|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Trung Quốc chưa chịu mở cửa biên giới, doanh nghiệp nước ngoài đau đầu nghĩ cách níu chân nhân viên

14:03 | 16/06/2021
Chia sẻ
Nhân viên nước ngoài là tài sản quan trọng bậc nhất đối với hoạt động kinh doanh của các công ty ngoại tại Trung Quốc. Tuy nhiên đến nay, Bắc Kinh vẫn chưa chấp nhận dỡ bỏ lệnh cấm nhập cảnh với người nước ngoài, buộc các doanh nghiệp phải nghĩ cách níu giữ nhân viên.

Từ đầu năm ngoái, chính phủ Trung Quốc đã áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt để kiểm soát đại dịch COVID-19, chẳng hạn như hạn chế di chuyển, xét nghiệm bắt buộc trên diện rộng và đóng cửa biên giới với du khách quốc tế.

Tuy nhiên, chiến lược trên lại đang gây khó khăn cho doanh nghiệp hoạt động tại Trung Quốc, trong đó bao gồm nhiều công ty nước ngoài. Tác động kinh tế tiềm tàng được dự đoán là rất khó lường.

Một số chuyên gia nói các biện pháp này quá hà khắc, đồng thời cảnh báo rằng môi trường kinh doanh ở Trung Quốc có thể thay đổi đáng kể so với trước đại dịch COVID-19, theo SCMP.

Khó níu chân nhân tài

Giám đốc của các công ty ngoại ngày càng lo lắng rằng họ không thể giữ chân nhân viên nước ngoài, những tài sản quan trọng đối với hoạt động ở thị trường tỷ dân. Trong hơn một năm qua, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp phải liên lạc với trụ sở bằng các cuộc gọi video.

Tuần trước, Phòng Thương mại của Liên minh châu Âu (EuroCham) đã công bố một khảo sát dành cho các công ty nước ngoài tại Trung Quốc. Kết quả là, 68% người được hỏi đang coi các lệnh hạn chế nhập cảnh liên quan đến COVID-19 là một trong những thách thức lớn mà họ phải đối mặt.

Khá nhiều người e ngại rằng đội ngũ nhân lực nước ngoài tại đất nước tỷ dân không thể phục hồi hoàn toàn. EuroCham cảnh báo, đây là một kịch bản có thể khiến các công ty châu Âu "cực kỳ" thất vọng.

"Một số người hy vọng rằng việc quay trở lại Trung Quốc sẽ dễ dàng hơn nếu người lao động nước ngoài tiêm ngừa một vắc xin do các cơ quan y tế công cộng của Trung Quốc chấp thuận", bản khảo sát lập luận.

"Tuy nhiên, nếu không có một cơ chế phù hợp để tạo điều kiện cho người lao động ngoại quốc quay lại sau khi thăm gia đình ở quê nhà, các công ty châu Âu lo sợ rằng một số nhân viên sẽ nghỉ việc để đoàn tụ với người thân", khảo sát kết luận.

Bà Charlotte Roule, Phó Chủ tịch của EuroCham tại Trung Quốc, nói thêm: "Lệnh cấm nhập cảnh đối với hành khách quốc tế càng kéo dài, ảnh hưởng đối với các công ty thành viên của chúng tôi càng nghiêm trọng. Họ cần chuyên môn và kinh nghiệm của những nhân sự nước ngoài này".

Theo SCMP, chính quyền tại hầu hết các tỉnh thành đã áp dụng lệnh cấm nhập cảnh đối với người nước ngoài trong 15 tháng qua. Hồi tháng 9 năm ngoái, Bắc Kinh có nới lỏng lệnh cấm một chút khi cho phép công dân nước ngoài với các loại thị thực đặc biệt và từ một số quốc gia cụ thể được nhập cảnh.

Tuy nhiên, ngay cả khi đáp ứng hai điều kiện trên, du khách và công dân nước ngoài quay trở lại Trung Quốc đều phải cung cấp giấy xác nhận xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trước khi được cấp các giấy tờ cần thiết. Sau đó, họ phải thực hiện sàng lọc y tế và cách ly trong tối đa 28 ngày.

Trung Quốc chưa chịu mở cửa biên giới, doanh nghiệp nước ngoài ôm đầu nghĩ cách níu chân nhân viên - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: SCMP).

Ông Ker Gibbs, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) tại Thương Hải, cho biết vấn đề đi lại của nhân viên nước ngoài là bài toán số một đối với doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc. Theo ông Gibbs, nhiều công ty đang gặp khó khăn trong việc níu chân nhân viên hiện tại và thu hút người mới vào các vị trí trống.

