|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Trung Quốc: Phương Tây tung hàng nghìn tỷ USD để tự cứu mình nhưng cả thế giới gánh hậu quả

10:34 | 11/06/2021
Chia sẻ
Hôm 10/6, các nhà quản lý tài chính Trung Quốc lại một lần nữa bày tỏ quan ngại về tác dụng phụ của các gói kích thích kinh tế lớn ở phương Tây. Đồng thời, họ còn kêu gọi dỡ bỏ thuế quan với hàng hóa Trung Quốc để kiềm chế lạm phát toàn cầu.

Phát biểu tại diễn đàn tài chính Lujiazui Forum ở Thượng Hải hôm 10/6, các quan chức hàng đầu của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã một lần nữa nêu ra lo ngại về tác hại tiềm tàng của các gói kích thích kinh tế quy mô lớn ở phương Tây, trong đó đáng chú ý nhất là Mỹ và châu Âu.

Cụ thể, ông Quách Thụ Thanh - Chủ tịch Ủy ban Điều tiết Bảo hiểm và Ngân hàng Trung Quốc kiêm lãnh đạo cấp cao tại PBoC, cho biết lạm phát xuất hiện ngay sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) bắt đầu bơm tiền bằng cách mua tài sản để giảm thiểu tác động kinh tế của đại dịch COVID-19.

Ông Quách nói: "Các biện pháp kích thích đặc biệt đó giúp ổn định thị trường và niềm tin của nhà đầu tư trong ngắn hạn. Song, cả thế giới phải gánh hậu quả".

Trong vài tháng gần đây, rủi ro lạm phát bùng nổ trên khắp thế giới, khiến công chúng lo ngại rằng việc giá hàng hóa tiếp tục leo thang có thể đè nặng lên sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu.

Ông Quách Thụ Thanh nhấn mạnh, hành động đơn phương của một số nước phát triển đã khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn.

"Trên thực tế, họ làm tổn hại đến lợi ích của người dân nước mình trước tiên. Chẳng hạn, việc duy trì mức thuế quan cao đối với hàng hóa Trung Quốc thực sự làm cho lạm phát tăng nhanh hơn", ông Quách giải thích.

Bình luận trên được cho là đang đề cập đến việc chính quyền Tổng thống Biden quyết định giữ nguyên thuế quan trừng phạt do người tiền nhiệm Donald Trump áp dụng với các sản phẩm Trung Quốc.

Theo South China Morning Post, thái độ chỉ trích của quan chức PBoC về chính sách kích thích kinh tế của phương Tây xuất hiện tại thời điểm khá nhạy cảm với Bắc Kinh, khi nước này vừa nối lại một số cuộc đàm phán thương mại cấp cao với Washington nhằm thiết lập lại quan hệ kinh tế và chính trị song phương.

Trung Quốc: Phương Tây tung hàng nghìn tỷ USD để tự cứu mình nhưng cả thế giới gánh hậu quả  - Ảnh 1.

Ông Quách Thụ Thanh - Chủ tịch Ủy ban Điều tiết Bảo hiểm và Ngân hàng Trung Quốc. (Ảnh: SCMP).

Thực chất, Trung Quốc cũng tung ra các biện pháp kích thích tài khóa và tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi với mức tăng trưởng 2,3% vào năm 2020. Tuy nhiên, các biện pháp này không lớn bằng chính sách của các nước phương Tây.

Dữ liệu mới công bố hôm 9/6 cho thấy, chỉ số giá xuất xưởng của Trung Quốc trong tháng 5 tăng 9% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tốc độ tăng nhanh nhất trong gần 13 năm qua, nguyên nhân bắt nguồn từ việc giá hàng hóa lên cao. Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 tăng 1,3%, mức tăng lớn nhất so với cùng kỳ năm trước trong 8 tháng qua.

Tuy nhiên, các quan chức PBoC cho biết, vấn đề lạm phát không gây ra mối đe dọa nghiêm trọng nào đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và chính sách tiền tệ của Trung Quốc dự kiến sẽ được giữ ổn định.

Dù lạm phát toàn cầu tăng đáng kể trong ngắn hạn, song liệu xu hướng này có kéo dài hay không là điều mà các chuyên gia còn đang tranh luận, Thống đốc PBoC Dịch Cương cho hay.

Thống đốc Dịch Cương thông tin thêm rằng các nhà chức trách Trung Quốc đã cảnh giác trước áp lực lạm phát do đại dịch COVID-19 và các yếu tố bất ổn bên ngoài gây ra. Tuy nhiên, ông tin rằng giá tiêu dùng sẽ giảm và lạm phát cả năm sẽ dưới 2%, tức vẫn nằm trong phạm vi mục tiêu của chính phủ.

Dù vậy, giá hàng hóa tăng nóng thời gian qua vẫn là một nội dung quan trọng trong chương trình nghị sự của Bắc Kinh, SCMP lưu ý. Tháng trước, chính phủ Trung Quốc đã hứa sẽ kiềm chế giá hàng hóa và ngăn chặn lạm phát bằng các biện pháp cụ thể như trấn áp các "giao dịch bất thường" và hành vi "đầu cơ độc hại".

Khả Nhân