|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Nóng cuộc đua sản xuất vắc xin nội: Muốn thắng lớn phải tăng tốc thật nhanh

14:44 | 13/08/2021
Chia sẻ
Trong bối cảnh một liều vắc xin COVID-19 quý giá hơn bao giờ, việc nghiên cứu, sản xuất vắc xin COVID-19 đang được đẩy nhanh tiến độ với hy vọng tự chủ nguồn cung càng sớm càng tốt, từ đó sớm khống chế được dịch.

Giữa lúc dịch COVID-19 với biến chủng Delta càn quét khắp thế giới và chưa tìm được thuốc đặc trị, vắc xin được coi là giải pháp duy nhất giúp chặn đà lây nhiễm, dần khôi phục cuộc sống trở lại bình thường và là điều kiện để xem xét mở cửa trở lại nền kinh tế.

Với Việt Nam, song song với đàm phán, nhập khẩu vắc xin ngoại, ở trong nước, cuộc chạy đua sản xuất vắc xin nội cũng nóng hơn bao giờ.

Ngày 15/8, tiếp tục họp thẩm định, xem xét việc cấp phép khẩn cấp Nanocovax

Việt Nam hiện có hai ứng viên vắc xin COVID-19 tiềm năng nhất là Nanocovax do Công ty CP Sinh học Dược Nanogen (Nanogen) nghiên cứu và Covivac của Viện Vắc xin và Sinh phẩm Y tế (IVAC).

Nanocovax đang chạy nhanh hơn so với đối thủ còn lại, vắc xin này đã hoàn tất giai đoạn 3a thử nghiệm trên 1.000 người. Chỉ hai ngày nữa (15/8), Hội đồng đạo đức trong Nghiên cứu y sinh học, Bộ Y tế sẽ họp lần hai để thẩm định, xem xét việc cấp phép khẩn cấp cho Nanocovax.

Còn tại cuộc họp hôm qua 12/8, Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu sớm có vắc xin tự sản xuất trong nước, nếu mọi việc suôn sẻ thì ngay trong tháng 9 sẽ có.

Nóng cuộc đua sản xuất vắc xin nội: Muốn thắng lớn phải tăng tốc thật nhanh - Ảnh 1.

Hai ứng viên vắc xin tiềm năng của Việt Nam. (Đồ họa: Anh Đào).

Quay trở lại cuộc đua sản xuất vắc xin trong nước, Nanocovax được Công ty Nanogen phát triển từ tháng 5/2020, dựa trên công nghệ protein tái tổ hợp, sử dụng những mảnh kháng nguyên vô hại (protein) của virus SARS-CoV-2 để kích thích tạo đáp ứng miễn dịch phù hợp.

Công ty Nanogen cho biết ước lượng hiệu quả bảo vệ của vắc xin là 90%.

Trước khi thử nghiệm giai đoạn 3, vắc xin này đã trải qua 2 giai đoạn thử nghiệm lâm sàng.

Giai đoạn 1 bắt đầu từ ngày 17/12/2020.

Giai đoạn 2 từ 26/2 thử nghiệm trên 560 người.

Giai đoạn 3 thử nghiệm trên 13.000 người, chia làm hai đoạn đoạn nhỏ gồm 3a (thử nghiệm trên 1.000 người) và 3b (thử nghiệm trên 12.000 người). Dự kiến hoàn tất trước 15/8.

Nóng cuộc đua sản xuất vắc xin nội: Nhanh tăng tốc nếu không sẽ khó thắng lớn khi nguồn cung dư thừa - Ảnh 2.

Vắc xin Nanocovax đang thử nghiệm giai đoạn 3. (Ảnh: Thanh niên).

Mới đây Hội đồng đạo đức trong Nghiên cứu y sinh học, Bộ Y tế nghiệm thu kết quả giai đoạn 1, đồng ý với báo cáo kết quả giữa kỳ giai đoạn 2. Theo đó, khẳng định vắc xin Nanocovax an toàn, có khả năng sinh miễn dịch, chưa đánh giá hiệu lực bảo vệ vắc xin.

Bộ Y tế đề nghị Nanogen tiếp tục theo dõi tiến trình thử nghiệm giai đoạn 3, gửi báo báo nghiên cứu lâm sàng giai đoạn 2 và bước đầu giai đoạn 3 trước 15/8

Nếu được cấp phép, dự kiến công ty Nanogen sản xuất 30-50 triệu liều/ tháng sau tháng 10, cung cấp đủ 100 triệu liều vào năm 2022.

