|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Trung Quốc cho thấy vết rạn nứt đầu tiên trong cuộc phục hồi kinh tế toàn cầu

06:52 | 13/07/2021
Chia sẻ
Nước đi nới lỏng chính sách tiền tệ của Trung Quốc báo hiệu rằng cuộc phục hồi kinh tế của nước này nói riêng và thế giới nói chung có thể mỏng manh hơn dự đoán ban đầu.
Trung Quốc cho thấy vết rạn nứt đầu tiên trong cuộc phục hồi kinh tế toàn cầu - Ảnh 1.

Một khu thương mại sầm uất ở Bắc Kinh, tháng 10/2020. (Ảnh: Getty Images).

Trung Quốc được coi là nền kinh tế lớn đầu tiên thoát khỏi đại dịch COVID-19 khi ghi nhận tăng trưởng dương trong năm ngoái. Tuy nhiên, cuộc phục hồi kinh tế của Trung Quốc lại đang có dấu hiệu phai nhạt dần.

Trung Quốc đang thực hiện động thái nới lỏng chính sách tiền tệ - trong khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đặt nền móng để giảm bớt việc mua tài sản tài chính.

Sự giảm tốc đáng kể của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể khiến các cường quốc thương mại khác suy nghĩ lại về sự vững chắc về đà phục hồi của toàn cầu, cũng như hiểu được việc rút lại kích thích là khó khăn đến mức nào.

Thứ Sáu tuần trước, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc cho hầu hết các ngân hàng xuống nửa điểm %. Điều này có nghĩa là khoảng 1.000 tỷ nhân dân tệ (154 tỷ USD) thanh khoản dài hạn sẽ được giải phóng, Bloomberg cho biết. 

Tuy Bắc Kinh đã phát tín hiệu từ đầu tuần trước, các nhà kinh tế vẫn bị bất ngờ vì động thái này được thực hiện quá nhanh chóng. Có thể giới quan chức đang báo hiệu rằng dữ liệu tăng trưởng kinh tế trong quý II sẽ yếu ớt.

Sự chuyển hướng của PBoC rất đáng chú ý vì Trung Quốc đã dành hàng tháng trời để truyền tải thông điệp rằng nước này đang cắt giảm hỗ trợ cho nền kinh tế.

Với việc phần tồi tệ nhất của cú sốc đại dịch dường như đã nằm lại phía sau, các nhà hoạch định chính sách có thể tập trung trở lại vào nỗi lo chính trước khi COVID-19 ập đến: củng cố ổn định tài chính và ngăn doanh nghiệp vay nợ quá nhiều.

Bắc Kinh có vẻ như đã bắt đầu rút lại nới lỏng định lượng trong một khoảng thời gian. Nhưng động thái giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc cho thấy Trung Quốc đang hướng đến nới lỏng – chứ không phải thắt chặt – chính sách tiền tệ.

Bắc Kinh đang cho các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới thấy khó khăn mà giới hoạch định chính sách có thể đối mặt khi cuộc phục hồi lớn hậu COVID-19 giảm tốc.

Hiển nhiên rằng tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong thời gian tới sẽ thấp hơn tốc độ kỷ lục 18,3% trong quý I/2021. Nhưng khả năng nền kinh tế có thể nguội lạnh cực kỳ nhanh chóng, cộng với giá hàng hóa và giá xuất xưởng cao, đã khiến nhà đầu tư chú ý.  

Nỗi lo rằng Trung Quốc đang dẫn đầu cuộc giảm tốc kinh tế toàn cầu đã kéo chứng khoán châu Á đi xuống trong phiên 9/7 và đè nặng lên lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ tuần vừa qua. Ngay cả khi tăng trưởng GDP Trung Quốc trong quý II vẫn đáp ứng kỳ vọng của các nhà kinh tế là khoảng 8%, xu hướng suy yếu khiến nhiều người lo ngại.

Trung Quốc cho thấy vết rạn nứt đầu tiên trong cuộc phục hồi kinh tế toàn cầu - Ảnh 2.

Cần chú ý rằng sự chuyển hướng của PBoC sẽ có tác động bớt kịch tính hơn nhiều so với Fed. Chính sách tài khóa của Trung Quốc tuy cũng hỗ trợ tăng trưởng nhưng vẫn cách xa mức độ hào phóng của Mỹ.  

Nếu đến cả Bắc Kinh còn nghi ngờ về việc rút lại kích thích tối thiểu, thì ngân hàng trung ương Mỹ, Anh, châu Âu và các nước khác nên làm gì? Việc tăng lãi suất sẽ không xảy ra trong vài năm nữa.

Tuần trước, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tiết lộ chiến lược mới sẽ giúp duy trì lãi suất trong thời gian lâu dài hơn. Sự đổi ý của Bắc Kinh khiến cho thời điểm của sự công bố này trở nên khôn ngoan.  

Các nhà kinh tế đang chia rẽ về việc liệu động thái của Trung Quốc thể hiện sự quay trở lại chính sách nới lỏng trên diện rộng hay là sự điều chỉnh khiêm tốn. Nhưng chỉ một động thái nhỏ của Trung Quốc cũng có ý nghĩa quan trọng. Việc ngân hàng trung ương quyền lực thứ hai thế giới sửa đổi chiến lược sẽ buộc Fed phải suy xét thật cẩn thận.

Giang