|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Trung Quốc đang là cường quốc số 2 nhưng có thể không bao giờ qua mặt được Mỹ

15:05 | 06/07/2021
Chia sẻ
4 yếu tố chính có thể khiến Trung Quốc không bao giờ vượt mặt Mỹ: cải cách thất bại, lực lượng lao động sụt giảm, bị các nước cô lập, khủng hoảng tài chính.
Trung Quốc có thể không bao giờ vượt qua Mỹ, thậm chí còn đi đến kịch bản ác mộng - Ảnh 1.

Màn hình phát bài phát biểu được truyền hình trực tiếp của Chủ tịch Tập Cận Bình ngày 1/7/2021. (Ảnh: Bloomberg).

Khi nào Trung Quốc sẽ đoạt ngôi nền kinh tế lớn nhất thế giới từ Mỹ? Hiếm có câu hỏi nào quan trọng hơn đối với nhà đầu tư, chủ doanh nghiệp hay các vị tướng lĩnh lập chiến lược về điểm nóng địa chính trị.

Tại Bắc Kinh, giới lãnh đạo đang làm hết sức để chứng minh rằng cuộc đổi ngôi là tất yếu. Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố: "Trung Quốc đang tiến tới sự hồi sinh tuyệt vời với tốc độ không thể cản nổi".

Trung Quốc có thể không bao giờ vượt qua Mỹ, thậm chí còn đi đến kịch bản ác mộng - Ảnh 2.

Nếu ông Tập hoàn thành cuộc cải cách để thúc đẩy tăng trưởng còn Tổng thống Joe Biden không thể thực hiện kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng và mở rộng lực lượng lao động, các nhà kinh tế Bloomberg dự đoán Trung Quốc có thể nắm giữ vị trí số một vào năm 2031.

Nhưng kết quả trên không phải là chắc chắn. Chương trình cải cách của Trung Quốc đang chững lại, thuế quan và các đòn trừng phạt thương mại khác làm gián đoạn khả năng tiếp cận tới thị trường toàn cầu và công nghệ tiên tiến, và kích thích kinh tế thời COVID-19 đã đẩy tỷ lệ nợ của Trung Quốc lên mức cao kỷ lục.

Kịch bản ác mộng đối với ông Tập là Trung Quốc rơi vào quỹ đạo giống như Nhật Bản – đất nước từng được ca ngợi là đối thủ xứng tầm của Mỹ nhưng lại suy sụp. Sự kết hợp giữa thất bại trong cải cách, bị cô lập quốc tế và khủng hoảng tài chính có thể cản bước Trung Quốc trước khi nước này vươn lên đỉnh cao.

Trong bài báo này, các chuyên gia Bloomberg sử dụng GDP danh nghĩa – thường được coi là thước đo tốt nhất của sức mạnh kinh tế.

Về lâu dài, có ba yếu tố tác động đến tốc độ tăng trưởng kinh tế. Thứ nhất là quy mô của lực lượng lao động. Thứ hai là khối lượng tư bản – hàng hóa đã được đầu tư và đang phục vụ trong quá trình sản xuất như nhà máy, cơ sở hạ tầng giao thông. Cuối cùng là năng suất.

Trong cả ba lĩnh vực trên, Trung Quốc đều đối mặt với tương lai không chắc chắn.

Hãy bắt đầu với lực lượng lao động. Có thêm lao động đồng nghĩa với có thêm tăng trưởng và ngược lại. Tỷ lệ sinh đẻ thấp đồng nghĩa với việc dân số Trung Quốc trong độ tuổi lao động đã đạt đỉnh. Nếu tỷ lệ sinh tiếp tục thấp, dự kiến trong ba thập kỷ tới, dân số sẽ giảm hơn 260 triệu người, tương đương 28%.

Hiểu rõ rủi ro, Bắc Kinh đã thay đổi đường lối. Cuối tháng 5, chính phủ Trung Quốc cho phép mỗi gia đình có ba con. Trung Quốc cũng cân nhắc kế hoạch nâng tuổi nghỉ hưu để người lao động làm việc lâu hơn.

Trung Quốc có thể không bao giờ vượt qua Mỹ, thậm chí còn đi đến kịch bản ác mộng - Ảnh 3.

Trung Quốc có thể không thành công. Ngay cả khi luật được nới lỏng, các gia đình có thể không muốn có thêm con vì chi phí nhà ở và giáo dục quá cao. 

Triển vọng về chi tiêu cho cơ sở hạ tầng của Trung Quốc thì không tối tăm đến vậy. Không ai đoán số lượng đường sắt, robot hay tháp 5G của Trung Quốc sẽ giảm. 

Nhưng sau nhiều năm đầu tư mạnh tay, có nhiều dấu hiệu cho thấy hiệu quả của chiến lược này đang giảm dần. Dư thừa năng suất trong công nghiệp, các thành phố ma đầy rẫy nhà bỏ hoang là minh chứng. 

Trong bối cảnh lực lượng lao động sẽ giảm và chi tiêu cho cơ sở hạ tầng đã thừa thãi, chìa khóa cho tăng trưởng tương lai của Trung Quốc là năng suất.

Các nhà hoạch định công nghiệp của Bắc Kinh có kế hoạch chi tiết để cải thiện năng suất, và Trung Quốc có bề dày thành tích về cải cách thành công để nâng cao tăng trưởng.

So với Mỹ, hiện nay Trung Quốc mới chỉ đạt hiệu quả 50% trong cách kết hợp lao động và vốn, đồng nghĩa với việc còn rất nhiều khả năng để cải thiện.

