|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

‘Đầu tàu’ TP HCM hơn 16.000 ca nhiễm và nỗi lo nền kinh tế có thể chịu ảnh hưởng trầm trọng hơn

19:15 | 13/07/2021
Chia sẻ
Làn sóng COVID-19 lần thứ 4 kéo dài với quy mô lây lan rộng hơn, đặc biệt đầu tàu kinh tế TP HCM ghi nhận ca nhiễm kỷ lục là một trong những yếu tố gia tăng rủi ro kinh tế có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn.

Làn sóng dịch COVID-19 thứ 4 bùng phát tại Việt Nam hơn 2 tháng nhưng chưa có dấu hiệu dừng lại. Sau khi dịch được khống chế ở Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, ổ dịch liên quan nhóm truyền giáo Phục hưng bùng phát, bắt đầu chuỗi ngày tấn công TP HCM, sau đó lan ra các tỉnh thành phía Nam. 

Đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 cũng kéo dài hơn với quy mô rộng hơn, kéo theo rủi ro nền kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn.

Hơn nữa, đầu tàu kinh tế TP HCM ghi nhận ca nhiễm cao kỷ lục cũng dấy lên nhiều lo ngại khi TP HCM đóng góp GDP nhiều nhất cho cả nước, với khoảng 22,3%.

‘Đầu tàu’ TP HCM hơn 16.000 ca nhiễm và những điểm khác của làn sóng COVID-19 mới khiến kinh tế có thể chịu ảnh hưởng trầm trọng hơn - Ảnh 1.

TP HCM hiện có hơn 36.000 công nhân đã tạm ngừng sản xuất do phát hiện ca mắc COVID-19. (Ảnh minh họa: Sadeco).

COVID-19 tấn công các thủ phủ khu công nghiệp

Khác với ba đợt dịch trước đó, đợt COVID-19 lần thứ 4 tấn công nhiều "thủ phủ" khu công nghiệp (KCN) của cả nước. Ngoài Bắc Giang và Bắc Ninh đã khống chế được dịch, các nhà máy dần hoạt động bình thường trở lại, ở phía Nam, TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Đồng Tháp đều đang đối mặt các ca nhiễm tăng nhanh.

‘Đầu tàu’ TP HCM hơn 16.000 ca nhiễm và những điểm khác của làn sóng COVID-19 mới khiến kinh tế có thể chịu ảnh hưởng trầm trọng hơn - Ảnh 1.

6 tỉnh, thành phố có lượng lớn công nhân làm việc trong các khu công nghiệp.

Hôm qua ngành y tế TP HCM phát hiện 275 ca nhiễm thông qua xét nghiệm nhanh các doanh nghiệp tại Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7.

Ngay sau đó, 29 doanh nghiệp trong Khu chế xuất Tân Thuận phải tạm ngưng hoạt động. Khu chế xuất Tân Thuận có 250 công ty với khoảng 60.000 lao động. Trước đó, ngày 9/7, hai doanh nghiệp trong khu chế xuất với gần 2.000 công nhân quyết định tạm ngừng hoạt động 15 ngày để phòng dịch.

Theo thống kê của Liên đoàn Lao động TP HCM, đến thời điểm hiện tại có hơn 1.800 trường hợp công đoàn viên, người lao động mắc COVID-19; gần 10.000 trường hợp F1 và gần 15.000 trường hợp F2. Đồng thời, có 6 nhà máy với tổng cộng hơn 36.000 công nhân đã tạm ngừng sản xuất do phát hiện ca mắc COVID-19.

‘Đầu tàu’ TP HCM hơn 16.000 ca nhiễm và những điểm khác của làn sóng COVID-19 mới khiến kinh tế có thể chịu ảnh hưởng trầm trọng hơn - Ảnh 2.

Còn ở Đồng Nai, hôm qua, gần 17.000 công nhân Công ty TNHH Pouchen Việt Nam (phường Hóa An, TP Biên Hòa) bắt đầu tạm nghỉ 14 ngày do công ty mới ghi nhận hai trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.

Ông Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai cho biết, nhiều trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 được ghi nhận lẻ tẻ trong một số doanh nghiệp đông lao động như Công ty Changshin Việt Nam (huyện Vĩnh Cửu), Công ty Pouchen Việt Nam (TP Biên Hòa), Công ty Namyang (Khu Công nghiệp Sông Mây, huyện Trảng Bom) và các công ty khác ở huyện Nhơn Trạch.

‘Đầu tàu’ TP HCM hơn 16.000 ca nhiễm và những điểm khác của làn sóng COVID-19 mới khiến kinh tế có thể chịu ảnh hưởng trầm trọng hơn - Ảnh 4.

