|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Top 10 đầu tàu xuất khẩu có đến một nửa đang căng thẳng vì dịch, hy vọng hồi phục kinh tế liệu có mong manh?

08:22 | 07/08/2021
Chia sẻ
Trong khi giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm tiếp tục diễn ra tình trạng chậm, xuất khẩu được kỳ vọng là động lực kéo lại kinh tế nửa cuối năm nay. Tuy nhiên, xuất khẩu cũng đối mặt rủi ro khi nhiều khu vực sản xuất và vùng kinh tế trọng điểm như TP HCM, Bình Dương đang chưa khống chế được dịch COVID-19.

COVID-19 ảnh hưởng tới nhiều khu vực sản xuất và vùng kinh tế trọng điểm

Trong 10 tỉnh, thành xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam có tới một nửa đang chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 với số ca mắc mới chưa có dấu hiệu thuyên giảm và đều đang giãn cách xã hội nghiêm ngặt theo Chỉ thị 16.

Đầu tàu kinh tế TP HCM – tâm dịch lớn nhất của cả nước với hơn 113.000 ca COVID-19 năm ngoái xuất khẩu 44,3 tỷ USD. Bình Dương, đứng thứ hai về số ca nhiễm (hơn 23.000 ca) xuất khẩu 27,8 tỷ USD. Hai địa phương lân cận là Đồng Nai (năm ngoái xuất khẩu 18,8 tỷ USD), Long An (năm ngoái xuất khẩu 6,1 tỷ USD) cũng đang là những ổ dịch nghiêm trọng.

Trong khi đó, ở phía Bắc, tình hình dịch ở Hà Nội (năm ngoái xuất khẩu 15,2 tỷ USD) vẫn trong tầm kiểm soát, tuy nhiên nguy cơ dịch bệnh đang ở mức rất cao và khó lường vì đã xuất hiện nhiều chùm ca bệnh phức tạp với số lượng ca mắc lớn, nhiều ca bệnh chưa xác định được nguồn lây.

Tính chung 5 tỉnh thành thì chiếm 40% lượng hàng xuất khẩu của Việt Nam. Riêng TP HCM và Hà Nội thì chiếm 40% GDP của cả nước.

Top 10 đầu tàu xuất khẩu có đến một nửa đang căng thẳng vì dịch, hy vọng hồi phục kinh tế liệu có mong manh? - Ảnh 1.

Rủi ro khiến tăng trưởng xuất khẩu chậm lại

Làn sóng dịch thứ 4 bắt đầu ở Việt Nam từ cuối tháng 4, nhưng dần trở nên nghiêm trọng từ đầu tháng 7. Đến giữa tháng 7, TP HCM cùng 18 tỉnh, thành phía Nam thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

Dịch có những diễn biến phức tạp, lan rộng ra nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt là tại TP HCM, đầu tàu kinh tế của cả nước và nhiều tỉnh thành khác tại khu vực phía Nam khiến hoạt động xuất khẩu trong tháng 7 có phần chững lại.

Đầu tàu xuất khẩu ghi nhận hàng nghìn ca nhiễm, động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam có suy yếu? - Ảnh 2.

Bên trong một nhà máy tại Khu chế xuất Tân Thuận, TP HCM. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN).

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 7 ước đạt 27 tỷ USD, giảm 0,8% so với tháng trước.

Tính chung 7 tháng vừa qua, kim ngạch xuất khẩu của cả nước vẫn tăng 25,5%, đạt 185,33 tỷ USD.

Tuy nhiên, việc giãn cách xã hội kéo dài và sự không chắc chắn về thời điểm kết thúc dịch bệnh sẽ có tác động lan tỏa đến các tỉnh thành khác và tạo ra sự suy giảm trong hoạt động kinh tế của cả nước, mà trong đó hoạt động sản xuất, xuất khẩu cũng không ngoại lệ.

Báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương cũng cho thấy tình hình đáng lo ngại khi trong số 19 tỉnh thành phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội có tới 7 địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp giảm, đáng chú ý TP HCM giảm mạnh nhất với mức giảm 19,4%.

Trong báo cáo vĩ mô công bố giữa tháng 7, Công ty Cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) nhận định rủi ro khiến tăng trưởng xuất khẩu chậm lại có thể đến từ hai yếu tố chính là dịch bệnh bùng phát, đặc biệt ở các khu công nghiệp, thành phố lớn tác động tiêu cực đến năng lực sản xuất và tình trạng thiếu tàu, thiếu container rỗng và giá cước vận tải biển tăng hiện chưa thấy có dấu hiệu sớm được khắc phục.

Còn theo đánh giá của Bộ Công Thương, hoạt động xuất nhập khẩu có thể bị ảnh hưởng tiêu cực do trên thế giới khu vực Đông Nam Á tiếp tục là tâm điểm với số ca nhiễm COVID-19 mới gia tăng nhanh chóng tại các quốc gia như Indonesia hay Thái Lan. 

Trong nước, dịch COVID-19 bùng phát ở nhiều địa phương là khu vực sản xuất hàng hóa lớn, có quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu đứng đầu của cả nước. Một số tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng khiến cho gián đoạn quá trình lưu thông, vận chuyển hàng hóa.

Đầu tàu xuất khẩu ghi nhận hàng nghìn ca nhiễm, động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam có suy yếu? - Ảnh 3.

