng đầu năm 2021 của Bình Dương, đến ngày 15/7, 353 doanh nghiệp giải thể, tăng 48,3% so với cùng kỳ; số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh là 764 doanh nghiệp, tăng 34% so với cùng kỳ.

Còn về trụ cột công nghiệp, số liệu thống kê tháng 7 cho thấy hoạt động sản xuất công nghiệp trong tháng 7 của tỉnh chậm lại, giảm 2,8% so với tháng trước

Các con số thống kê nói trên chưa phản ánh đầy đủ những tác động tiêu cực của dịch lên Bình Dương, do số liệu tính đến giữa tháng 7 - thời điểm dịch tại Bình Dương chưa quá phức tạp.

Bình Dương nguy cơ siêu quá tải, tỉnh năng động nhất nhì cả nước liệu có trụ vững trước COVID-19? - Ảnh 5.

Một doanh nghiệp ở Bình Dương thực hiện "3 tại chỗ". (Ảnh: Đỗ Trường/Thanh niên).

Còn với những doanh nghiệp vẫn đang cầm cự được, tình cảnh của họ cũng khó khăn hơn bao giờ. Ngoài việc vẫn phải hoạt động để có doanh thu, các doanh nghiệp đang gánh thêm nhiều chi phí khi duy trì sản xuất theo phương án “3 tại chỗ” và “1 cung đường, 2 điểm đến”.

Việc lo chỗ ăn, ở cho lượng lớn công nhân là một thách thức không nhỏ. Ngoài ra, chi phí xét nghiệm cũng khiến doanh nghiệp tiêu tốn khoản tiền lớn. Một lần xét nghiệm có giá 150.000 đồng, nếu một nhà máy có 500 công nhân, thì sẽ phải mất khoảng 75 triệu đồng cho chi phí xét nghiệm. Số tiền phải chi này không dừng lại ở đó, vì việc xét nghiệm cần được thực hiện nhiều lần do virus SARS-CoV-2 có thời gian ủ bệnh dài.

Hơn nữa, khi đủ điều kiện hoạt động thì cũng không rõ may mắn này kéo dài được bao lâu bởi nguy cơ dịch bệnh luôn rình râp. 

Thực tế thời gian qua cho thấy, Bình Dương đã có hàng chục doanh nghiệp phải tạm thời ngừng sản xuất do có nhiều ca dương tính, trong đó nhiều nhà máy bị phong tỏa để ngành y tế truy vết dập dịch.

Tăng trưởng kinh tế khó vút cao

Bình Dương nguy cơ siêu quá tải, tỉnh năng động nhất nhì cả nước liệu có trụ vững trước COVID-19? - Ảnh 6.

Bình Dương đưa ra hai kịch bản tăng trưởng năm nay. (Ảnh: T.T./ Thanh niên).

Bức tranh kinh tế Bình Dương những tháng cuối năm sẽ nhiều gam màu tối hơn trong bối cảnh số ca nhiễm trên địa bàn chưa giảm, dịch diễn biến khó lường và đặc biệt TP HCM chưa kiểm soát được dịch. Chính phủ đặt mục tiêu kiểm soát COVID-19 ở Bình Dương trước 1/9, như vậy Bình Dương còn khoảng 2 tuần nữa để chạy đua với thời gian.

Đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vẫn là giải pháp được nhắc đi nhắc lại nhiều lần để cản đà lây lan của dịch, là cơ sở để xem xét nới lỏng dần các hoạt động. Theo kế hoạch, Bình Dương sẽ tiêm cho khoảng 1 triệu người.

Cập nhật tiến độ, theo Báo Bình Dương, Giám đốc Sở Y tế Bình Dương ngày 17/8 cho biết tỉnh được Bộ Y tế phân bổ vắc xin với số lượng 544.060 liều. Tính đến ngày 11/8, Bình Dương đã cơ bản hoàn thành việc tiêm số lượng vắc xin nêu trên. 

COVID-19 đe dọa 'thủ phủ' công nghiệp năng động nhất nhì cả nước, liệu Bình Dương có lặp lại kịch bản của TP HCM? - Ảnh 3.

Về tăng trưởng những tháng cuối năm, Sở KH&ĐT mới đây cũng đã đưa ra hai kịch bản.

Cụ thể ở kịch bản 1, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp kỳ vọng được phục hồi nhanh chóng trong trường hợp dịch bệnh được kiểm soát trong tháng 10 (tức đạt mục tiêu tiêm ngừa trên 95% dân số để tiệm cận miễn dịch cộng đồng và tình hình kiểm soát dịch bệnh của các tỉnh trong vùng đồng loạt được kiểm soát tốt).

Với kịch bản này, nếu chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh được phục hồi ở mức trên 8%, xuất khẩu được duy trì tăng trên 26%, tổng mức đầu tư xã hội đạt trên 14%... thì dự kiến tốc độ tăng trưởng GRDP sẽ đạt khoảng 7%, thấp hơn kế hoạch 8,5 - 8,7%.

Kịch bản 2 giả định đến tháng 12 mới kiểm soát được dịch. Theo đó, chỉ số sản xuất công nghiệp chỉ phục hồi ở mức trên 7,8%, xuất khẩu được duy trì tăng khoảng 12%, tổng mức đầu tư xã hội đạt trên 12,3%... dự kiến tốc độ tăng trưởng GRDP chỉ đạt khoảng 6,4%, và thấp hơn kế hoạch 8,5 - 8,7%.

Như vậy trong cả hai kịch bản, Bình Dương lường trước khó có thể đạt tốc độ tăng trưởng như mục tiêu ban đầu đã đề ra.

Anh Đào

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.