|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

TS. Cấn Văn Lực: Chưa biết đỉnh dịch khi nào sẽ đến, dự báo quý IV kinh tế mới có sự phục hồi

11:57 | 30/07/2021
Chia sẻ
TS. Cấn Văn Lực nhận định nếu tiến trình tiêm vắc xin COVID-19 được đẩy nhanh hơn trong quý III thì đến quý IV sẽ có sự phục hồi.

Tại buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Điểm đến kinh tế Việt Nam nửa cuối năm 2021" do BizLIVE tổ chức ngày 30/7, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia tài chính - ngân hàng nêu những điểm sáng và tối trong bức tranh kinh tế Việt Nam những tháng đầu năm.

Nhiều rủi ro bên ngoài và cả thách thức trong nước

Ông cho rằng mặc dù dịch COVID-19 trên thế giới và Việt Nam diễn biến rất phức tạp nhưng đến nay vẫn trong tầm kiểm soát. Việt Nam không trong bối cảnh như Indonesia, Ấn Độ hay nhiều nước khác. Ngoài ra, chính sách tiêm vắc xin COVID-19 được Chính phủ và Quốc hội quan tâm nhiều hơn và đang đẩy mạnh triển khai.

TS. Cấn Văn Lực: Chưa biết đỉnh dịch khi nào sẽ đến, dự báo quý IV kinh tế mới có sự phục hồi - Ảnh 1.

Điểm sáng thứ hai là lạm phát vẫn được kiềm chế tốt so với trước dù trong bối cảnh thế giới, giá cả hàng hóa tăng tương đối nhanh. CPI 7 tháng đầu năm tăng 1,64% so với cùng kỳ. Theo đà này, TS. Cấn Văn Lực cho biết dự báo cả năm nay, lạm phát bình quân sẽ ở mức khoảng 3%. Giá cả thế giới tăng nhanh nhưng lực cầu yếu, vòng quay đồng tiền còn tương đối chậm.

Một điểm tích cực nữa, thương mại, xuất nhập khẩu vẫn tăng trưởng tương đối tốt. Xuất khẩu tháng 7 giảm nhẹ so với tháng trước. Song, tính 7 tháng đầu năm, xuất khẩu tăng 26%, nhập khẩu tăng 35% so với cùng kỳ.

Về vấn đề tỷ giá và lãi suất, tỷ giá rất ổn định, lãi suất đang trên đà giảm tương đối tích cực; tuy nhiên TS. Cấn Văn Lực khuyến nghị không thể nới lỏng quá mức vì còn liên quan đến dịch chuyển kênh đầu tư và kiềm chế lạm phát.

Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, trong 6 tháng đầu năm, ba tổ chức quốc tế gồm Moody's, S&P và Fitch nâng triển vọng tín nhiệm của Việt Nam từ tiêu cực lên ổn định, tích cực

Ngoài ra, TS. Cấn Văn Lực cũng đề cập đến những bước tiến tích cực về vắc xin COVID-19 qua kênh ngoại giao.

TS. Cấn Văn Lực: Chưa biết đỉnh dịch khi nào sẽ đến, dự báo quý IV kinh tế mới có sự phục hồi - Ảnh 2.

TP HCM trong ngày đầu thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16. (Ảnh: Người lao động).

Bên cạnh những điểm sáng, chuyên gia cho rằng kinh tế Việt Nam vẫn đang phải đương đầu với nhiều thách thức.

Những rủi ro bên ngoài cần nhận diện và kiểm soát như thách thức về dịch bệnh, chiến tranh thương mại, rủi ro về thiên tai, lũ lụt, bên cạnh đó là rủi ro về bong bóng tài sản, bất ổn tài chính toàn cầu.

Về thách thức trong nước, dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, chưa biết đỉnh dịch khi nào sẽ đến.

"Một kịch bản cơ sở mà chúng tôi đưa ra là may ra trong tháng 8 mới có thể kiểm soát được dịch bệnh", chuyên gia nói.

Trong nội bộ, lĩnh vực tiêu dùng bị ảnh hưởng vô cùng tiêu cực. Tiêu dùng tháng 7 giảm 8,3% so với tháng trước, giảm gần 20% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ chỉ tăng 0,7%. Trước dịch, tổng mức bán lẻ tăng từ 8-10% bởi sức cầu rất yếu. Sản xuất công ngiệp tăng trưởng rất chậm, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 7 tăng chỉ 2,2% so với cùng kỳ. Trước đây, mức này thông thường tăng 9-10%.

Mô hình sản xuất "3 tại chỗ" đang gặp rất nhiều trục trặc và trở ngại cũng là thách thức mà nền kinh tế đang phải đối mặt.

"Về vốn FDI, chúng ta hy vọng về dịch chuyển vốn đầu tư, nhưng vốn FDI 7 tháng của chúng ta đăng ký giảm 11% so với cùng kỳ năm trước, trong khi vốn thực hiện tăng gần 4%. Nhìn vào số liệu dịch chuyển từ Trung Quốc, Hong Kong sang Việt Nam, năm ngoái tăng nhưng sang đến năm nay sự dịch chuyển dòng vốn này đang giảm gần 50%", chuyên gia nói thêm.

Trong khi đó, giải ngân đầu tư công chậm rất rõ rệt. Số lượng doanh nghiệp mới tháng 7 chỉ tăng 0,7%, còn số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động rất đáng chú ý.

Ông Lực cũng cho rằng vì dịch bệnh nên tiến trình cơ cấu lại nền kinh tế rất chậm chạp, nợ xấu trong hệ thống ngân hàng tăng lên.

Dự báo quý IV kinh tế có sự phục hồi

TS. Cấn Văn Lực: Chưa biết đỉnh dịch khi nào sẽ đến, dự báo quý IV kinh tế mới có sự phục hồi - Ảnh 3.

Dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2021. (Nguồn: Báo cáo của các tổ chức).

Trong bối cảnh đó, TS. Cấn Văn Lực cùng nhóm chuyên gia cũng đã xây dựng kịch bản: GDP nay đến cuối năm có thể tăng trưởng 5,3 - 5,5%, lạm phát được dự báo khoảng 3%, lực cầu còn rất yếu.

Về đề xuất, nhóm chuyên gia cho rằng cần phải nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh và đẩy nhanh quá trình tiêm vắc xin COVID-19. Ngoài việc thực hiện Nghị định 52 của Chính phủ về giãn hoãn thuế, cần nghiên cứu về gói hỗ trợ mới. Trong lĩnh vực hàng không, cũng cần phải hỗ trợ cho Bamboo hay Vietjet. Ngoài ra, không thể chủ quan với lạm phát nhưng cùng lúc không nên bóp nghẹt quá.

TS. Cấn Văn Lực nhắc lại cần lưu ý đến bong bóng, các hiện tượng nóng gần đây liên quan đến bất động sản, chứng khoán. Ngoài ra vẫn cần theo dõi các động thái của quốc tế về các gói nới lỏng định lượng, nâng lãi suất.

"Từ nay đến cuối năm, điểm sáng là thế giới phục hồi tương đối tốt, vì vậy xuất khẩu của Việt Nam mới tăng trưởng được gần 30%. Trong nước, nếu tiến trình tiêm vắc xin COVID-19 được đẩy nhanh hơn trong quý III thì đến quý IV sẽ có sự phục hồi", TS. Cấn Văn Lực nói.

Anh Đào