|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Hơn 4.400 bệnh nhân không qua khỏi, Việt Nam đang làm gì để chặn đà tăng các ca tử vong vì COVID-19?

07:10 | 12/08/2021
Chia sẻ
Tính riêng từ 15/7 đến nay, Việt Nam đã có hơn 4.000 ca tử vong, trong khi tổng số bệnh nhân tử vong kể từ khi dịch bùng phát là hơn 4.400 ca.

Ca tử vong đầu tiên trong đợt dịch lần thứ 4 và là ca tử vong thứ 36 của Việt Nam tính từ khi dich bùng phát được ghi nhận hôm 15/5, là cụ bà 89 tuổi mắc COVID-19 kèm nhiều bệnh nền. Trong suốt hai tháng sau đó, số trường hợp qua đời vì COVID-19 ghi nhận không đáng kể. 

Tuy nhiên tính riêng từ 15/7 đến nay, Việt Nam đã có hơn 4.000 ca tử vong, trong khi tổng số bệnh nhân tử vong kể từ khi dịch bùng phát là hơn 4.400 ca. Để chặn đà tăng các ca tử vong vì COVID-19, Việt Nam đang nhanh chóng thay đổi, áp dụng hàng loạt chiến lược mới. 

Việt Nam đang làm gì để giảm tỷ lệ tử vong vì COVID-19 - Ảnh 1.

Từ đầu dịch đến 11/8, Việt Nam có 4.487 ca tử vong vì COVID-19. (Đồ họa: Anh Đào).

TP HCM - tâm dịch lớn nhất chuyển chiến lược sang điều trị 

Số ca tử vong chủ yếu ghi nhận tại TP HCM, tâm dịch của cả nước với hơn 3.500 ca. Trong cuộc họp báo hôm 3/8, ông Phan Văn Mãi, Phó Bí thư Thường trực TP HCM nhận định "việc điều trị bệnh nhân nặng, tử vong là vấn đề của thành phố hiện nay".

Trước đó từ cuối tháng 7, chiến lược của TP HCM đã chuyển dần sang điều trị nhằm giảm tỷ lệ tử vong.

Về chiến lược này, ông Mãi cho biết việc đếm ca dương tính không còn ý nghĩa lớn khi thành phố xác định chuyển sang chiến lược điều trị, hiện điều quan trọng là đếm bao nhiêu ca khỏi, chuyển nặng và số ca tử vong để có biện pháp trong điều trị, ngăn chặn ca chuyển nặng và tử vong.

Để tập trung cho công tác điều trị, TP HCM đã tăng cường cơ sở vật chất, nhân lực để tiến hành điều trị theo mô hình tháp 5 tầng. Thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục bổ sung nhân lực, điều chỉnh quy trình, không để tình trạng bệnh nhân không được tiếp nhận hoặc tiếp nhận trễ.

Việt Nam đang làm gì để giảm tỷ lệ tử vong vì COVID-19 - Ảnh 2.

Với mô hình tháp 5 tầng, TP HCM chuyển chiến lược sang điều trị nhằm giảm tỷ lệ tử vong. (Đồ họa: Anh Đào).

Cũng nói về vấn đề này trong phiên họp Chính phủ thường kỳ hôm qua 11/8, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn thừa nhận có tình trạng quá tải trong điều trị F0 tại TP HCM. Bệnh nhân khu vực tầng 3 điều trị và khu vực hồi sức tích cực đang khá cao. Theo ông Thuấn, Bộ Y tế đã chỉ đạo phải phân tầng đúng theo tình trạng bệnh nhân. Tuy nhiên, hiện một số địa phương có tình trạng quá lo, tình trạng bệnh chưa đến phải điều trị ở tầng 3 mà đã chuyển tới, gây quá tải.

Ngoài việc lưu ý phân tầng đúng, Bộ Y tế cũng đã thiết lập 141 bệnh viện dã chiến, nhiều trung tâm hồi sức cấp cứu, ngay tại TP HCM có 5 trung tâm hồi sức cấp cứu của các bệnh viện loại đặc biệt đặt cơ sở...

Mua lượng lớn thuốc trị COVID-19, các địa phương chuẩn bị máy móc, oxy để hạn chế ca tử vong

Trong công điện ban hành ngày 7/8, Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành phố chuẩn bị phương án cao nhất cho việc điều trị người mắc COVID-19.

Với các địa phương có số lượng người bệnh và nhu cầu điều trị tăng cao, Bộ Y tế đề nghị xem xét cho xuất viện sớm với trường hợp mắc COVID-19 không có triệu chứng. Nhóm đối tượng này có thể xuất viện vào ngày thứ 7 khi xét nghiệm RT-PCR âm tính hoặc có tải lượng virus thấp (giá trị CT ≥ 30). Các bệnh nhân này sau đó tiếp tục theo dõi, giám sát y tế tại nhà, nơi lưu trú.

Với ca bệnh dương tính phát hiện tại cộng đồng không có triệu chứng lâm sàng, nếu có tải lượng virus thấp thì không cần thiết đưa vào cơ sở y tế, chỉ theo dõi y tế tại nhà.

Nếu có nhiều người nhiễm được cách ly y tế tại nhà, địa phương chịu trách nhiệm tổ chức các tổ công tác y tế, các tổ tư vấn, tổng đài tư vấn để giúp đỡ, chăm sóc người bệnh và kịp thời chuyển đến bệnh viện kịp thời khi bệnh nhân có dấu hiệu chuyển nặng. 