Theo Công ty Nanogen, giá bán dự kiến của loại vắc xin này hiện đang thấp nhất thế giới, chỉ với 120.000 đồng/liều.

Nóng cuộc đua sản xuất vắc xin nội: Nhanh tăng tốc nếu không sẽ khó thắng lớn khi nguồn cung dư thừa - Ảnh 3.

Vắc xin Covivac hôm 10/8 đã bắt đầu thử nghiệm giai đoạn 2. (Ảnh: Phan Sáu/TTXVN).

Còn ứng viên vắc xin thứ hai là Covivac hôm 10/8 đã bắt đầu thử nghiệm giai đoạn 2 trên 375 tình nguyện viên ở Thái Bình. Giai đoạn 1 được thử nghiệm từ 15/3 trên 120 người.

Trước đó, Hội đồng đạo đức, Bộ Y tế đã họp đánh giá giai đoạn 1 vắc xin Covivac, kết luận vắc xin an toàn, dung nạp tốt, có tính sinh miễn dịch, đủ điều kiện chuyển sang giai đoạn 2.

Dự kiến, khoảng tháng 10 năm nay sẽ có kết quả sơ bộ của giai đoạn 2 để chuyển tiếp sang giai đoạn 3.

Nóng cuộc đua sản xuất vắc xin nội: Nhanh tăng tốc nếu không khó thắng lớn khi nguồn cung dư thừa - Ảnh 4.

Một góc khu công nghệ cao Hòa Lạc. (Ảnh: IIP Việt Nam).

Thêm một loại vắc xin nữa cũng được tính trong cuộc đua này, dù là vắc xin nhận chuyển giao từ công nghệ Mỹ. Đó là vắc xin có tên VBC-COV19-154 (dựa trên sáng chế vắc xin ARCT-154 của Công ty CP Công nghệ sinh học Arcturus Therapeutics, Mỹ).

Hôm 2/8, Tập đoàn Vingroup cho biết Arcturus sẽ cấp giấy phép độc quyền và CTCP Công nghệ Sinh học VinBioCare (công ty thành viên của Vingroup) sẽ tiến hành sản xuất vắc xin VBC-COV19-154.

Trước đó chưa đầy hai tháng (hôm 12/6) đã có thông tin về một doanh nghiệp Việt Nam đàm phán mua bản quyền sản xuất vắc xin của Mỹ. Không rõ chính xác thời điểm Tập đoàn Vingroup bắt đầu đàm phán, nhưng nếu tính từ mốc 12/6 đến 2/8 ký kết xong hợp đồng chuyển giao thì có thể nói tiến trình này khá thần tốc.

Nhà máy sản xuất vắc xin của VinBioCare sẽ đặt tại Tổ hợp Nhà máy sản xuất thiết bị điện tử VinSmart tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Thạch Thất, Hà Nội) với tổng vốn đầu tư hơn 200 triệu USD cũng đang được gấp rút thi công.

Theo Vingroup, VinBiocare đã ký kết xong các hợp đồng mua sắm máy móc thiết bị, dự kiến trong tháng 9 ngay khi nhận máy sẽ dùng chuyên cơ chuyển về Việt Nam để tiết kiệm thời gian vận chuyển. Công tác xây dựng nhà xưởng cũng đã cơ bản hoàn thành, việc lắp đặt thiết bị dự kiến sẽ kết thúc trong tháng 11 năm nay.

Tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội của Quốc hội chiều 25/7, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết hợp đồng với Mỹ chuyển giao công nghệ vắc xin sẽ tiến hành thử nghiệm vào tháng 8; nhà máy sản xuất với quy mô đạt tới hơn 100 triệu liều đã được triển khai xây dựng và chuẩn bị đi vào hoạt động trong 6 tháng đầu năm 2022.

Ngày 15/8 tới đây, nhóm nghiên cứu sẽ khởi động chương trình thử nghiệm lâm sàng vắc xin ARCT-154 tại Đại học Y Hà Nội.

Sản xuất vắc xin COVID-19 là lĩnh vực đầy tiềm năng

Trong giai đoạn "nước sôi lửa bỏng", dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, nguồn cung vắc xin ngoại đang khan hiếm, việc tự chủ vắc xin trong nước có ý nghĩa rất lớn với kinh tế- xã hội. Bộ Y tế trong cuộc họp Chính phủ thường kỳ hôm 11/8 cho biết dự kiến đến đầu năm 2022, Việt Nam có đủ khả năng để tự chủ vắc xin.

