|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Trung Quốc đóng cửa biên giới, cả giao thương lẫn ngoại giao đều bị chia cắt

14:30 | 24/06/2021
Chia sẻ
Trong bối cảnh Bắc Kinh vẫn đóng cửa biên giới, doanh nghiệp trong nước đã bắt đầu than thở vì phải kinh doanh và liên lạc với khách hàng qua mạng; trong khi mối quan hệ giữa Trung Quốc với các đối tác ngày càng xấu đi và ngoại giao trực tuyến không thể khỏa lấp hố sâu ngăn cách đôi bên.

Tương tự nhiều nước khác, các cuộc họp trực tuyến ngày càng đóng vai trò quan trọng với Trung Quốc, giúp nền kinh tế lớn thứ hai thế giới duy trì hoạt động thương mại và ngoại giao sau quyết định đóng cửa biên giới vào tháng 3 năm ngoái.

Tuy nhiên, không phải lúc nào họp trực tuyến cũng có lợi. Do Bắc Kinh vẫn giữ nguyên các lệnh hạn chế di chuyển, nhiều thương nhân phàn nàn rằng công ty của họ đang gặp khó khăn, trong khi hố sâu ngăn cách Trung Quốc và phương Tây ngày càng nới rộng. Thiếu đi các cuộc hội đàm trực tiếp càng khiến hai bên khó xích lại gần nhau.

Giới chuyên gia cho rằng, khi các nhà lãnh đạo khác từ từ nối lại những cuộc gặp trực tiếp như hội nghị thượng đỉnh của nhóm G7 ở Anh và cuộc hội đàm Joe Biden - Vladimir Putin ở Thụy Sĩ hồi tuần trước, thì Bắc Kinh sẽ phải tính xem liệu đã đến lúc Chủ tịch Tập Cận Bình nên học theo hay không.

Doanh nghiệp "lên mạng"

Dù thương mại điện tử dần lên ngôi trong thời đại dịch, các chủ doanh nghiệp tại Trung Quốc cho biết một số khía cạnh của thương mại truyền thống không thể vận hành trên mạng được. Rất khó để khách hàng đến gặp nhà cung cấp để kiểm tra hàng hóa, gây trở ngại cho vấn đề kiểm soát chất lượng và xây dựng lòng tin.

Trong khi lĩnh vực ngoại thương của Trung Quốc ghi nhận tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ trong năm ngoái cũng như đầu năm nay, nhiều thương nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ, lại chịu thiệt hại nặng nề.

Ông Jimmy Zhao, người đang điều hành một nhà sản xuất giấy dán tường ở thành phố Diêm Thành (tỉnh Giang Tô), cho biết công việc kinh doanh của mình đã sa sút một nửa so với mức trước đại dịch và phải sa thải 20 công nhân vì 80% sản phẩm công ty làm ra là phục vụ xuất khẩu.

Chia sẻ với SCMP, ông Zhao nói: "Chúng tôi dùng mạng xã hội và các ứng dụng gọi trực tuyến để liên lạc với khách hàng, nhưng cũng không thể gãi trúng chỗ ngứa. Trước đây, khách hàng sẽ mang mẫu đến và trao đổi từng chi tiết của sản phẩm với chúng tôi. Giờ chúng tôi tự quyết mọi thứ, đôi khi khách hàng không hài lòng. Một số đã ngừng hợp tác với chúng tôi".

Trung Quốc đóng cửa biên giới, giao thương lẫn ngoại giao với bên ngoài đều bị chia cắt - Ảnh 1.

Trung Quốc đóng cửa biên giới, giao thương lẫn ngoại giao với bên ngoài đều bị chia cắt. (Ảnh minh họa: SCMP).

Các doanh nghiệp tại chợ Nghĩa Ô (tỉnh Chiết Giang) - trung tâm thương mại lớn nhất thế giới dành cho các hàng hóa nhỏ hơn, cũng đang gặp khó khăn.

Cô Jin Qingxian, một thương nhân bán đèn, quạt và pin tại khu chợ, cho hay: "Việc hạn chế đi lại đã ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động kinh doanh của chúng tôi, tôi gần như không thể đong đếm được thiệt hại". 90% sản phẩm của Jin được bán ra nước ngoài. Giờ đây, cô phải dựa vào WeChat, QQ và email để giữ liên lạc với khách hàng.

Ngoài ra, tình trạng chậm trễ trong khâu vận chuyển hàng do các lệnh cấm biên và thiếu hụt tàu container cũng gây hại cho những doanh nghiệp quốc tế phụ thuộc vào nhà cung ứng Trung Quốc.

CEO Narendra Raval của công ty vật liệu xây dựng lớn nhất Đông Phi Devki Group, đã phải chờ thiết bị từ Trung Quốc từ cuối năm ngoái. Số thiết bị này được dùng cho nhà máy luyện thép trị giá 200 triệu USD của Devki ở thành phố Mombasa (Kenya).

"Chúng tôi đang xây một nhà máy thép bằng vốn vay, và chi phí lãi vay đang tăng lên từng ngày. Do đó, tổn thất là rất lớn", ông Raval nói.

Ngoại trưởng Kenya Ababu Namwamba cho biết các thương nhân trong nước cũng rất khó tìm được nguồn sản phẩm phù hợp và đáp ứng yêu cầu xuất khẩu nếu không đến Trung Quốc.

