NATO xem Trung Quốc là một 'thách thức có hệ thống', cần phải kìm hãm
10 lần réo tên Trung Quốc
Tại cuộc họp đầu tiên của NATO trong gần hai năm qua, Trung Quốc tiếp tục trở thành trọng tâm của các cuộc thảo luận, tương tự như tại phiên họp của nhóm G7 vào cuối tuần trước. Kết thúc sự kiện, NATO đã đưa ra một tuyên bố chung, khẳng định Trung Quốc là một "thách thức có hệ thống".
Tuyên bố nhấn mạnh: "Tham vọng và hành động gây hấn của Trung Quốc đặt ra những thách thức mang tính hệ thống đối trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, xâm hại đến các lĩnh vực có liên quan tới an ninh của NATO".
Trong cuộc họp báo sau khi kết thúc hội nghị thượng đỉnh, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết cơ quan này lo ngại rằng Trung Quốc đang "nhanh chóng mở rộng kho vũ khí hạt nhân với nhiều đầu đạn hơn và một số lượng lớn các hệ thống phóng tối tân".
Hơn nữa, Trung Quốc còn đang hợp tác quân sự với Nga và có hành vi "sử dụng thông tin sai lệch", ông Stoltenberg nói thêm.
"Các nhà lãnh đạo NATO kêu gọi Trung Quốc nên duy trì các cam kết quốc tế và hành động có trách nhiệm trên các lĩnh vực như an ninh mạng, không gian và hàng hải để phù hợp với vai trò là một cường quốc lớn", vị tổng thư ký chia sẻ.
Tuyên bố 79 điểm của NATO dành ra 3 đoạn và 10 lần đề cập đến Trung Quốc, South China Morning Post chỉ ra.
Trong khi đó, sau hội nghị thượng đỉnh năm 2019, NATO chỉ nhắc đến Trung Quốc một lần duy nhất khi liên minh quân sự này "nhận ra rằng ảnh hưởng ngày càng lớn và các chính sách quốc tế của Trung Quốc tạo ra cả thách thức lẫn cơ hội". Sự khác biệt giữa hai bản tuyên bố cho thấy quan điểm của NATO về Bắc Kinh đã thay đổi như thế nào trong 18 tháng qua.
Ở một cuộc họp báo khác cùng ngày, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng lưu ý rằng "lần cuối cùng NATO đưa ra một kế hoạch chiến lược là vào năm 2010, khi Nga được coi là một đối tác của liên minh và Trung Quốc thậm chí còn chẳng được gọi tên". Bây giờ, cả Nga và Trung Quốc đều đang "cố gây chia rẽ mối quan hệ gắn kết của NATO", ông Biden khẳng định.
Truyền thông đặt câu hỏi, Trung Quốc phải vượt qua "lằn ranh" nào để bị NATO điều chỉnh từ "thách thức có hệ thống" lên thành "đối thủ".
Đáp lại, ông Stoltenberg nói NATO không muốn "xác định cụ thể các ranh giới mà đang cùng nhau giải quyết một thực tế là Trung Quốc sẽ sớm trở thành nền kinh tế số một thế giới, sở hữu ngân sách quốc phòng lớn thứ hai và lực lượng hải quân quy mô nhất".
"Trung Quốc đang đầu tư mạnh vào các công nghệ mới, chẳng hạn như hệ thống tự động, nhận dạng khuôn mặt và trí tuệ nhân tạo. Họ đưa các công nghệ này vào nhiều hệ thống vũ khí khác nhau...làm thay đổi bản chất của chiến tranh theo cách chúng tôi hầu như chưa từng thấy trong quá khứ...", Tổng thư ký NATO giải thích.
Các nguyên thủ quốc gia nói gì?
Chia sẻ với các phóng viên trước thềm hội nghị thượng đỉnh, các nguyên thủ quốc gia nhấn mạnh rằng Trung Quốc đang là một trong những thách thức chính sách đối ngoại và quốc phòng lớn nhất của NATO.
"Trung Quốc ngày càng chống đối NATO, cho dù ở châu Phi, ở Địa Trung Hải hay cụ thể hơn là ở Bắc Cực. Chúng tôi cần đảm bảo rằng, với tư cách là một liên minh, NATO phải nhận diện được những ảnh hưởng toàn cầu mà Trung Quốc đang tạo ra", Thủ tướng Canada Justin Trudeau bày tỏ.
Các nhà lãnh đạo NATO cũng nhấn mạnh việc khôi phục quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương sau 4 năm sóng gió dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump. Ông Trump thường theo đuổi các chính sách biệt lập và đe dọa rút Mỹ khỏi NATO hoàn toàn.
Thủ tướng Italy Mario Draghi bày tỏ: "Hội nghị thượng đỉnh này là một phần trong quá trình tái khẳng định, tái xây dựng các liên minh cơ bản của Mỹ. Các cơ chế này đã bị chính quyền trước làm cho suy yếu".
Dù nhìn nhận rõ thách thức Trung Quốc, các nhà lãnh đạo NATO vẫn không muốn coi mối quan hệ căng thẳng với Bắc Kinh là "một cuộc chiến tranh lạnh mới". Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết ông không nghĩ "bất kỳ ai trong NATO muốn bước vào một cuộc chiến tranh lạnh với Trung Quốc".
Là một trong số ít đồng minh của Trung Quốc trong NATO, Thủ tướng Hungary Viktor Orban cũng cảnh báo: "Tôi đã 58 tuổi. Gần nửa cuộc cuộc đời tôi chìm trong Chiến tranh Lạnh. Đó là một sự kiện tồi tệ, đừng lôi nhau vào chiến tranh lạnh".
Bất chấp căng thẳng, tuyên bố của NATO cũng khuyến khích các nước thành viên hợp tác với Trung Quốc ở các lĩnh vực tiềm năng như biến đổi khí hậu, SCMP cho biết thêm.