|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Hai rủi ro lớn đối với sự phục hồi kinh tế toàn cầu

07:02 | 25/07/2021
Chia sẻ
Mặc dù các nhà kinh tế kỳ vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ “bùng nổ” khi mở cửa trở lại, tờ Financial Times của Anh cho rằng có hai lý do để nghi ngờ độ vững chắc của sự phục hồi này.

Hai lý do đó là Trung Quốc và Mỹ. Hai siêu cường này là đầu tàu của tăng trưởng toàn cầu, nhưng những vết rạn nứt đang xuất hiện trong cỗ máy kinh tế của hai quốc gia.

Trong 5 năm qua, Trung Quốc đã đóng góp hơn 1/3 tăng trưởng của nền kinh tế thế giới. Ngày nay, tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc giảm 1% sẽ kéo mức tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu giảm đi 0,3%. Vì vậy thế giới có lý do để lo lắng khi Bắc Kinh siết chặt các biện pháp kiểm soát các thành phần kinh tế, mà mới đây nhất là trong lĩnh vực công nghệ.

Trong những năm gần đây, khi các ngành công nghiệp hàng hóa và sản xuất cũ bị “sa lầy” trong nợ nần và suy thoái, sự phát triển bùng nổ của Trung Quốc đã được duy trì nhờ một nền kinh tế mới tập trung vào lĩnh vực công nghệ. Trong 10 năm trở lại đây, tỷ trọng của nền kinh tế kỹ thuật số trong GDP của Trung Quốc đã tăng gấp bốn lần lên mức cao đáng kinh ngạc 40%.

Nhưng những “người khổng lồ” công nghệ Trung Quốc đặt ra rủi ro đối với các nhà quản lý nền kinh tế. Một thập kỷ trước, Trung Quốc không có nhà tài phiệt nào có tài sản trị giá hơn 10 tỷ USD, nhưng hiện đã có gần 50 người. Trong năm qua, Trung Quốc đã có thêm 238 tỷ phú mới, và phần lớn họ đến từ lĩnh vực công nghệ.

Các biện pháp kiểm soát lĩnh vực công nghệ của Bắc Kinh được coi là động thái nhằm kiềm chế hành vi độc quyền hoặc kiểm soát dữ liệu lớn (big data). Trung Quốc đã vươn lên và trở thành một siêu cường kinh tế trong bốn thập kỷ qua khi các doanh nghiệp tư nhân được tạo cơ hội để phát triển và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.

Nhưng đôi khi các nhà quản lý đã phải can thiệp khi xuất hiện những rủi ro như tham nhũng, bong bóng nợ hay bất bình đẳng.

Thường thì các chiến dịch này có thể dẫn tới tăng trưởng kinh tế chậm lại, nhưng sẽ kết thúc trước khi thiệt hại đi quá xa. Lần này, thật khó để dự đoán các lĩnh vực nào khác có thể bù đắp cho cú sốc của nền kinh tế kỹ thuật số.

Kể từ khi các doanh nghiệp công nghệ “vào tầm ngắm” của Bắc Kinh, vốn hóa thị trường của lĩnh vực công nghệ Trung Quốc đã giảm 1/3, tương đương khoảng 1.000 tỷ USD. Sự nổi lên của các “kỳ lân” công nghệ mới đã không còn. Và liệu Bắc Kinh có sẵn sàng lùi bước khi các “gã khổng lồ” công nghệ trở nên ngày càng mạnh mẽ và xuất hiện quan điểm ngày càng phổ biến hiện nay: “dữ liệu là vàng mới”.

Rủi ro thứ hai đến từ Mỹ - đầu tàu kinh tế thế giới chiếm khoảng 1/5 tăng trưởng toàn cầu trong 5 năm qua. Nhiều nhà kinh tế dự báo, khoản tiết kiệm vượt mức 2.500 tỷ USD của người dân Mỹ sẽ là cú hích cho sự phục hồi kinh tế toàn cầu, khi họ bắt đầu chi tiêu nhiều hơn trong bối cảnh nền kinh tế mở cửa trở lại.

Tuy nhiên, đó không phải là cách người tiêu dùng lựa chọn trong quá khứ. Một bài báo gần đây trên tạp chí Barron’s đã chỉ ra, những khoản tiết kiệm vượt mức chỉ được “giải phóng” ở những quốc gia mất ổn định trong chiến tranh, nơi người tiêu dùng lo sợ rằng đồng tiền của họ có thể sớm trở nên vô giá trị.

Ở Mỹ, thời kỳ tiết kiệm bắt buộc lớn gần đây nhất diễn ra trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, nước Mỹ đã chiến thắng và thay vì tiêu xài hoang phí sau chiến tranh, người Mỹ đã tiếp tục gia tăng khoản tiết kiệm đó trong nhiều năm.

Tình hình cũng tương tự như hiện tại. Người Mỹ đã chọn chỉ chi tiêu khoảng 1/3 các khoản hỗ trợ mà họ nhận được từ gói kích kích COVID-19 của chính phủ, để dành tiết kiệm hoặc trả các khoản nợ với số tiền còn lại. Mối đe dọa từ biến thể Delta mới càng củng cố thêm sự thận trọng trong tâm lý người tiêu dùng.

Mỹ cũng đang dần tiến đến "vách đá tài khóa". Chi tiêu chính phủ mới sẽ giảm mạnh trong những tháng tới. Hầu hết các nhà kinh tế kỳ vọng tăng trưởng tiêu dùng mạnh mẽ hơn để giải quyết tình trạng trì trệ. Nhưng lịch sử không đứng về phía họ. Sau sự bùng nổ nhờ các gói kích thích, tốc độ tăng trưởng có xu hướng giảm nhanh trở lại.

Các dấu hiệu về “sự cố động cơ” đang xuất hiện ở “đầu tàu” Trung Quốc và Mỹ, những quốc gia chiếm hơn một nửa tăng trưởng toàn cầu trong những năm gần đây.

Trong khi cuộc tranh luận đang diễn ra sôi nổi trên các thị trường tài chính tập trung vào việc liệu sự gia tăng lạm phát có chỉ là nhất thời hay không, đã đến lúc nghĩ về khả năng quá trình bùng nổ kinh tế sẽ ngắn hơn dự kiến.

Đình Thư