TP HCM có khoảng 38 doanh nghiệp phát hiện ca nhiễm COVID-19. (Ảnh minh họa: Zing).

Cũng trong hôm qua, CDC Đồng Tháp xác định 38 ca dương tính mới đều là công nhân của Công ty TNHH Thủy sản Phát Tiến. Công ty này có khoảng 700 công nhân, trụ sở tại xã Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh. Đồng Tháp hiện có khoảng 3.000 doanh nghiệp, 72.000 công nhân. Trước đó, tỉnh cũng phát hiện 34 trường hợp mắc COVID-19 tại Xí nghiệp May 6 (TP Sa Đéc), nơi có 1.200 công nhân làm việc.

Tại Bình Dương, tốc độ gia tăng ca bệnh xác lập kỷ lục mới khi hôm 11/7, tổng số ca mắc trong cộng đồng tại Bình Dương cũng đã cán mốc 1.500 ca. Theo Sở Y tế Bình Dương, dịch bệnh đã xuất hiện ở 48 công ty, xí nghiệp và hàng chục khu nhà trọ công nhân.

Mới đây, công ty PouYuen thuộc tập đoàn Pouchen - doanh nghiệp có số công nhân đông nhất TP HCM hiện nay với 56.000 lao động cũng mới thông báo ghi nhận 49 ca dương tính COVID-19. Từ ngày mai, công ty này sẽ tạm dừng sản xuất trong 10 ngày theo yêu cầu của chính quyền địa phương để phòng chống dịch.

"Đầu tàu kinh tế" TP HCM kỷ lục về số ca nhiễm

‘Đầu tàu’ TP HCM hơn 16.000 ca nhiễm và nỗi lo nền kinh tế có thể chịu ảnh hưởng trầm trọng hơn - Ảnh 5.

Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm của TP HCM đạt 5,46%. (Nguồn: Cục Thống kê).

Dịch COVID-19 lần này tấn công TP HCM, đầu tàu kinh tế của cả nước. Từ ngày phát hiện ổ dịch nhóm truyền giáo Phục hưng hôm 26/5 đến nay, bức tranh dịch COVID-19 tại TP HCM phức tạp hơn nhiều. 

Những ngày đầu tháng 7, chu kỳ 1.000 ca nhiễm của TP HCM ngày càng ngắn lại, ngày 1/7 vượt mốc 4.000 ca nhiễm, ngày 3/7 ghi nhận hơn 5.000 ca nhiễm. Ngay hôm sau, 4/7, thành phố cán mốc 6.000 ca. 

Hôm qua 12/7, TP HCM ghi nhận kỷ lục hơn 1.700 ca mắc mới. 

Sau hơn 1 tháng dịch xuất hiện, toàn TP có  hơn 16.000 ca, chiếm hơn nửa tổng số ca toàn quốc trong đợt dịch lần thứ 4. 

Ngay từ đầu tháng 6, khi dịch chưa nghiêm trọng tại TP HCM, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đã nhận đinh "với 1,6 triệu công nhân trong các nhà máy, nếu TP HCM không quản lý tốt, nguy cơ khủng hoảng sẽ xảy ra rất nhanh".

Đợt dịch kéo dài, 14 tỉnh thành áp dụng Chỉ thị 16 ở các khu vực có COVID-19

‘Đầu tàu’ TP HCM hơn 16.000 ca nhiễm và những điểm khác của làn sóng COVID-19 mới khiến kinh tế có thể chịu ảnh hưởng trầm trọng hơn - Ảnh 5.

TP HCM thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 từ 0h ngày 9/7. (Ảnh: NLĐ).

Một trong những rủi ro cản trở đà phục hồi kinh tế Việt Nam là dịch bệnh kéo dài. Làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát cuối tháng 4, đến nay đã trải qua 2,5 tháng nhưng vẫn chưa thể khống chế hoàn toàn. Xét về quy mô lây lan, đợt dịch lần này lan ra 55 tỉnh thành, hơn nhiều so với ba đợt dịch trước đó. 

Tổng số ca lây nhiễm cộng đồng trong ba đợt dịch trước chỉ hơn 1.500 ca, đến đợt dịch thứ 4 với biến chủng Delta, số ca nhiễm lên tới hơn 30.000 ca và vẫn còn tiếp tục tăng. 

Do dịch phát tán với tốc độ nhanh, các biện pháp phong tỏa, giãn cách cũng được triển khai quyết liệt hơn nhằm khống chế dịch. Hiện có tới 14 tỉnh, thành áp dụng cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 ở các TP, thị xã, huyện trực thuộc. Riêng TP HCM cách ly toàn thành phố từ 0h ngày 9/7. 

