|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

KBSV hạ dự báo tăng trưởng 2021 xuống 5,8%, nhấn mạnh hai yếu tố tác động triển vọng kinh tế cuối năm

08:15 | 16/07/2021
Chia sẻ
KBSV nhận định tốc độ triển khai chương trình tiêm vắc xin quy mô lớn và thời điểm Việt Nam đẩy lùi thành công đợt dịch COVID-19 hiện tại là hai yếu tố trọng yếu tác động đến dự báo tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng cuối năm.

Tăng trưởng GDP Việt Nam năm nay dự báo đạt 5,8%

Công ty Cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) vừa công bố báo cáo vĩ mô, theo đó điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng năm 2021 từ 6,5% (trong báo cáo hồi tháng 4) xuống còn 5,8%, Dự báo này phản ánh tác động của đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 đang diễn ra và việc TP HCM phải áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

Trong đó, kỳ vọng tăng trưởng xuất khẩu trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ ở các nước phát triển phục hồi, đặc biệt ở lĩnh vực chế biến chế tạo, cùng các lĩnh vực truyền thống (dệt may, gia dày, gỗ, thuỷ sản) là động lực hỗ trợ chính cho kinh tế 6 tháng cuối năm, bên cạnh các động lực khác như thu hút vốn FDI, giải ngân đầu tư công.

KBSV hạ dự báo tăng trưởng 2021 xuống 5,8%, nhấn mạnh hai yếu tố tác động triển vọng kinh tế cuối năm - Ảnh 1.

KBSV dự báo tăng trưởng năm 2021 đạt mức 5,8%.

Ở chiều ngược lại, nhu cầu tiêu thụ trong nước khó phục hồi trở lại do dịch bệnh vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro trong 6 tháng cuối năm là yếu tố chính làm hạ triển vọng tăng trưởng kinh tế 2021.

Về tổng thể, KBSV cho rằng tốc độ triển khai chương trình tiêm vắc xin quy mô lớn và thời điểm Việt Nam đẩy lùi thành công đợt dịch COVID-19 hiện tại là hai yếu tố trọng yếu tác động đến dự báo tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng cuối năm.

Xuất khẩu là động lực thúc đẩy tăng trưởng, nhưng tiềm ẩn rủi ro từ dịch bệnh

Trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam đạt 157,63 tỷ USD (tăng 28,4% so với cùng kỳ). Số liệu từ Tổng cục Hải quan cũng cho thấy hầu hết các mặt hàng xuất khẩu truyền thống đến các đối tác thương mại lớn đều ghi nhận tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ trong 4 tháng đầu năm.

Theo KBSV, động lực thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam trong nửa đầu năm, và sẽ tiếp tục duy trì trong phần còn lại của năm 2021 đến từ ba nguyên nhân:

Thứ nhất, chương trình vắc xin đang được triển khai hiệu quả, các nền kinh tế lớn mở cửa trở lại kéo theo đó là sự gia tăng nhu cầu nhập khẩu hàng hoá và dịch vụ.

Nguyên nhân thứ hai, với việc các FTA được ký kết đang dần có hiệu lực (CPTPP, EVFTA, UKFTA, RCEP,…), các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước đang dần nắm bắt được các lợi thế cạnh tranh khi được hưởng lợi từ các mức thuế quan ưu đãi.

Cuối cùng, giá hàng hoá xuất khẩu, nhất là các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam (sắt thép, nông thủy sản, gạo…) đang có xu hướng tăng là động lực quan trọng để gia tăng giá trị xuất khẩu.

KBSV nhận định rủi ro khiến tăng trưởng xuất khẩu chậm lại có thể đến từ hai yếu tố chính là dịch bệnh bùng phát, đặc biệt ở các khu công nghiệp, thành phố lớn tác động tiêu cực đến năng lực sản xuất và tình trạng thiếu tàu, thiếu container rỗng và giá cước vận tải biển tăng hiện chưa thấy có dấu hiệu sớm được khắc phục.

Trong báo cáo, công ty cũng kỳ vọng thu hút vốn đầu tư FDI tiếp tục tăng trưởng mạnh trong 6 tháng cuối năm

"Nhờ các thành tựu chống dịch hiệu quả, cùng việc thực thi hàng loạt các hiệp định FTA, Việt Nam đã và sẽ tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các tập đoàn đa quốc gia trong bối cảnh nhu cầu đa dạng hoá chuỗi cung ứng sản xuất ra khỏi Trung Quốc gia tăng", báo cáo nêu.

Với việc làn sóng COVID-19 lần thứ 4 kéo dài từ đầu quý II và có dấu hiệu tăng nhanh trong thời gian gần đây, đặc biệt ở TP HCM, đầu tàu kinh tế của cả nước, cùng các tỉnh tập trung nhiều khu công nghiệp như Bắc Giang, Bắc Ninh, KBSV cho rằng các số liệu nửa cuối năm liên quan tới sản xuất và tiêu dùng sẽ cho thấy mức ảnh hưởng đáng kể khi hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình trệ, thu nhập người dân giảm sút, các hoạt động kinh tế suy yếu.

Dự báo lạm phát trong năm 2021 được hạ xuống mức 3,2% (từ mức 3.8% đưa ra trong báo cáo quý I), phản ánh nhu cầu tiêu thụ trong nước suy yếu do tác động của đợt dịch hiện tại kết hợp với việc đà tăng của giá hàng hoá chững lại sau giai đoạn tăng mạnh từ đầu năm đến giữa quý II trong khi giá thịt lợn hơi tiếp tục xu hướng đi xuống.

Anh Đào