Ông Biden cảnh báo Trung Quốc đang 'áp sát' Mỹ trong cuộc đua thế kỷ
Tổng thống Mỹ Joe Biden dùng bài phát biểu lớn đầu tiên trước Quốc hội để mô tả mối quan hệ Mỹ-Trung là trận chiến thế kỷ trong công nghệ và cuộc đọ sức giữa các mô hình chính trị.
Ông Biden nói với các nghị sĩ tập trung tại phòng họp của Hạ viện: "Chủ tịch Tập Cận Bình hết sức nghiêm túc về việc đưa Trung Quốc trở thành nước quan trọng nhất, có tầm ảnh hưởng lớn nhất trên thế giới".
"Ông ấy và một số nguyên thủ khác cho rằng các nước dân chủ sẽ tụt lại trong thế kỷ 21, vì việc thống nhất ý kiến mất quá nhiều thời gian".
Ông Biden khẩn thiết kêu gọi các nhà lập pháp ủng hộ gói đầu tư 1.800 tỷ USD cho gia đình và giáo dục: "Để có thể chiến thắng cuộc cạnh tranh trong tương lai, tôi cho rằng chúng ta cần phải thực hiện khoản đầu tư vô cùng đặc biệt vào các gia đình và trẻ em Mỹ".
"Chúng ta đang ở trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc và các nước khác để giành chiến thắng trong thế kỷ 21. Chúng ta đang ở trong thời điểm lớn trong trong lịch sử, chúng ta phải làm nhiều hơn là chỉ xây dựng lại… chúng ta phải xây dựng lại tốt hơn".
Ông Biden khẳng định Mỹ đang bị tụt hậu so với phần còn lại của thế giới trong những công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo. Kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng 2.000 tỷ USD của ông Biden dành khoảng 95 tỷ USD để nghiên cứu các công nghệ quan trọng dưới sự chỉ đạo của chính phủ liên bang.
Cụ thể, ông Biden khẳng định Mỹ phải tăng cường nỗ lực để phát triển công nghệ liên quan tới pin, công nghệ sinh học, chip máy tính và năng lượng sạch, South China Morning Post (SCMP) cho biết.
"Trung Quốc và những nước khác đang áp sát Mỹ", ông cảnh báo.
Các vấn đề đối ngoại thường không được nhắc đến trong bài phát biểu của tổng thống trước Quốc hội. Nhưng trong một phần khác dành riêng cho chủ đề Trung Quốc, ông Biden cam kết sẽ "duy trì sự hiện diện quân sự mạnh mẽ" ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương "không phải để khởi xướng xung đột, mà là để ngăn chặn chiến tranh".
Ông Biden cam kết sẽ bảo vệ người lao động Mỹ trước tác động của các khoản trợ cấp của Bắc Kinh dành các doanh nghiệp nhà nước và "hoạt động đánh cắp công nghệ và tài sản trí tuệ Mỹ".
Ông cũng cam kết sẽ đặt lao động Mỹ làm đầu, khẳng định "chẳng có lý do nào" mà cánh tuabin gió không thể được sản xuất ở Pittsburgh (bang Pennsylvania) thay vì Bắc Kinh. Câu nói này của ông Biden giành được tràng pháo tay từ các nghị sĩ.
Những nhà lập pháp tham dự sự kiện này vẫn còn nhớ tới cảnh tượng trên Đồi Capitol gần 4 tháng trước, khi những người ủng hộ cựu Tổng thống Trump xông vào tòa nhà Quốc hội để ngăn chặn cuộc kiểm phiếu đại cử tri.
Lực lượng Vệ binh Quốc gia vẫn ở trong khu phức hợp Đồi Capitol Quốc hội sau cuộc vây hãm ngày 6/1. Lực lượng này hỗ trợ cảnh sát địa phương bảo vệ an ninh tại Washington khi ông Biden phát biểu trước Quốc hội. Tòa nhà vẫn được bao bọc xung quanh bởi hàng rào thép kiên cố.
Các phiên họp chung giữa tổng thống và Quốc hội thường có khoảng 1.600 người tham dự. Tuy nhiên, sự kiện hôm 28/4 có quy mô nhỏ hơn nhiều, chỉ có sự tham gia của khoảng 200 nhà lập pháp để tránh lây nhiễm COVID-19.
Dù quy mô phải thu nhỏ đáng kể nhưng sự kiện này vẫn là cơ hội lớn để Tổng thống Biden trực tiếp trao đổi với các nhà lập pháp và công chúng về những ưu tiên của ông.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki nói với các phóng viên: "Ông Biden đã phục vụ trong Thượng viện suốt 36 năm. Ông ấy cũng tham gia 8 phiên họp chung như thế này với với tư cách phó tổng thống và ông ấy chắc chắn nhận ra cơ hội quan trọng mà nó mang lại".