Nếu không trút được gánh nặng dân số già, kinh tế Trung Quốc có thể bị Ấn Độ vượt mặt, vĩnh viễn xếp sau Mỹ
Hãy sinh thêm con. Đây là thông điệp của Trung Quốc dành cho các cặp vợ chồng sau hàng thập kỷ giới hạn các gia đình chỉ được đẻ một con. Vì sao lại có sự thay đổi này? Trung Quốc đang già đi. Dân số trong độ tuổi lao động đang giảm dần và các dự báo cho thấy 25% dân số Trung Quốc sẽ nằm trong nhóm từ 60 tuổi trở lên vào năm 2030.
Hiện tượng trên đe dọa đà bùng nổ kinh tế của Trung Quốc, vốn được xây dựng dựa trên nguồn lao động dồi dào. Đây còn là vấn đề xã hội với nguy cơ Trung Quốc không có đủ người khỏe mạnh để chăm sóc các bậc cao niên. Các nhà hoạch định chính sách ngày càng cho rằng chính phủ cần có hành động quyết liệt để đối mặt với một xã hội đang già đi nhanh chóng.
Quan điểm cũ
Sau khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời năm 1949, dịch vụ chăm sóc y tế và vệ sinh được cải thiện, dân số Trung Quốc bắt đầu đi lên. Vào thời điểm đó, dân số tăng được coi là lợi ích kinh tế đối với một đất nước đang chuyển mình từ kinh tế nông nghiệp sang công nghiệp.
Nhưng đến những năm 1950, tăng trưởng dân số bắt đầu vượt quá nguồn cung thực phẩm, và chính phủ bắt đầu lên kế hoạch hạn chế sinh nở. Tuy nhiên, tổng dân số Trung Quốc vẫn vượt quá 800 triệu người vào cuối thập niên 60. Đến thập niên 70, Trung Quốc thực sự ở trong tình trạng thiếu lương thực và nhà ở, Bloomberg cho biết.
Năm 1979, Chủ tịch Trung Quốc Đặng Tiểu Bình quyết định giới hạn các cặp vợ chồng chỉ được có một con, với vài ngoại lệ cho những trường hợp đặc biệt. Chính sách này đã được thực thi triệt để.
Quả bom nhân khẩu học
Tốc độ tăng trưởng dân số Trung Quốc ngày càng chậm đi và có nguy cơ chững lại hoàn toàn, hoặc thậm chí là âm.
Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết dân số nước này tăng trung bình 0,53%/năm trong giai đoạn 2010-2020, giảm 0,04% so với thập kỷ trước. Sự giảm tốc này củng cố bằng chứng về nhận định của các nhà kinh tế là Trung Quốc đang đối mặt với quả bom hẹn giờ về nhân khẩu học: nhiều người già đi trước khi kịp giàu lên.
Năm 2020, đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CGTN cũng có bài báo nhận định rằng thực trạng "chưa giàu đã già" là đám mây đen tối phủ bóng lên kinh tế-xã hội Trung Quốc.
Bài viết dự đoán rằng đến năm 2040, tỷ lệ người cao tuổi của Trung Quốc sẽ tăng gấp đôi, từ 10% lên đến hơn 20% dân số. Đến năm 2050, Trung Quốc sẽ có 330 triệu người từ 65 tuổi trở lên, và "tỷ lệ phụ thuộc" của người về hưu sẽ vượt quá 40%. Điều này có nghĩa là sẽ chỉ có khoảng hai người trưởng thành đang đi làm chịu gánh nặng chăm sóc một công dân lớn tuổi.
Một cặp vợ chồng trẻ điển hình sẽ phải nuôi 4 bố mẹ già, tạo ra áp lực chưa từng có đối với các mối quan hệ gia đình có chức năng gắn bó xã hội. Nếu tính thêm số trẻ em dưới 15 tuổi, tỷ lệ phụ thuộc có thể lên đến 70%. Những người lao động trẻ tuổi này sẽ lấy đâu ra thời gian để vừa kiếm tiền, vừa chăm sóc bố mẹ, con cái?
Chính phủ cũng phải chịu gánh nặng đáp ứng đủ dịch vụ cơ bản như giáo dục, y tế, cũng như đảm bảo an ninh kinh tế cho trẻ em và người lớn tuổi. Y tế càng phát triển, người già càng sống thọ, quỹ hưu trí càng phải chi trả nhiều, trong khi đó lực lượng lao động giảm lại khiến nguồn thu có nguy cơ ít đi.
Hôm 31/5/2021, Trung Quốc cho phép tất cả các cặp vợ chồng sinh con thứ ba, 5 năm sau khi thay đổi chính sách một con thành hai con.
Tuy nhiên, chính sách ba con của Trung Quốc chưa chắc sẽ mang lại thành công. Phụ nữ dành nhiều thời gian cho công việc hơn trước, nuôi con rất tốn kém và nhà ở cũng đắt đỏ.
Một người dùng trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc bình luận: "Tôi sẵn sàng có ba con nếu người ta cho tôi 5 triệu nhân dân tệ (784.000 USD)".
Luôn đứng đằng sau Mỹ
Ông Liu-Gang, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Citigroup đánh giá rằng Trung Quốc cần có "gói chính sách toàn diện từ ưu đãi thuế, trợ cấp giáo dục và nhà ở, chế độ nghỉ thai sản hào phóng hơn, cung cấp dịch vụ chăm sóc trẻ em phổ cập" thì chính sách ba con mới có hiệu quả.
Chính phủ Trung Quốc cũng sẽ cần xây dựng lại mạng lưới an toàn xã hội, cũng như kiềm chế giá nhà ở và giảm chi phí giáo dục.
Một tổ hợp chính sách đúng đắn có thể đưa Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới, tiếp tục thúc đẩy nhu cầu hàng hóa toàn cầu trong nhiều thập kỷ tới. Trong khi đó những người tiêu dùng lớn tuổi lại trở thành thị trường lớn cho các công ty đa quốc gia.
Ngược lại, chính sách dân số không hiệu quả có thể đồng nghĩa với việc Trung Quốc không bao giờ vượt qua Mỹ về quy mô kinh tế, hoặc nếu có thì cũng chỉ là nhất thời.
Bản báo cáo thẳng thắn khác thường từ Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc hồi tháng 3 cảnh báo rằng nước này có thể thua kém Mỹ và nước láng giềng Ấn Độ khi giai đoạn "lợi thế nhân khẩu học" sắp kết thúc. Lợi thế nhân khẩu học là khi dân số trong độ tuổi lao động lớn hơn những người không lao động.
"Nếu đất nước chúng ta đã thu hẹp khoảng cách với Mỹ trong 40 năm qua bằng cách dựa vào lao động rẻ và phần thưởng từ dân số lớn, vậy thì Trung Quốc sẽ dựa vào gì trong 30 năm sau?", các tác giả viết, theo bản dịch của CNBC.
Bản báo cáo này lưu ý rằng Mỹ được hưởng lợi từ dân nhập cư ngay cả khi dân số Trung Quốc già đi. Trong khi đó, dân số và lực lượng lao động của Ấn Độ sẽ sớm vượt qua Trung Quốc.
Các tác giả nói thêm rằng tỷ lệ người trong độ tuổi lao động của Trung Quốc đang sụt giảm và nước này sẽ đánh mất lợi thế với Mỹ trong vài thập kỷ tới. Báo cáo chỉ ra rằng đến năm 2050, tỷ lệ lực lượng lao động của Trung Quốc trên tổng dân số sẽ nhỏ hơn 1,3 điểm % so với Mỹ.