Ông lấy ví dụ về thỏa thuận xuất khẩu quả bơ đông lạnh giữa Kenya và Trung Quốc hồi năm 2019. Nếu xuất sang Trung Quốc, giá bơ sẽ cao hơn rất nhiều so với tại thị trường địa phương.

Vị ngoại trưởng cho biết, Kenya đã chuẩn bị thực hiện một thỏa thuận rất tiềm năng này. Song, hai năm trôi qua, thị phần bơ của Kenya ở Trung Quốc không tăng bao nhiêu vì thương nhân địa phương không tìm được khách hàng mới, nguyên nhân cũng vì các lệnh hạn chế đi lại của Bắc Kinh.

Ông Namwamba thông tin thêm rằng các nhà nhập khẩu đồ nội thất Kenya cũng nằm trong số chịu ảnh hưởng nặng nề. "Nếu muốn mua đồ nội thất, chúng tôi phải tới những nơi như Phật Sơn để trực tiếp kiểm tra hàng hóa, mua và vận chuyển về Kenya. Các lệnh hạn chế di chuyển gây thiệt hại đáng kể cho giao thương Kenya - Trung Quốc", ông Namwamba nhấn mạnh.

Ngoại giao "theo kịch bản"

Nếu các cuộc gặp trực tiếp là yếu tố quan trọng để xây dựng lòng tin trong lĩnh vực thương mại - kinh doanh, thì chúng cũng không thể thiếu trên phương diện ngoại giao. Kể từ khi nhậm chức năm 2013, Chủ tịch Tập Cận Bình đã thực hiện 98 chuyến thăm tới 59 quốc gia, theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Mỹ.

Trong thời kỳ dịch bệnh, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã ca ngợi chính sách "ngoại giao trực tuyến" của Bắc Kinh, xem đây như một thành tựu lớn.

Ông Vương cho biết, Chủ tịch Tập đã "đích thân tham gia xây dựng và chỉ đạo các cuộc gặp với nhiều nhà lãnh đạo nước ngoài cũng như người đứng đầu của các tổ chức quốc tế thông qua ngoại giao trực tuyến".

Theo Tân Hoa Xã, năm ngoái, ông Tập Cận Bình đã tham dự khoảng 87 cuộc họp trực tuyến với các nhà lãnh đạo thế giới và 22 phiên họp đa phương.

Dù vậy, các chuyên gia cho rằng một số thành tựu chỉ có thể được tạo ra thông qua ngoại giao trực tiếp.

Phó giáo sư Marcus Holmes tại Đại học William & Mary ở Mỹ, cho biết rất khó để nhận diện ngôn ngữ cơ thể và thái độ của người khác trong một cuộc họp trực tuyến. Hơn nữa, đôi khi đột phá thường có xu hướng xuất hiện trong những khoảnh khắc thân mật ở một cuộc gặp trực diện.

"Ở các cuộc họp qua mạng, mọi thứ đều được lên lịch sẵn... Một số nhà ngoại giao và lãnh đạo cũng không thoải mái với tính nghiêm túc của cuộc họp dạng này, khi mà họ phải luân phiên phát biểu theo kịch bản", ông Holmes nói thêm.

Ngoài ra còn có vấn đề an ninh mạng. "Đặc biệt, rất khó để giới lãnh đạo hạn chế số người tham dự cuộc họp trực tuyến. Nhiều khoảnh khắc trao đổi hiệu quả nhất diễn ra khi các nhà lãnh đạo trao đổi riêng tư, hoặc chỉ với phiên dịch viên mà không sợ bị quay lại...", vị phó giáo sư tiếp tục.

Một vấn đề khó khác đối với Trung Quốc là mối quan hệ giữa nước này và các đối tác thương mại lớn như Mỹ đã xấu đi đáng kể trong năm qua. Ông Holmes nhấn mạnh: "Quan hệ Mỹ - Trung chắc chắn sẽ bị tổn hại nếu hai bên thiếu sự tiếp xúc ngoại giao".

Tháng 3 năm nay, cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa các quan chức hàng đầu của hai nước kể từ khi đại dịch bùng phát không thể làm dịu mối quan hệ căng thẳng. Tại Alaska, phái đoàn hai bên đốp chát nhau trong một tiếng đồng hồ.

Tuần trước, cố vấn an ninh Nhà Trắng Jake Sullivan gợi ý Washington đang xem xét tổ chức các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Tổng thống Biden và ông Tập, dù các nhà quan sát Trung Quốc cho rằng quan hệ giữa hai nước có thể vẫn còn quá căng thẳng để tổ chức một sự kiện như vậy.

Tuy nhiên, có một số dấu hiệu cho thấy Chủ tịch Trung Quốc sẽ nối lại quan hệ ngoại giao đa phương thông qua hội đàm trực tiếp vào cuối năm nay.

Chuyên gia Pang Zhongying tại Đại học Hải Dương Trung Quốc (ở Thanh Đảo) có đề cập đến hội nghị thượng đỉnh G20 tại Rome vào tháng 10 tới, và ông Tập được dự đoán là sẽ tham dự.

Ông Pang còn nhắc đến các cuộc đàm phán trong khuôn khổ APEC vào tháng 11, mặc dù chưa rõ liệu các cuộc họp này sẽ diễn ra theo hình thức trực tuyến hay trực tiếp, hay liệu ông Tập có đến dự hay không.

Yên Khê