Vì sao Indonesia, Philippines bị dịch COVID-19 càn quét vẫn tăng trưởng quý II cao chót vót, hơn hẳn Việt Nam?
Nhóm ba nước tăng trưởng ấn tượng nhờ mức nền thấp
Theo số liệu được Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore công bố, kinh tế nước này tăng trưởng 14,7% trong quý II, tiếp tục đà phục hồi ổn định sau những ngày đen tối nhất của đại dịch COVID-19.
Cơ quan này cũng nâng dự báo tăng trưởng GDP của Singapore trong năm 2021 lên 6 - 7%, từ mức 4 - 6%. Điều chỉnh này dựa trên kết quả hoạt động "tốt hơn mong đợi" của nền kinh tế Singapore trong nửa đầu năm, cũng như những diễn biến kinh tế tích cực trong và ngoài nước thời gian gần đây. Sự tăng trưởng mạnh mẽ trong quý II giúp GDP Singapore tăng 7,7% trong nửa đầu năm nay.
"Tình hình đại dịch COVID-19 ở Singapore đã được kiểm soát và chương trình tiêm chủng đang tích cực được triển khai, kinh tế dự kiến sẽ tiếp tục phục hồi dần dần trong nửa cuối năm nay, phần lớn được hỗ trợ bởi các lĩnh vực hướng ngoại. Việc nới lỏng dần các hạn chế trong nước và biên giới cũng sẽ góp phần hỗ trợ sự phục hồi của các lĩnh vực hướng tới người tiêu dùng trong nước và giảm bớt tình trạng thiếu lao động trong các lĩnh vực phụ thuộc vào lao động nhập cư", Bộ cho biết.
Dù mức tăng trưởng 14,7% là con số khá ấn tượng, tuy nhiên theo Nikkei Asia, sở dĩ kết quả tăng trưởng cao của Singapore trong quý II là dựa trên một mức nền thấp. Quý II/2020, GDP Singapore tăng trưởng âm 13,3% so với cùng kỳ 2019 khi nước này tiến hành phong tỏa gần 2 tháng.
Indonesia và Philippines, hai quốc gia đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 cũng vừa công bố tăng trưởng kinh tế quý II lần lượt ở mức 7,07% và 11,8%.
Với Indonesia, quý II là quý đầu tiên tăng trưởng trở lại sau 4 quý suy giảm. Đây cũng là mức tăng trưởng GDP nhanh nhất kể từ quý IV/2004, theo số liệu từ cơ quan thống kê của nước này, và cũng cao hơn nhiều so với mức dự báo 6,57% của các nhà phân tích trong cuộc thăm dò của Reuters.
Tăng trưởng kinh tế của Indonesia phần lớn được thúc đẩy nhờ hoạt động xuất khẩu phục hồi tăng mạnh đến 10,36% so với quý I/2021.
Kể từ tháng 4 đến đầu tháng 6, Indonesia đã trải qua thời gian hiếm hoi tạm thời yên ổn với số ca mắc mới hàng ngày trung bình khoảng 5.000 ca.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Indonesia, ông Margo Yuwono cho biết ngành vận tải, kho bãi, lưu trú, thực phẩm và đồ uống có mức tăng trưởng lớn nhất trong giai đoạn này khi xu hướng di chuyển của người dân tăng lên. Sự lạc quan mới cũng góp phần giúp tiêu dùng hộ gia đình tăng 5,93% so với cùng kỳ năm trước.
Dù vậy, theo Nikkei Asia, tăng trưởng có vẻ sẽ chậm lại trong những quý tới. Các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt hơn được đưa ra vào đầu tháng 7 nhằm chặn đà lây nhiễm của COVID-19 sẽ đè nặng lên triển vọng nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á. Mặc dù tăng trưởng mạnh mẽ, ông Yuwono thừa nhận rằng nền kinh tế Indonesia "vẫn chưa trở lại bình thường".
Trước đó, nền kinh tế Indonesia bắt đầu suy thoái do kết quả của các chính sách khác nhau của chính phủ vào đầu đại dịch COVID-19, một trong số đó là dưới hình thức Hạn chế xã hội quy mô lớn (PSBB) nên nền kinh tế tăng trưởng mức âm trong 4 quý liên tiếp: quý II/2020 (âm 5,32%), quý III/2020 (âm 3,49%), quý IV/2020 (âm 2,19%) và quý I/2021(âm 0,74%).
Tương tự như Indonesia và Singapore, Philippines cũng ghi nhận tăng trưởng GDP quý II cao chót vót (11,8%) nhờ mức cơ sở thấp. Quý II vừa qua, kinh tế nước này phục hồi từ mức giảm 17% trong quý II năm trước. Đây cũng là mức tăng trưởng cao nhất kể từ quý IV/1988.
Sự phục hồi được củng cố bởi chi tiêu hộ gia đình tăng cao, một động lực kinh tế quan trọng ở quốc gia 109 triệu dân.
Dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn lạc quan hơn nhóm các nước còn lại
Trong báo cáo mới nhất Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF công bố hôm 28/7, tổ chức này hạ dự báo tăng trưởng chung của nhóm các nước gồm Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan, xuống còn 4,3%. Trước đó trong báo cáo hồi tháng 4, mức dự báo là 4,9%.
Đáng chú ý, Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan đều bị IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm nay. Riêng Việt Nam, IMF không đề cập trong báo cáo mới nhất. Trước đó, tổ chức này dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2020 đạt 6,5%, năm 2022 đạt 7,2%.