"Muốn doanh nghiệp hoạt động trơn tru ở thị trường Trung Quốc, bằng mọi giá chúng tôi phải giải được bài toán nhân lực. Song, Bắc Kinh chỉ cho phép các giám đốc cấp cao nhập cảnh chứ không tiếp nhận những người trong gia đình", ông Gibbs chia sẻ.

Hơn nữa, trong bối cảnh mối quan hệ song phương Mỹ - Trung ngày càng xấu đi, vấn đề liên lạc giữa trụ sở chính và các chi nhánh ở Trung Quốc "đang trở nên quan trọng hơn bao giờ hết".

Tương tự người tiền nhiệm Donald Trump, Tổng thống Joe Biden cũng đưa ra đường lối chính sách cứng rắn với Trung Quốc. Gần đây, ông Biden đã sửa lệnh cấm của ông Trump, liệt 59 công ty Trung Quốc vào danh sách đen thương mại.

Tuần trước, Thượng viện Mỹ đã thông qua một dự luật trị giá 250 tỷ USD để tăng cường khả năng cạnh tranh của Mỹ trong nhiều lĩnh vực như chất bán dẫn, nghiên cứu và phát triển (R&D). Chính phủ Trung Quốc cực lực phản đối dự luật này.

"Tin tức về các chính sách của Washington tạo ra phản ứng tiêu cực tại Trung Quốc. Trụ sở chính của nhiều công ty đang rất lo lắng, còn chi nhánh ở Trung Quốc lại khó có thể truyền đạt chính xác tình hình cho trụ sở", Chủ tịch AmCham nhấn mạnh.

Tại sao Trung Quốc chưa chịu mở cửa?

Kinh tế trưởng Ding Shuang tại ngân hàng Standard Chartered cho biết Trung Quốc chưa vội mở cửa biên giới vì lợi bất cập hại.

Ông Ding nói, nếu Trung Quốc tiếp tục đóng cửa, các hoạt động kinh doanh có thể bị gián đoạn nhưng nếu các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 xâm nhập vào đất nước thì thiệt hại sẽ còn khủng khiếp hơn nhiều.

"Mở cửa biên giới sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho lao động nước ngoài quay trở lại, nhưng Trung Quốc vẫn đang bị thâm hụt thương mại dịch vụ. Nếu dỡ bỏ lệnh cấm nhập cảnh, họ sẽ đóng góp cho thế giới nhiều hơn là cho chính mình... Mà đây không phải là ưu tiên của Trung Quốc bây giờ", ông Ding lưu ý.

Thâm hụt thương mại dịch vụ của đất nước tỷ dân đã giảm đáng kể trong đại dịch khi mà các nước khác thu mua rất nhiều thiết bị bảo hộ và sản phẩm tiêu dùng do Trung Quốc sản xuất. Quý I năm nay, thâm hụt thương mại dịch vụ của Trung Quốc là 72 tỷ nhân dân tệ (tương đương 11,26 tỷ USD), giảm 76,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hơn nữa, dưới tác động của các lệnh cấm nhập cảnh và lo ngại về các biến thể mới, du khách Trung Quốc ngày càng quan tâm đến các điểm du lịch trong nước. Bộ Văn hóa và Du lịch ước tính năm nay Trung Quốc sẽ tiếp đón hơn 4 tỷ lượt khách, doanh thu từ khách nội địa ước đạt 500 tỷ USD.

Dù vậy, giới chuyên gia vẫn đang quan sát xem các lệnh cấm biên có thể ảnh hưởng như thế nào đến Thế vận hội mùa đông, dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 2 năm sau tại Bắc Kinh. Trung Quốc sẽ phải cho phép các vận động viên nước ngoài nhập cảnh, nhưng câu hỏi hiện còn bỏ ngỏ là liệu khán giả quốc tế có thể tham gia cùng hay không.

Trong cuộc điện đàm cùng Chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc tế Thomas Bach vào tháng trước, Chủ tịch Tập Cận Bình tự tin rằng Trung Quốc sẽ đăng cai Thế vận hội và Paralympic mùa đông vào năm tới "theo đúng kế hoạch".


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Khả Nhân

Trước thềm Diễn đàn Đầu tư Việt Nam: Đầu tư thụ động trong bối cảnh vĩ mô không chắc chắn
Trong năm 2024, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn đang ở mức thấp. 4 ngân hàng quốc doanh có mức huy đông kỳ hạn 12 tháng đang ở mức 4,6%-5,0%. Trong khi đó thị trường trái phiếu, cũng như thị trường bất động sản đều chưa phục hồi, dẫn đến thiếu các kênh đầu tư tài chính hấp dẫn. Lượng tiền gửi trong ngân hàng đang ở mức cao nhất trong lịch sử đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng vào tháng 7/2024.