Việt Nam đang làm gì để giảm tỷ lệ tử vong vì COVID-19 - Ảnh 3.

Remdesivir là là thuốc kháng virus được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt khẩn cấp để điều trị cho bệnh nhân COVID-19. (Ảnh: Getty).

Để hạn chế số ca tử vong, Việt Nam cũng chủ động mua lượng lớn Remdesivir - thuốc điều trị COVID-19 được FDA Mỹ cấp phép. Với khả năng rút ngắn thời gian hồi phục và giảm tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân diễn tiến nặng, Remdesivir đã được 50 quốc gia như Mỹ, EU, Australia, Nhật Bản, Singapore, Ấn Độ... đưa vào phác đồ điều trị từ tháng 5/2020.

50.000 lọ thuốc Remdesivir đầu tiên trong số 500.000 lọ do Vingroup nhập khẩu tặng Bộ Y tế đã về Việt Nam tối 5/8. Dự kiến, tuần sau, khoảng 100.000 lọ nữa về và chuyển cho Bộ Y tế phục vụ khẩn cấp điều trị bệnh nhân nặng. Số lượng còn lại sẽ lần lượt về trong tháng 8.

Thêm một tin vui nữa trong bối cảnh số ca mắc mới tăng nhanh, hôm 10/8, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam thông báo thử nghiệm tiền lâm sàng thành công với thuốc trị COVID-19 có tên Vipdervir. 

Qua đánh giá ban đầu, loại thuốc này được chứng minh an toàn, có tác dụng ức chế sự phát triển của SARS-CoV-2, và chuyển sang quá trình thử nghiệm trên người. Bộ Y tế cho biết kỳ vọng đến cuối năm nay sẽ hoàn thành nghiên cứu lâm sàng và có thể cấp phép lưu hành cho sản phẩm này.

Những tín hiệu tích cực

Những ngày qua, số ca tử vong tại Việt Nam liên tục tăng, nhưng đồng thời, tín hiệu tích cực đến  khi lượng F0 được xuất viện trong một ngày luôn ở mức vài nghìn ca.

Theo bản tin tối 11/8 của Bộ Y tế, Việt Nam có thêm 4.806 F0 được công bố khỏi bệnh trong ngày. Từ khi làn sóng thứ 4 bùng phát đến nay, nước ta đã chữa khỏi cho 82.380 bệnh nhân. Tổng bệnh nhân được chữa khỏi từ khi dịch bùng phát là 85.154 ca.

Hiện tại, ngành y tế điều trị cho 489 ca nặng, cần can thiệp ICU (hồi sức tích cực); 21 bệnh nhân nguy kịch, được thở ECMO.

Hơn 4.400 bệnh nhân không qua khỏi, Việt Nam đang làm gì để chặn đà tăng các ca tử vong vì COVID-19? - Ảnh 4.

Xét về số bệnh nhân hồi phục trên tổng số ca nhiễm, "thành tích" của Việt Nam kém hơn, tuy nhiên do Việt Nam hứng chịu làn sóng dịch mới muộn hơn nhiều so với các nước. (Đồ họa: Anh Đào).

Việt Nam đang làm gì để giảm tỷ lệ tử vong vì COVID-19 - Ảnh 6.

Số ca tử vong trên 1 triệu dân của Việt Nam thấp so với một số nước trong khu vực. (Đồ họa: Anh Đào).

So sánh với tình hình dịch tại một số nước trong khu vực cũng đang hứng chịu biến chủng Delta, dịch tại Việt Nam chưa quá phức tạp. Số ca tử vong trên 1 triệu dân khá thấp khi so với các vùng dịch lớn tại Đông Nam Á.

Xét về số bệnh nhân hồi phục trên tổng số ca nhiễm, "thành tích" của Việt Nam kém hơn khi so với Indonesia, Philippines, Malaysia và Thái Lan. Tuy nhiên điều này có thể do một phần Việt Nam hứng chịu làn sóng dịch mới muộn hơn nhiều so với ba nước còn lại.

Việt Nam đang làm gì để giảm tỷ lệ tử vong vì COVID-19 - Ảnh 7.

(Đồ họa: Anh Đào).

Về chiến lược tiêm chủng, cùng với việc vắc xin sẽ về nhiều dồn dập từ nay đến cuối năm, Việt Nam tiếp tục đẩy nhanh tốc độ tiêm, thực hiện tiêm cuốn chiếu, khu vực nào xong khu vực đó để tạo ra vùng xanh an toàn trong khu vực đang bùng phát dịch. Tính đến 11/8, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là hơn 11,3 triệu liều, trong đó tiêm 1 mũi là hơn 10,3 triệu liều, tiêm mũi 2 là hơn 1 triệu liều. 

Theo Bộ Y tế, đến đầu năm 2022, dự kiến Việt Nam có đủ khả năng để tự chủ vắc xin. Rõ ràng khi nguồn cung vắc xin sẵn có, việc tiêm bao phủ cho toàn dân được đẩy mạnh sẽ giúp giảm đáng kể ca mắc mới, từ đó giảm áp lực cho hệ thống y tế và hạn chế ca tử vong. 

Anh Đào