|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Nợ của Trung Quốc tăng đột biến, thể hiện qua các biểu đồ

20:03 | 29/06/2021
Chia sẻ
Nợ của Trung Quốc gia tăng đáng kể trong thập kỷ qua và trở thành một trong những thách thức kinh tế lớn nhất đối với giới lãnh đạo nước này.
Biểu đồ cho thấy sự gia tăng đột biến của nợ Trung Quốc - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: CNN Money/Shutterstock)

Theo CNBC, Bắc Kinh coi núi nợ đang ngày càng phình to là mối đe dọa tiềm tàng tới ổn định kinh tế. Trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã cố giảm bớt sự phụ thuộc vào nợ để tăng trưởng. Nhưng nỗ lực giảm đòn bẩy này đã bị hoãn lại trong năm ngoái vì COVID-19. 

Việc đại dịch COVID-19 làm tổn thương tăng trưởng kinh tế đã thúc đẩy các nhà chức trách Trung Quốc tạo điều kiện cho doanh nghiệp dễ vay vốn hơn. Hệ quả là nợ trên quy mô kinh tế của Trung Quốc tăng đến mức kỷ lục vào năm 2020.  

Nợ kỷ lục

Nợ của Trung Quốc tăng vọt ngay sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007-2008. Khi đó, giới chức trách mạnh tay tung ra gói kích thích khổng lồ chủ yếu được tài trợ qua các khoản vay ngân hàng.

Tỷ lệ nợ trên GDP của Trung Quốc ổn định trong vài năm trước khi tăng tốc và chạm mức cao nhất mọi thời đại là gần 290% trong quý III/2020, theo dữ liệu của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS).

Biểu đồ cho thấy sự gia tăng đột biến của nợ Trung Quốc - Ảnh 2.

Nhưng Trung Quốc không phải nước duy nhất ghi nhận nợ tăng đột biến trong năm 2020.

Các nền kinh tế lớn khác như Mỹ, Nhật Bản và một số nước châu Âu cũng chứng kiến tỷ lệ nợ trên GDP đi lên. Hiện tượng này xảy ra trong bối cảnh chính phủ khắp thế giới tăng cường chi tiêu để giúp doanh nghiệp và hộ gia đình vượt qua đại dịch.

Cơ cấu nợ của Trung Quốc

Tuy nhiên, cơ cấu nợ của Trung Quốc khác với Mỹ và Nhật Bản.

Nợ doanh nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong tổng nợ của Trung Quốc và tương đương với hơn 160% GDP, theo dữ liệu của BIS. Trong khi đó, nợ chính phủ mới là thành phần lớn nhất trong tổng nợ của cả Mỹ lẫn Nhật Bản.

Những biểu đồ cho thấy sự gia tăng đột biến của nợ Trung Quốc - Ảnh 3.

Với nền kinh tế phục hồi từ đại dịch, Trung Quốc đã khởi động lại nỗ lực kiểm soát nợ trong những tháng gần đây – sau khi tạm hoãn trong phần lớn năm qua.  

Nỗ lực của chính phủ đã đạt được một số thành quả. Cuối tháng 5/2021, tổng tài trợ vốn trong toàn xã hội Trung Quốc (total social financing) tăng 11% so với năm trước – chậm lại so với tốc độ tăng 11,7% của tháng trước đó. Tổng tài trợ vốn trong toàn xã hội là thước đo tổng quát về tín dụng và thanh khoản trong nền kinh tế. 

Các nhà kinh tế tại ngân hàng Barclays ước tính rằng tăng trưởng tín dụng của Trung Quốc sẽ nằm trong khoảng 10-10,5% vào cuối năm nay, thấp hơn đáng kể so với tốc độ tăng 13,3% cuối năm 2020.

Sự trỗi dậy của kinh tế Trung Quốc

Sự bùng nổ kinh tế sau khủng hoảng tài chính toàn cầu giúp Trung Quốc qua mặt Nhật Bản thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vào năm 2010, tuy thành tích này được thúc đẩy bởi nợ nần. Từ đó đến nay Trung Quốc đã giữ vững ngôi vị á quân, chỉ xếp sau Mỹ.

Những biểu đồ cho thấy sự gia tăng đột biến của nợ Trung Quốc - Ảnh 4.

Trung Quốc giờ nhắm đến mục tiêu trở thành nước phát triển. Tháng 11/2020, Chủ tịch Tập Cận Bình phát biểu Trung Quốc có khả năng tăng gấp đôi quy mô kinh tế và thu nhập bình quân đầu người vào năm 2035, tờ Tân Hoa Xã đưa tin.

Tuy nhiên, một số nhà quan sát cho rằng Bắc Kinh có thể không đạt được tham vọng trên. Nguyên nhân là việc hạn chế vay nợ sẽ tác động tiêu cực tới triển vọng kinh tế Trung Quốc trong những năm tới. Trong khi đó, cố gắng kích thích tiêu dùng để thúc đẩy tăng trưởng của Bắc Kinh lại chưa đạt được mấy thành công.

Một số chuyên gia khác thì lại nhận định rằng những trở ngại trên sẽ chỉ làm chậm lại chứ không thể cản bước tiến của Trung Quốc. Họ cho rằng không sớm thì muộn Trung Quốc sẽ soán ngôi Mỹ thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Giang