Giả định kịch bản Việt Nam sản xuất thành công vắc xin COVID-19 ngay trong cuối năm nay, đó không những giúp vực dậy nền kinh tế, cứu giúp hàng triệu người, mà còn giúp hãng dược thắng lớn. Tính đơn giản một liều vắc xin có giá 100.000 đồng, cần 150 triệu liều cho 70% dân số, thì doanh thu có được là con số đáng kể.  

Nóng cuộc đua sản xuất vắc xin nội: Nhanh tăng tốc nếu không khó thắng lớn khi nguồn cung dư thừa - Ảnh 5.

Triển khai tiêm thử nghiệm vắc xin Nanocovax. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN).

Còn trên thế giới, các ông lớn ngành dược sau khi đã nghiên cứu thành công, bán được lượng lớn vắc xin thì giờ tiếp tục lao vào một cuộc đua khác - đẩy mạnh sản xuất vắc xin bằng nhiều cách để tăng cường nguồn cung toàn cầu.

BioNTech và Pfizer đang làm việc 24/7 để sản xuất càng nhiều vắc xin COVID-19 càng tốt, ngoài ra còn đang đàm phán để lập cơ sở sản xuất vắc xin tại châu Á, Nam Mỹ và châu Phi. Hãng cũng thông báo sẽ sản xuất ít nhất 3 tỷ liều vào năm 2022. Moderna gần đây tuyên bố có thể sản xuất ít nhất 800 triệu liều cho tới cuối năm 2021, tăng so với ước tính trước đó là 700 triệu liều.

Về doanh thu, Pfizer hiện tính phí khoảng hơn 30 USD/người cho hai mũi tiêm theo yêu cầu ở châu Âu và Mỹ. Hãng đã thu được 11,3 tỷ USD trong nửa đầu năm nay từ loại vắc xin COVID-19 mà công ty phát triển cùng BioNTech của Đức. Mới đây, Pfizer đã nâng dự báo doanh thu năm 2021 của họ từ 26 tỷ USD lên 33,5 tỷ USD.

Mặc dù có giá rẻ hơn, nhưng hai loại vắc xin là AstraZeneca (Anh) và Johnson & Johnson (Mỹ) cũng đã kịp bỏ túi cho mình những món lợi không nhỏ. AstraZeneca tính phí từ 4,3 USD – 10 USD/2 liều vắc xin, trong khi Johnson & Johnson đã tính phí 10 USD cho loại vắc xin tiêm một mũi. Theo đó, vắc xin ngừa COVID-19 mà hãng AstraZeneca phát triển cùng Đại học Oxford vẫn giúp thu về cho hãng này 1,2 tỷ USD trong đầu năm 2021.

Nóng cuộc đua sản xuất vắc xin nội: Nhanh tăng tốc nếu không khó thắng lớn khi nguồn cung dư thừa - Ảnh 6.

Sản xuất vắc xin COVID-19 là lĩnh vực đầy tiềm năng. (Ảnh: Bloomberg).

Bên cạnh cuộc chạy đua sản xuất vắc xin của các hãng dược lớn, nhiều quốc gia trên thế giới cũng nhanh chóng bước chân vào lĩnh vực đầy tiềm năng này.

Đáng chú ý nhất là Hàn Quốc lên kế hoạch đầu tư gần 2 tỷ USD để bước vào nhóm 5 nhà sản xuất vắc xin hàng đầu thế giới vào năm 2025. Theo giới phân tích, chiến lược này sẽ giúp Hàn Quốc chuẩn bị tốt hơn cho kịch bản COVID-19 kéo dài cũng như những đại dịch trong tương lai.

Còn tại Việt Nam, Chính phủ cũng đặt mục tiêu phát triển công nghiệp vắc xin, hướng tới đưa Việt Nam trở thành trung tâm xuất khẩu vắc xin.

Công ty Nanogen mới đây đã ký kết Hợp đồng bảo mật với một công ty Ấn Độ nhằm phục vụ chuyển giao công nghệ, sản xuất và phân phối vắc xin Nanocovax. Việc ký thỏa thuận NDA sẽ là cơ sở để hai bên tiến tới thảo luận sâu hơn về các nội dung hợp tác cụ thể liên quan đến việc thử nghiệm giai đoạn ba mở rộng, sản xuất, phân phối vắc xin Nanocovax quy mô lớn khi các cơ quan chức năng cấp phép sử dụng khẩn cấp.

Anh Đào