TP HCM bắt đầu áp dụng quy định "3 tại chỗ" hoặc phương án "1 đường 2 địa điểm" từ ngày 15/7. (Ảnh: Hoàng Hà/ Zing).

Xuất khẩu dự báo tăng trưởng 18 - 19% dù nhiều khó khăn phía trước

Trong kịch bản tăng trưởng được Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) công bố hồi giữa tháng 7, xuất khẩu dự báo tăng 18,3% nếu dịch được kiểm soát vào tháng 8 và tăng 16,4% nếu đến tháng 10 mới khống chế được.

Còn bộ phận phân tích của Chứng khoán Bản Việt (VCSC) trong báo cáo chiến lược 6 tháng cuối năm đã nâng dự báo tăng trưởng xuất khẩu và nhập khẩu năm 2021 lên lần lượt 19,6% và 23,8% từ mức 12% trước đó nhờ nhu cầu nước ngoài mạnh hơn dự kiến. Dự báo chung cho tăng trưởng tại Mỹ, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam đã tăng từ 3,9% lên 6,6%.

Đó là những dự báo mang tính tích cực, tuy nhiên mọi thứ có thể thay đổi do dịch COVID-19 vẫn được đánh giá là khó lường.

Triển vọng xuất khẩu có thể bị ảnh hưởng đáng kể khi giãn cách quy mô rộng gia tăng thêm khó khăn cho các doanh nghiệp do phải chịu chi phí tăng thêm để thực hiện các biện pháp vừa cách ly, vừa sản xuất hay phải tạm ngừng hoạt động do không đáp ứng điều kiện về đảm bảo phòng chống dịch.

Điển hình như ở TP HCM, khi bắt đầu áp dụng quy định "3 tại chỗ" hoặc phương án "1 đường 2 địa điểm" vào giữa tháng 7 cũng là lúc doanh nghiệp rơi vào thế khó bởi nếu tiếp tục hoạt động, doanh nghiệp phải tốn rất nhiều chi phí để đảm bảo "3 tại chỗ". Còn chấp nhận dừng, lương nhân công, chi phí bảo trì máy móc an ninh, chậm đơn hàng,... doanh nghiệp vẫn phải gánh.

Ngoài ra, doanh nghiệp bắt đầu gặp khó khăn trong vấn đề xuất khẩu, gây ảnh hưởng đến tiến độ giao hàng cho khách hàng cũng như khó khăn trong duy trì sản xuất.

Trong buổi chia sẻ trực tuyến sáng 2/8, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) cho biết có tới 35% doanh nghiệp dệt may ngừng hoạt động do COVID-19.

Ông nói thêm, chuỗi sản xuất của các doanh nghiệp hiện đã đứt gãy đến 90%.

Vitas dự báo các doanh nghiệp chỉ có thể xuất khẩu trở lại nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn sau tháng 8. Trong kịch bản lạc quan nhất, Hiệp hội này ước tính ngành dệt may chỉ có thể đạt được khoảng 32-33 tỷ USD trong năm nay.

Còn với doanh nghiệp thủy sản, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng vừa thông tin 70% doanh nghiệp không đủ điều kiện thực hiện "3 tại chỗ" đã phải ngừng sản xuất.

Những con số trên mới chỉ là sơ bộ bởi dịch bệnh vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp. Lãnh đạo TP HCM nhận định TP có thể mất hàng tháng mới kiểm soát được dịch. 18 tỉnh, thành phía Nam cùng TP HCM vẫn đang tiếp tục giãn cách xã hội. Hà Nội hôm qua cũng quyết định kéo dài giãn cách thêm 15 ngày.

Với số ca nhiễm chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, việc dự đoán thời điểm kết thúc giãn cách quả thực là điều chưa được tính đến. Và khi giãn cách kéo dài, hoạt động sản xuất khó có thể trở lại bình thường và nguy cơ đứt gãy cung ứng sẽ hiện hữu.

Trong tình hình hiện tại, các tổ chức đều cho rằng việc triển khai tiêm chủng vô cùng cấp bách để hoạt động kinh doanh trở lại bình thường. Xuất khẩu có tạo ra nhiều tác động tích cực lên nền kinh tế hay không phụ thuộc rất nhiều vào việc khống chế được dịch bệnh sớm hay muộn và tốc độ bao phủ vắc xin nhanh hay chậm.

Dù nhiều lo lắng và thách thức phía trước, nhưng kết quả khả quan nửa đầu năm đến từ ngành dệt may với kim ngạch xuất khẩu hàng cả ngành đạt 15,2 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ, nhu cầu của khách hàng tại châu Âu, châu Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc,... tạm thời phục hồi và ổn định hay Bắc Giang, Bắc Ninh - hai trong những trọng tâm sản xuất phía Bắc đã khống chế được dịch là những yếu tố để thêm kỳ vọng vào động lực thúc đẩy kinh tế Việt Nam.

Chia sẻ trong một cuộc hội thảo gần đây, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia tài chính - ngân hàng nhấn mạnh từ nay đến cuối năm, điểm sáng là thế giới phục hồi tương đối tốt. Đây cũng là điểm thuận lợi cho tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam. Còn ở trong nước, nếu tiến trình tiêm vắc xin COVID-19 được đẩy nhanh hơn trong quý III thì đến quý IV, kinh tế sẽ có sự phục hồi.

Anh Đào