Các đường đứt gãy mới của kinh tế thế giới
Tờ The Economist nhận định đại dịch COVID-19 đã gây ra một cuộc suy thoái kinh tế đáng sợ, nhưng giờ đây kinh tế đang bùng nổ. Chỉ số do JPMorgan Chase và IHS Markit đưa ra cho thấy rằng tăng trưởng toàn cầu đang ở mức cao nhất kể từ những ngày rực rỡ của năm 2006. Tuy nhiên, tăng trưởng mạnh mẽ của kinh tế thế giới cũng là nguồn gốc gây ra sự lo lắng, khi có ba đường đứt gãy nằm bên dưới bề mặt của đà tăng trưởng này.
Đường đứt gãy đầu tiên là việc phân chia và phân phối vaccine COVID-19. Chỉ những quốc gia nhận được vaccine COVID-19 mới có thể kiểm soát được dịch bệnh. Tiêm đủ vaccine là điều kiện để các cửa hàng, quán bar, văn phòng mở cửa trở lại, khách hàng và người lao động yên tâm ra khỏi nhà.
Nhưng hiện chỉ 1/4 dân số thế giới mới được tiêm liều vaccine đầu tiên và chỉ 1/8 dân số được tiêm đủ hai mũi. Ngay cả ở Mỹ, một số bang chưa được tiêm chủng rộng rãi hiện cũng đang phải đối mặt với sự lây lan nhanh chóng của biến thể Delta.
Đường đứt gãy thứ hai là việc đảm bảo cung và cầu. Tình trạng thiếu vi mạch đã làm gián đoạn việc sản xuất đồ điện tử và ô tô. Chi phí vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc đến các cảng ở bờ Tây nước Mỹ đã tăng gấp 4 lần so với mức trước đại dịch.
Ngay cả khi những nút thắt này chưa được giải quyết, các nền kinh tế mới mở cửa trở lại sẽ tạo ra sự mất cân đối mới. Ở một số quốc gia, mọi người có vẻ thích đi nhậu hơn là làm việc, gây ra tình trạng thiếu lao động trong lĩnh vực dịch vụ.
Giá nhà tăng, cho thấy rằng giá thuê cũng sẽ sớm bắt đầu tăng. Điều này có thể gây ra lạm phát và làm sâu sắc thêm mối lo không thể mua nhà của một số bộ phận người dân.
Đường đứt gãy cuối cùng là việc rút bớt các chương trình nới lỏng tiền tệ. Tại một thời điểm, các nhà lãnh đạo sẽ đảo ngược các biện pháp hỗ trợ bắt đầu từ năm ngoái để giảm thiểu tác động của đại dịch COVID-19.
Các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đã mua lượng tài sản trị giá hơn 10.000 tỷ USD kể từ khi đại dịch bắt đầu và đang xem xét làm thế nào để không gây biến động lớn trên thị trường vốn khi thắt chặt chính sách tiền tệ. Trung Quốc, quốc gia có nền kinh tế tăng trưởng dương trong năm 2020, đã đánh đi tín hiệu về việc thắt chặt chính sách tín dụng trong năm nay.
Trong khi đó, các chương trình viện trợ khẩn cấp của chính phủ, chẳng hạn như bảo hiểm thất nghiệp bổ sung và các điều khoản về không trục xuất ra khỏi nhà thuê, đang bắt đầu hết hiệu lực. Các hộ gia đình dường như sẽ không nhận được thêm một nguồn tài chính mới nào trong năm 2022.
Cho đến nay, các nền kinh tế phần lớn đã tránh được làn sóng phá sản, song vẫn chưa rõ liệu các công ty sẽ đối phó như thế nào khi các khoản vay khẩn cấp đến hạn và người lao động không còn phải gánh thêm chi phí đóng thuế.
Một số người bi quan dự báo về sự quay trở lại của tình trạng lạm phát giống như những năm 1970, hoặc sự sụp đổ tài chính. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng những kết quả như vậy dường như không có khả năng xảy ra.
Thay vào đó, cách tốt hơn để nghĩ về viễn cảnh bất thường là xem ba đường đứt gãy trên tương tác như thế nào trong các nền kinh tế khác nhau.
Bắt đầu với Mỹ, với lượng vaccine dồi dào và các gói kích thích khổng lồ, nước này có nguy cơ tăng trưởng nóng nhất. Trong những tháng gần đây, lạm phát đã đạt mức chưa từng thấy kể từ đầu những năm 1980 và thị trường lao động trở nên căng thẳng khi hoạt động kinh tế thay đổi.
Ngay cả sau khi số lượng việc làm tăng thêm 850.000 vào tháng Sáu, số lượng người làm việc trong lĩnh vực giải trí và khách sạn vẫn thấp hơn 12% so với trước đại dịch. Việc người lao động không muốn quay trở lại ngành này đã đẩy lương lên cao.
Mức lương theo giờ cao hơn gần 8% so với tháng 2/2020. Có thể, tình hình sẽ cải thiện khi trợ cấp thất nghiệp khẩn cấp hết hạn vào tháng Chín tới. Dù vậy, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn đang chịu sức ép về việc thắt chặt chính sách tiền tệ.
Tại châu Âu, các nước đang bắt kịp tốc độ tiêm chủng vaccine COVID-19. Tại Anh, Pháp và Thụy Sỹ, 8-13% nhân viên vẫn làm việc theo kế hoạch tăng cường vào cuối tháng Năm vừa qua.
Ở tất cả các nền kinh tế này, rủi ro đặt ra là các nhà hoạch định chính sách phản ứng quá mức với lạm phát nhập khẩu tạm thời và rút chương trình hỗ trợ quá nhanh. Nếu vậy, nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng, giống như Khu vực đồng euro đã phải hứng chịu sau cuộc khủng hoảng tài chính giai đoạn 2007-2009.
Các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình cũng đang bị ràng buộc. Trong năm nay, các nước nghèo nhất, vốn đang rất thiếu vaccine, được dự báo sẽ tăng trưởng chậm hơn các nước giàu trong vòng 25 năm.
Bên cạnh việc dịch COVID-19 làm suy yếu đà phục hồi, các thị trường mới nổi cũng phải đối mặt với viễn cảnh lãi suất cao hơn tại Mỹ. Điều này tạo ra xu hướng gây áp lực giảm giá lên đồng nội tệ của các nước khi các nhà đầu tư mua đồng USD, qua đó làm tăng nguy cơ bất ổn tài chính.
Brazil, Mexico và Nga đã tăng lãi suất trong thời gian gần đây và nhiều nước khác có thể có biện pháp tương tự. Sự chậm trễ của chương trình tiêm chủng và việc thắt chặt quá sớm chính sách tiền tệ sẽ gây tổn thương cho nền kinh tế.
Theo một số nhà tích, mùa Hè năm 2022, hầu hết dân số sẽ được tiêm chủng, doanh nghiệp sẽ thích nghi với các mô hình nhu cầu mới và các gói kích thích tài khóa sẽ được dỡ bỏ một cách có trật tự. Tuy nhiên, trong sự bùng nổ kinh tế hiện nay, các nước vẫn cần cẩn trọng với những đường đứt gãy đã nêu ra ở trên.