Trung Quốc có thể không bao giờ vượt qua Mỹ, thậm chí còn đi đến kịch bản ác mộng - Ảnh 4.

Liệu Trung Quốc có thể hiện thực hóa lời hứa là thúc đẩy tăng trưởng bằng lao động tay nghề cao và công nghệ tiên tiến hơn? Không may cho các nhà lãnh đạo Trung Quốc, họ không kiểm soát được mọi yếu tố quyết định đến tăng trưởng tương lai.

Nếu mối quan hệ giữa Trung Quốc với Mỹ và các đồng minh tiếp tục căng thẳng, luồng ý tưởng và sáng tạo xuyên biên giới từng giúp thúc đẩy sự trỗi dậy của Trung Quốc sẽ cạn kiệt.

Nghiên cứu của các nhà kinh tế tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) chỉ ra rằng trong kịch bản cực đoan, với việc Trung Quốc và Mỹ chia thế giới thành các khu vực ảnh hưởng riêng biệt, GDP năm 2030 của Trung Quốc có thể giảm tới 8% so với kịch bản cơ sở là quan hệ ổn định.

Sự kết hợp giữa cải cách trong nước bị đình trệ và bị quốc tế cô lập có thể dẫn đến một kịch bản cực đoan khác: khủng hoảng tài chính.

Kể từ năm 2008, tỷ lệ nợ trên GDP của Trung Quốc đã nhảy vọt từ 140% lên 290%. Tại những nước khác, sự gia tăng đột biến về nợ như vậy báo hiệu rắc rối.

Trung Quốc có thể không bao giờ vượt qua Mỹ, thậm chí còn đi đến kịch bản ác mộng - Ảnh 5.

Nhiều học giả cũng nghi ngờ số liệu của Trung Quốc. Chính Thủ tướng Lý Khắc Cường cũng từng nói rằng dữ liệu GDP là "nhân tạo" khi ông là người đứng đầu tỉnh Liêu Ninh.

Biden không để yên

Tổng thống Biden tuyên bố: "Trung Quốc có mục tiêu là trở thành quốc gia hàng đầu, giàu có nhất, hùng mạnh nhất trên thế giới. Tôi sẽ không cho phép điều này xảy ra. Vì Mỹ sẽ tiếp tục tăng trưởng".

Đối với Mỹ, con đường dẫn tới tăng trưởng nhanh hơn là thông qua mở rộng lực lượng lao động, nâng cấp khối lượng tư bản và sáng tạo công nghệ. Kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng và hỗ trợ các gia đình hàng nghìn tỷ USD của ông Biden nhắm đến đúng những mục tiêu trên. Bằng cách nâng tốc độ tăng trưởng của Mỹ, chính quyền Biden có thể trì hoãn đà tiến của Trung Quốc.

Ai sẽ thắng?

Nếu mọi thứ đều xảy ra đúng ý Trung Quốc - từ cải cách trong nước đến quan hệ quốc tế - thì nước này sẽ ngang hàng với Mỹ trong thập kỷ tiếp theo - và sau đó là vượt mặt.

Kịch bản tăng trưởng của Trung QuốcNăm Trung Quốc vượt qua MỹTốc độ cải cáchTách rời với MỹTỷ lệ sinhCải cách hưu trí
Kịch bản cơ sở2033Ổn địnhMột phầnThấpĐến năm 2030
Kịch bản tích cực2031Quyết liệtKhôngTrung bìnhĐến năm 2025
Kịch bản tiêu cựcKhông bao giờ*ChậmHoàn toànThấpĐến năm 2040
Kịch bản tiêu cực+Khủng hoảng tài chínhKhông bao giờChậmHoàn toànThấpĐến năm 2040
Dữ liệu chính thức đã bị thổi phồngKhông bao giờỔn địnhMột phầnThấpĐến năm 2030
Nguồn: Bloomberg Economics
Lưu ý: *So sánh với kịch bản tăng trưởng kinh tế Mỹ tích cực

Ông Tập có logic của sự phát triển đứng về phía mình. Dân số của Trung Quốc lớn gấp 4 lần Mỹ. GDP bình quân đầu người chỉ còn cách Mỹ chưa đến 20%. Thêm một chút nữa là Trung Quốc sẽ giành được ngôi đầu.

Nhưng như lịch sử 100 năm qua của Trung Quốc cho thấy, sự phát triển không phải là định mệnh được sắp đặt sẵn. Lễ kỷ niệm 100 năm thành lập đảng của Trung Quốc tập trung vào thành công trong 40 năm gần nhất. Trong 60 năm trước đó, thành tích tăng trưởng của Trung Quốc mờ nhạt hơn nhiều.

Một số người lo rằng "100 năm thứ hai" của Trung Quốc không thể lặp lại được thành công như trước. Nếu nghi ngờ len lỏi vào tâm lý người dân, kinh tế Trung Quốc có thể rẽ sang ngả khác. Cải cách đình trệ, quan hệ toàn cầu bị rạn nứt, lực lượng lao động thu hẹp và khủng hoảng tài chính có thể khiến Trung Quốc vĩnh viễn ở vị trí thứ hai. 

Giang

Chủ tịch SSI: Rủi ro lớn nhất của thị trường nằm ở niềm tin nhà đầu tư
Công ty chứng khoán đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 8.112 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 3.398 tỷ đồng. So với kết quả 2023, các chỉ tiêu này tăng lần lượt 13% và 19% và là mức cao kỷ lục.