|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Pfizer sẽ bán thuốc 'phi lợi nhuận' cho các nước nghèo nhất thế giới

03:00 | 26/05/2022
Chia sẻ
Chủ tịch Pfizer, bà Angela Hwang, cho biết cam kết mang tính đột phá này sẽ tăng cường khả năng tiếp cận của gần 1,2 tỷ người với các loại thuốc và vaccine đã được cấp bằng sáng chế của Pfizer.

Nhân viên y tế tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho người dân tại Pretoria, Nam Phi. (Ảnh: TTXVN)

Công ty dược phẩm Pfizer (Mỹ) cho biết sẽ bán các loại thuốc đã được cấp bằng sáng chế của mình cho các nước nghèo nhất thế giới với mức giá “phi lợi nhuận.”

Đó là một phần của một sáng kiến mới tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos, mang tên “Hiệp định vì một thế giới khỏe mạnh hơn.”

Hiệp định sẽ tập trung vào 5 lĩnh vực, gồm bệnh truyền nhiễm, ung thư, viêm nhiễm, các bệnh hiếm và sức khỏe phụ nữ.

Phát biểu với báo giới, bà Angela Hwang, Chủ tịch Pfizer cho biết cam kết mang tính đột phá này sẽ tăng cường khả năng tiếp cận của gần 1,2 tỷ người với các loại thuốc và vắc xin đã được cấp bằng sáng chế của Pfizer hiện đang được lưu hành tại Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).

Các nước đang phát triển đang chịu 70% gánh nặng bệnh tật của thế giới nhưng chỉ nhận được 15% chi tiêu y tế toàn cầu, dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.

Tại khu vực khu vực châu Phi cận Sahara (Sahel), cứ 13 trẻ thì có 1 trẻ chết trước 5 tuổi vì bệnh tật, trong khi tỷ lệ này ở các nước thu nhập cao là 1/199.

Tỷ lệ tử vong liên quan đến ung thư tại châu Phi cũng cao hơn nhiều so với các nước thu nhập thấp hay trung bình và cao hơn số ca tử vong do sốt rét ở khu vực này mỗi năm, do việc tiếp cận với các loại thuốc mới bị hạn chế.

Thời gian để các loại thuốc và vắc xin thiết yếu đến được các nước nghèo nhất lâu hơn từ 4-7 năm và các vấn đề về chuỗi cung ứng cũng như hệ thống y tế yếu kém khiến người bệnh khó nhận được thuốc sau khi đã được phê chuẩn. Và đại dịch COVID-19 càng làm phức tạp thêm những vấn đề này.

Bà Hwang cho biết: “Chúng tôi biết có một loạt rào cản mà các nước đang phải tìm cách vượt qua để được tiếp cận với thuốc của chúng tôi. Vì vậy, ban đầu Pfizer chọn ra 5 nước để xác định và tìm giải pháp thích hợp và sau đó sẽ chia sẻ những bài học kinh nghiệm với các nước còn lại.”

Năm quốc gia gồm Rwanda, Ghana, Malawi, Senegal và Uganda đã cam kết tham gia Hiệp định trên cùng với hơn 40 quốc gia khác, trong đó 27 quốc gia có thu nhập thấp và 18 quốc gia có thu nhập dưới trung bình.

Mức giá "phi lợi nhuận" bao gồm cả chi phí sản xuất và vận chuyển từng sản phẩm đến tận nước tiếp nhận.

Nếu một quốc gia đang sử dụng sản phẩm với mức giá thấp hơn, ví dụ như vắc xin do Liên minh vắc xin quốc tế (GAVI) cung cấp, thì mức giá đó sẽ được duy trì.

Bà Hwang cho rằng việc tiếp cận sản phẩm, dịch vụ với chi phí thấp cũng là một thách thức đối với các quốc gia thu nhập thấp. Do vậy, Pfizer cũng đã làm việc với các tổ chức tài chính đồng thời kêu gọi họ hỗ trợ.

Pfizer cũng sẽ tìm đến các đối tác - trong đó có các chính phủ, tổ chức đa phương, tổ chức phi chính phủ, thậm chí cả các hãng dược phẩm khác - và kêu gọi họ tham gia Hiệp định.

Ông Amesh Adalja, thuộc Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins, cho biết Hiệp định sẽ tạo điều kiện cho các nước tiếp cận với một số loại thuốc quan trọng và giúp kiểm soát tốt hơn các lại bệnh như COVID-19, kháng thuốc kháng sinh, não mô cầu, viêm não và phế cầu khuẩn.

Khánh Ly

Tự doanh CTCK đẩy mạnh nắm giữ tiền gửi trong quý cuối năm
Tại cuối năm 2024, hơn phân nửa tài sản tự doanh của Chứng khoán SSI, VPS, ACBS, MBS hay Kafi là tiền gửi. VNDirect và VPBankS ghi nhận trái phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất mảng tự doanh. Trong khi đó, Vietcap và VIX dẫn đầu về nắm giữ cổ phiếu.