Vietnam Airlines muốn chi gần 93.000 tỷ đồng mua 50 tàu bay
Bộ Tài chính vừa có công văn gửi Vietnam Airlines để hướng dẫn về trình tự, thủ tục, thẩm quyền quyết định chủ trương dự án đầu tư 50 máy bay thân hẹp trị giá gần 3,7 tỷ USD, (tương đương 92.800 tỷ đồng).
Tại văn bản này, Bộ Tài chính cho biết, đây là dự án đầu tư của doanh nghiệp Nhà nước nên phải thực hiện đầu tư dự án theo cả quy định tại Luật số 69/2014/QH13 về quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp và Nghị định số 110/2011/NĐ-CP.
Cụ thể, dự án có tổng vốn lớn hơn 35% tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp thì thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông. Đồng thời, khoản 2, Điều 6, Nghị định số 110/2011/NĐ-CP quy định: “Trường hợp mua tàu bay, người đứng đầu doanh nghiệp ra quyết định đầu tư sau khi có ý kiến đồng ý về mặt chủ trương của Thủ tướng Chính phủ”.
Vì vậy, Vietnam Airlines cần trình Thủ tướng Chính phủ quyết định về chủ trường đầu tư. Trường hợp Thủ tướng Chính phủ có ý kiến đồng ý về mặt chủ trương, người đại diện doanh nghiệp có nghĩa vụ báo cáo, xin ý kiến bằng văn bản của Bộ Tài chính, trước khi người đại diện tham gia ý kiến, biểu quyết và quyết định tại Đại hội đồng cổ đông.
Đồng thời, doanh nghiệp này cần chịu trách nhiệm toàn diện, đảm bảo hiệu quả đầu tư và bảo toàn vốn nhà nước.
Dự án đầu tư 50 máy bay thân hẹp có tổng giá trị dự kiến khoảng 92.800 tỷ đồng đã được Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước báo cáo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà từ đầu năm 2025.
Chỉ đạo về vấn đề này, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước để hướng dẫn Vietnam Airlines về trình tự, thủ tục và thẩm quyền thực hiện.
Trường hợp thuộc thẩm quyền chấp thuận/quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ, các đơn vị hướng dẫn rõ trình tự, thủ tục, hồ sơ và cơ quan thẩm định/tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Vietnam Airlines ký kết biên bản ghi nhớ (MOU) về việc chào bán 50 máy bay Boeing. (Ảnh: VNA).
Trước đó, ngày 11/9/2023, Vietnam Airlines và Boeing đã ký kết bản ghi nhớ về việc chào bán 50 máy bay thân hẹp Boeing 737 MAX với giá trị 10 tỷ USD nhân chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden và nâng cấp quan hệ Việt Nam – Mỹ lên mức Đối tác Chiến lược Toàn diện.
Chia sẻ tại sự kiện này, ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines cho biết, hãng đang triển khai xây dựng kế hoạch phát triển đội máy bay giai đoạn 2025 - 2030, tầm nhìn 2035, trong đó đầu tư máy bay là dự án trọng điểm để Hãng hàng không Quốc gia đảm bảo đạt được mục tiêu, tầm nhìn chiến lược đã đặt ra trong giai đoạn phục hồi và phát triển bền vững.
Dự án đầu tư đội máy bay thân hẹp nhằm phục vụ cho kế hoạch phát triển, nâng cao chất lượng dịch vụ của Vietnam Airlines trên các đường bay nội địa và khu vực châu Á, đồng thời giúp chúng tôi hoàn thiện đội máy bay hiện đại, tiện nghi và tiết kiệm nhiên liệu, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines thông tin.
Ông cũng cho biết, Vietnam Airlines cần bổ sung khoảng 60 máy bay đến năm 2030 và khoảng 100 máy bay đến năm 2035, trong đó có phương án xem xét khai thác dòng máy bay Boeing 737 MAX. Đây là dòng máy bay thân hẹp một hạng ghế với cấu hình từ 150 - 230 ghế. Dòng máy bay Boeing 737 MAX đang được 70 hãng hàng không trên thế giới khai thác với hơn 1.150 máy bay.
Đội máy bay của Vietnam Airlines hiện tại có 100 chiếc, trong đó gồm 65 máy bay thân hẹp, khai thác hơn 97 đường bay tới 21 điểm nội địa và 29 điểm đến quốc tế, kết nối các thành phố lớn của thế giới với các điểm du lịch hấp dẫn tại Việt Nam.
Để nâng đội bay, Vietnam Airlines từng cho biết sẽ cân đối được một phần nguồn vốn cho dự án này thông qua quá trình tái cơ cấu tổng thể. Đồng thời, hãng sẽ làm việc với các tổ chức trong nước để thu xếp vốn với các giải pháp ngắn và trung hạn cho khoản triển trả trước (PDP Financing), bán và cho thuê lại tàu bay (sales & leaseback).
Theo báo cáo hợp nhất sau kiểm toán vừa được công bố, tổng doanh thu và thu nhập khác của Vietnam Airlines trong năm 2024 đạt 113.746 tỷ đồng, trong đó doanh thu và thu nhập khác của công ty mẹ đạt 85.428 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt mức kỷ lục với 7.958 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận sau thuế công ty mẹ đạt 2.775 tỷ đồng.
Mức lợi nhuận đạt được chủ yếu đến từ việc phục hồi của thị trường hàng không quốc tế (tăng 17,2% so cùng kỳ năm trước); đàm phán thành công với đối tác xóa khoản nợ khoảng 4.710 tỷ đồng cho Pacific Airlines theo thỏa thuận trả tàu; tiếp tục cải thiện hiệu quả công ty mẹ, cộng hưởng hệ sinh thái các công ty con kinh doanh có lãi so với cùng kỳ năm trước…