Nhiều tổ chức hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam

‘Đầu tàu’ TP HCM hơn 16.000 ca nhiễm và những điểm khác của làn sóng COVID-19 mới khiến kinh tế có thể chịu ảnh hưởng trầm trọng hơn - Ảnh 3.

Các tổ chức hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2021. (Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo của VCSC, VDSC, HSBC và UOB).

Giữa lúc Việt Nam đang ứng phó làn sóng dịch nghiêm trọng nhất từ trước đến nay, các tổ chức quốc tế cũng điều chỉnh dự báo tăng trưởng năm nay. 

Trong báo cáo công bố hồi đầu tháng 7 của Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), công ty nhận định triển vọng kinh tế suy giảm do đợt bùng phát dịch lần thứ 4. 

VDSC cho rằng trrong thời gian tới, triển vọng kinh tế của Việt Nam vẫn phụ thuộc vào tình hình diễn biến COVID19. 

Trong tháng 7, TP HCM sẽ tiếp tục các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt do số lượng nhiễm COVID-19 trong cộng đồng tăng cao. Ngoài ra, dịch bệnh cũng đã lan sang các tỉnh vệ tinh khác của TP HCM, các tỉnh miền Tây và miền Trung như Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Phú Yên, An Giang và Tiền Giang. 

Tác động của dịch bệnh lên nền kinh tế có thể sẽ nghiêm trọng hơn với quy mô lây lan của làn sóng lây nhiễm lần này và các biện pháp giãn cách xã hội đang được triển khai. 

Chi tiêu tiêu dùng trong nước đã và đang chịu tác động tiêu cực của đại dịch, trong tháng 6/2021, doanh số bán lẻ giảm 2,0% so với tháng trước và 6,6% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Trong khi đó, lĩnh vực sản xuất, vốn được coi là khu vực vững vàng nhất của nền kinh tế, cũng có dấu hiệu suy giảm. Theo IHS Markit, sản lượng sản xuất ghi nhận sự sụt giảm mạnh vào tháng 6/2021, chỉ số PMI giảm mạnh xuống 44,1 từ mức 53,1 vào tháng 5/2021.

‘Đầu tàu’ TP HCM hơn 16.000 ca nhiễm và những điểm khác của làn sóng COVID-19 mới khiến kinh tế có thể chịu ảnh hưởng trầm trọng hơn - Ảnh 7.

Đợt dịch lần thứ 4 kéo dài hơn 2 tháng vẫn chưa kết thúc. (Ảnh: AP).

Ở báo cáo mới nhất, CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC) hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam từ 6,7% xuống 5,5%. Dự báo này dựa trên giả định dịch được kiểm soát trong quý III. Tuy nhiên, nếu làn sóng dịch COVID-19 thứ 4 kéo dài sang quý IV/2021 hoặc các biện pháp giãn cách xã hội được thực trên toàn quốc để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh thì dự báo trên của VCSC sẽ khó xảy ra.

Một tuần trước, HSBC cũng điều chỉnh kỳ vọng tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2021 từ 6,6% xuống 6,1%. Mặc dù vậy, các chuyên gia cho rằng một khi kiểm soát được dịch bệnh COVID-19, Việt Nam sẽ lấy lại đà tăng trưởng nhanh chóng.

‘Đầu tàu’ TP HCM hơn 16.000 ca nhiễm và những điểm khác của làn sóng COVID-19 mới khiến kinh tế có thể chịu ảnh hưởng trầm trọng hơn - Ảnh 8.

Bảng xếp hạng các nền kinh tế chống chịu tốt trước COVID-19 do Bloomberg công bố hồi cuối tháng 6. (Nguồn: Bloomberg).

Hồi cuối tháng 6, Bloomberg công bố bảng xếp hạng theo tháng, đánh giá khả năng phục hồi của 53 nền kinh tế, từ mức tốt nhất cho tới tồi tệ nhất. Theo đánh giá của Bloomberg, Việt Nam tụt xuống vị trí thứ 40, xếp ngay sau Thái Lan và trên Indonesia, Malaysia, Philippines. Về tăng trưởng kinh tế, các chuyên gia của Bloomberg dự báo Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức 6,7% năm nay.

Trong lần công bố hôm 27/4 (khi Việt Nam chưa đón làn sóng COVID-19 mới), thứ hạng của Việt Nam là 11/53 và được dự báo sẽ tăng trưởng 7,3%.

Anh Đào

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.